Thứ tư, 24/04/2024 13:36 (GMT+7)

Ruộng khô, dân khát vì hạn hán khốc liệt ở miền Trung

MTĐT -  Thứ sáu, 19/07/2019 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến nay, nắng nóng ở khu vực Trung Bộ đã kéo dài gần nửa tháng. Dự báo, các đợt nắng nóng vẫn tiếp tục xuất hiện khiến nhiều tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng.

Nếu năm 2018 số ngày nắng nóng là 21 thì đến năm 2019, con số này đã lên tới 36 ngày nắng nóng đằng đẵng. Cái nắng nung đốt, vắt kiệt cỏ cây, khiến chúng khô héo.

Nước bốc hơi cũng rất nhanh, cứ mỗi mét vuông đất ruộng lại mất đi 5 - 7 mm mỗi ngày. Nếu nhân con số này với hàng chục nghìn ha thì ước tính lượng nước bốc hơi vào khí quyển phải lên tới hơn nửa triệu m3 một ngày. Mất nước, đất khô cằn không còn sự sống.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều nhiều địa phương tại miền Trung lâm vào cảnh đồng ruộng khô héo, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tại Phú Yên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, tỉnh có trên 4.000 ha lúa hè thu đang khô hạn, tập trung nhiều ở huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An. Trên cánh đồng Bồ Lời, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, những thửa ruộng đang nứt nẻ chằng chịt, lúa cháy khô, đến chuột cũng chả thèm đào hang.

Đồng ruộng khô héo vì thiếu nước trầm trọng. Ảnh: VOV.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thương, công tác trong chương trình "Cùng nông dân ra đồng" của Tập đoàn Lộc Trời, thở dài: "Chưa bao giờ hạn đến như vậy. Nắng gì mà nắng suốt 7 tháng. Năm nay đói là cái chắc".

Hiện nay, mực nước trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng ở mức rất thấp nên khó có thể điều tiết nước. Trước mắt, công ty phối hợp các địa phương, đơn vị quản lý hồ thuỷ điện để chống hạn, trong đó phương án chính là bơm nước sông tại các vị trí còn nước vào các kênh.

Trao đổi với báo Người lao động, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết hiện mực nước ở các sông suối và các hồ chứa thủy lợi đang ở mức rất thấp. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra đến cuối tháng 8-2019 nên diện tích lúa hè thu mất trắng sẽ không dừng lại. "Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Phú Yên 9,8 tỉ đồng chống hạn" - ông Tùng nói.

Dự báo, từ nay đến cuối tháng 8, hạn hán tiếp tục gay gắt, tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ địa phương 9,8 tỷ đồng phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn.

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến lượng nước tại hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định ở dưới mực nước chết.

Khoảng 3.400 ha lúa trên địa bàn tỉnh đang thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, khô hạn cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Đây là đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua tại tỉnh Bình Định.

Tại Bình Định hơn 3.400 ha lúa Hè Thu bị hạn, trong đó khoảng gần 200 ha lúa bị chết.

Ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết: Hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện đã cạn trơ đáy. Huyện phải trích ngân sách gần 3 tỷ đồng để triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn. Các địa phương đang triển khai chống hạn rất quyết liệt, sử dụng trạm bơm điện, trạm bơm dầu và lắp đặt trạm bơm dã chiến nhằm tận dụng nguồn nước tại các ao, sông suối nhỏ bơm nước bổ sung chống hạn. 66 trạm bơm trên địa bàn huyện đang chạy hết công suất 24/24 giờ, mở rộng diện tích tưới cho một số vùng hạn nặng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hơn 3.400 ha lúa Hè Thu bị hạn, trong đó khoảng gần 200 ha lúa bị chết. Các địa phương có diện tích lúa thiếu nước như: Thành phố Quy Nhơn 697 ha; huyện Phù Mỹ 499 ha; Hoài Nhơn 344 ha; Hoài Ân 340 ha; Tây Sơn 237 ha; Tuy Phước 163 ha... Nông dân Bình Định đang chạy đua với thời gian, lắp các trạm bơm dã chiến, ngày đêm bơm nước để cứu 6.000 ha lúa.

Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua cũng khiến hàng nghìn hộ dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối được tận dụng để sử dụng.

Tuy nhiên, do nhiều tháng liền không có mưa, nguồn nước này đang cạn kiệt dần. Hơn 2.100 hộ dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đang gặp khó khăn vì thiếu nước hoạt nghiêm trọng. Hằng ngày, người dân phải đi các địa phương lân cận mua từng can nước sạch về dùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Lê Văn Toản, xã có 2.185 hộ dân ở 14 thôn thiếu nước từ nhiều tháng qua, nghiêm trọng nhất là các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3. Xã đang thống kê cụ thể số hộ bị thiếu nước, báo cáo và đề xuất UBND huyện hỗ trợ nước sạch cho nhân dân.

Tại Quảng Nam, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng từ vài tháng qua, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn ha lúa của người dân.

Khu vực thị trấn Nam Phước và xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông ảnh hưởng đến hơn 1.200 ha lúa. Ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân chuyển đổi toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng hạn hán sang trồng các giống ngắn ngày; Đồng thời lắp cống ngăn mặn, trạm dã chiến, nạo vét kênh dẫn nước để đẩy mặn. Mấy ngày qua, độ mặn đo được tại khu vực cầu Câu Lâu, trên sông Thu Bồn hơn 20 phần nghìn.

Do nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là đối với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có mực nước hồ đã thấp hơn mực nước chết, không còn khả năng điều tiết nước đảm bảo cho vùng hạ du nên mặn xâm nhập sâu vào vùng hạ du sông Thu Bồn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cấp cho các trạm bơm Vĩnh Điện, Xuyên Đông, 2/9, 19/5 và Diều Gà, tổng diện tích khoảng 2.500 ha.

Trao đổi với vov, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã trích nguồn kinh phí dự phòng hơn 4 tỷ đồng để nạo vét lòng sông La Thọ và sông Bình Long khơi thông dòng chảy.

Ông Lê Ngọc Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 2.500 ha lúa đang áp dụng các biện pháp chống hạn. Đối với những diện tích phụ thuộc nước trời thì hầu như “vô phương cứu chữa”.

Nắng nóng, hạn hán cũng đang khiến nhiều người dân Quảng Trị lao đao, hiện, mực nước tại các hồ chứa lớn tại Quảng Trị đang ở mức cạn đáy, khoảng 2.800 ha lúa rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện nay nguồn nước ở các hồ chứa đang giảm mạnh. Tính đến ngày 16/7, lượng nước các hồ chứa còn lại khoảng 27,7% so với dung tích thiết kế, đặc biệt một số hồ chứa lớn có dung tích rất thấp như: Ái Tử đạt 24,7%; Đá Mài đạt 24,4%; Tân Kim đạt 14,4%; Trúc Kinh đạt 21,8%; La Ngà đạt 19,1%; Kinh Môn đạt 26,8%...; riêng trên sông Cánh Hòm mực nước cạn kiệt nhanh ở cao trình từ +0,08÷0,1m.

Bên cạnh đó, hiện tượng mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng như: sông Bến Hải mặn đã xâm nhập vượt quá cầu Tiên An; sông Hiếu mặn xâm nhập đến cầu Đuồi. Trên sông Sa Lung xâm nhập mặn đã tác động đến chân đập ngăn mặn Sa Lung. Trên sông Thạch Hãn mặn đã xâm nhập đến khu vực tràn xã lũ Nam Thạch Hãn. Độ mặn đo được tại các vị trí này giao động từ 3,5 - 19,7‰.

Khoảng 2.800 ha lúa rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà cho biết, hiện nay, mực nước trên các sông, hồ chứa đang ở mức dưới 20%, nhiều nơi có mực nước thấp hơn trình thiết kế để bơm. Chính vì vậy, nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp đang rơi vào tình trạng cạn kiệt.

Để đảm bảo nước tưới cho 4.706 ha lúa trên địa bàn, đơn vị đang tiến hành triển khai nạo vét kênh mương, sông ngòi cũng như lắp đặt bơm dã chiến hỗ trợ tại các vùng hạn nặng ở Cam Lộ và Gio Linh. Bên cạnh đó, tiến hành xả nước từ trên các hồ về sông để bơm chống hạn. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới trời vẫn tiếp tục không có mưa thì nguy cơ thì hàng trăm hécta lúa trên địa bàn sẽ mất trắng do không có nước tưới…

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể, tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn diễn ra nghiêm trọng với tổng diện tích bị khô hạn trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 2.800 ha; trong đó, huyện Vĩnh Linh khoảng 600 ha, huyện Gio Linh khoảng 1.400 ha, huyện Cam Lộ khoảng 500 ha, thành phố Đông Hà khoảng 200 ha, huyện Triệu Phong khoảng 100 ha…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ruộng khô, dân khát vì hạn hán khốc liệt ở miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.