Thứ sáu, 29/03/2024 17:20 (GMT+7)

Sông Lô “ngoạm đất” soi ngô, người dân 'khóc ròng'

MTĐT -  Thứ hai, 28/10/2019 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong thời gian gần đây, nhiều người dân thôn Soi Long, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bức xúc phản ánh với Báo Tài nguyên và Môi trường những lo lắng về soi bãi màu mỡ bị sạt lở.

Ông Bùi Hải Hường, trưởng thôn Soi Long, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên dẫn chúng tôi xuống thẳng hiện trường vụ sạt lở đất soi ngô bên bờ sông Lô dài hàng trăm mét. Bãi ngô đang có nhiều vết nứt toang hoác. Đất bãi chỉ rình mưa to hay gặp khi nước sông lớn là trôi tuột theo dòng nước dữ bất cứ lúc nào. Soi ngô dài xanh mướt. Đất soi đều rất màu mỡ, mỗi vụ người dân thu hoạch ngô hạt đạt vài tạ ngô/sào.

Ông Bùi Hải Hường là trưởng thôn Soi Long, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chỉ cho phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường biết khu vực sạt lở nghiêm trọng soi bãi sông Lô

Trông xuống dòng sông Lô ngổn ngang sỏi đá nổi u, nổi gò giữa dòng, ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Soi long, xã Thái Hòa xót xa nói: Sông Lô bao đời nay lúc đầy, khi vơi cũng chẳng làm tổn hại gì tới soi bãi của bà con trong làng. Vậy mà, người ta cho tàu cuốc, tàu hút cát vào đây khơi dòng, moi đá sỏi đắp lên giữa dòng thế kia để cho mấy chục tàu cát lớn, bé đi qua. Sóng lớn đánh ầm ầm vào bờ bãi khiến từng mảng đất phù sa, ngô non lở ùm ùm xuống sông. Bãi nhà tôi mất hàng chục mét dài theo bờ, khoảng 150mét vuông đã trôi theo dòng rồi. Nhìm sông ngoạm vào bờ bãi xót xa lắm.

Nhiều đoạn, sông ngoạm khoằm vào bãi ngô tới hàng trăm mét dài. dọc bãi soi.
Nhiều mảng đất lớn đã nứt lìa bờ đứng chênh vênh nghiêng về phía dòng nước sông Lô.

Hiện tại, từ mặt soi xuống đáy sông Lô đang có độ chênh khoảng 5-7m ở thế dựng đứng. Nhiều đoạn sông ngoạm khoằm vào bãi ngô tới hàng trăm mét dài, chạy dọc bãi soi. Soi Long như miếng bánh trứng bị cắn dở. Những vết nứt kéo dài ăn sâu vào bãi phù sa khiến nhiều mảng đất lớn đã đứt lìa bờ, đứng chênh vênh nghiêng về phía dòng nước phía dưới. Có chỗ đất sạt rộng, dài đến hàng trăm mét vuông đã tụt xuống gần mép nước.

Cách không xa soi ngô này có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hải Giang, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Công và Công ty cổ phần Khai thác và chế biến vật liệu xây dựng Minh Phát. 3 doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác cát sỏi có phạm vi hoạt động khá rộng. Trước đây tàu cát đi lại khá tấp nập…

Tại biên bản làm việc ngày 19/8/2019, thành phần gồm cán bộ Phòng TN- MT huyện Hàm Yên, cán bộ xã Thái Hòa, trưởng thôn Soi Long đã xác nhận, căn cứ hiện trạng sử dụng đất của các hộ có đất ven sông Lô đoạn thôn Soi Long bị sạt lở, nhân dân trong thôn kiến nghị kiểm kê, xác định thiệt hại. Theo biên bản xác định có 58 hộ dân có đất đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, với hơn 1.200m2. Nhiều hộ bị sạt lở lớn như gia đình bà Đỗ Thị Bích 120m2, gia đình ông Trần Văn Lực 66m2, ông Nguyễn Thế Trị 90m2.v.v.

Ông Bùi Hải Hường, trưởng thôn Soi Long, xã Thái Hòa còn ghi lại được những hình ảnh tàu cát lớn đi lại sóng đánh sạt lở soi bãi. Ông Hường chỉ tay vào cái lán tạm cho biết: Trong thôn có 61/61 hộ dân đều bị sạt lở đất soi bãi, trong đó 18 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân chúng tôi đã phải lập lán trại tạm thay nhau ra bờ sông trông soi bãi. Người dân căng dây chống tàu húc vào bờ. Chuẩn bị đá ném tàu cát. Tôi đã phải ngăn họ ném đá phá tàu của doanh nghiệp nhiều lần. Nhưng cũng phải khẳng định, nhóm tàu chở cát sỏi cũng tệ, tàu to, nhỏ cứ đi qua là tai họa lại ập đến soi bãi của chúng tôi.

Vị trí lán trại tạm của người dân thôn Soi Long trông soi bãi. Người dân căng dây chống tàu húc vào bờ.

Bức xúc trước thực trạng này, người dân đã thuê ô tô lên tận UBND huyện Hàm Yên yêu cầu Chủ tịch huyện về xem xét giải quyết. Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên đã về chỉ đạo cho doanh nghiệp bới cát sỏi lòng sông lên để khơi dòng cho hơn 30 tàu chở cát sỏi trọng tải lớn thoát nạn mắc cạn. Tuy nhiên, hậu quả để lại là đụn cát lớn giữa sông chia thành đôi dòng chảy, xiết sâu vào chân bờ soi bãi ngô của dân. Cứ thế hễ nước sông đầy là gây sụt lở.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi vấn đề này với ông Trịnh Quốc Sáng, Chánh Văn phòng UBND huyện Hàm Yên thì được biết: Tỉnh, huyện đã cử cán bộ đến xã, thôn Soi Long kiểm tra, lập biên bản và đã đề nghị đình chỉ 3 doanh nghiệp khai khoáng, buộc ngừng hoạt động đến khi nào giải quyết xong hậu quả của vụ việc. Hiện tại còn vài tàu chở cát trọng tải lớn đang bị mắc cạn tại khúc sông phía trên Soi Long. Họ phải đợi nước lớn mới có thể di chuyển về xuôi…3 doanh nghiệp đã phải dừng khai thác và chấp hành hình phạt của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang…

Tiếp tục đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đề nghị được cung cấp hồ sơ, tài liệu về vụ việc này. Tuy nhiên, lãnh đạo sở đã giao nhiệm vụ cho bộ phận Văn phòng sở. Văn phòng sở đã chỉ cho phóng viên sang gặp ôngTrưởng phòng Khoáng sản… nhưng đến nay mọi thông tin về vụ việc này vẫn im hơi lặng tiếng...

126 lồng cá Chiên, cá Bổng của các xã viên HTX sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa trên sông Lô ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi trên sông Lô đoạn chảy qua xã Thái Hòa.

Được biết, tại khu vực có doanh nghiệp khai thác cát, sỏi còn có HTX sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa với 17 thành viên đang chăm nuôi 126 lồng cá. Ông Lê Đình Xuân là người dân thôn Khánh An, ông Bùi Hải Hường là trưởng thôn Soi Long, xã Thái Hòa cho biết, người dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 10 năm nay. Việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi gây sóng lớn khiến cá bị hoảng sợ, đâm đầu vào thành lồng là có thật. Các hộ dân nuôi cá lồng cho biết họ đã đầu tư hàng chục triệu mỗi lồng cá chiên, cá bỗng. Cá nuôi được 2 năm nay sắp cho thu hoạch. Hiện tại trị giá mỗi lồng cá là hơn 100 triệu. Nếu tàu cát sỏi cứ hoạt động như thế này thì nguy cơ khiến cá ốm, cá chết, cá chậm lớn sẽ có thể gây thiệt hại cho nông dân.

Một người dân thôn Soi Long xót xa nhìn bãi ngô non bị sạt lở xuống sông Lô.

Chống sạt lở soi bãi cho người dân yên tâm sản xuất đang là bài toán khó giải đối với tỉnh Tuyên Quang. Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang cần nghiên cứu tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương, kè bờ sông giúp họ gìn giữ được soi bãi làm tư liệu sản xuất, đảm bảo an toàn chăn nuôi thủy sản trên sông Lô. Quản lý, xử lý thật nghiêm minh mọi hoạt động khai thác cát sỏi gây tổn hại đến đê điều, soi bãi, môi trường sông Lô. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang cần có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát quản lý đất đai ở các địa phương có mỏ cát sỏi. Xử lý việc người dân địa phương tự ý bán “chui” đất soi bãi cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi khiến nhân dân bức xúc….

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theobáo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Sông Lô “ngoạm đất” soi ngô, người dân 'khóc ròng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.