Thứ năm, 28/03/2024 18:54 (GMT+7)

Phú Quốc, Đà Lạt ngập nặng: Hậu quả từ quy hoạch

MTĐT -  Thứ ba, 13/08/2019 12:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đà Lạt và đảo ngọc Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường về du lịch, nghỉ dưỡng vừa trải qua đợt ngập lịch sử chưa từng có.

Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, ai có thể ngờ đô thị du lịch nổi tiếng Đà Lạt lại có thể hứng chịu trận lụt thiệt hại nặng nề như vậy. Dù không phải lần đầu, nhưng những cảnh báo về ngập lụt với đô thị vùng cao này hơn 5 năm qua, thêm một lần nữa hiện rõ.

Đảo ngọc Phú Quốc thiên đường về du lịch, nghỉ dưỡng ở Kiên Giang - nơi cũng ít khi có lũ thì cũng vừa trải qua trận lụt chưa từng có.

Theo thống kê mới nhất, đợt mưa lũ vừa qua ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã khiến 10 người chết, thiệt hại tài sản hơn 1.000 tỷ đồng. Đằng sau những con số đó là cuộc sống của hàng ngàn gia đình bị đảo lộn. Tại Đà Lạt và vùng lân cận, nơi vốn lâu nay ít khi xảy ra lũ lụt, nhiều nơi đã tan hoang do nước lũ.

Nhà kính mọc lên như nấm ở Đà Lạt. Ảnh: Internet.

Theo VTV, tại thành phố Đà Lạt, năm 1978 có 30.000 ha rừng thông, nay chỉ còn khoảng 14.000 ha, nghĩa là chỉ trong vòng 40 năm qua, diện tích rừng thông ở Đà Lạt đã giảm đến hơn một nửa, nhường chỗ cho xây dựng nhà ở và đất sản xuất. Trên đất sản xuất đó, hầu như nông dân nào cũng làm nhà kính, bởi không có nhà kính là không thể canh tác. Đó là lý do chung được nhiều người dân đưa ra.

Trong vòng 5 năm qua, số lượng nhà kính ở Đà Lạt đã tăng gấp 5 lần. Cả Đà Lạt có hơn 5.000 canh tác trong nhà kính, phủ hơn một nửa diện tích canh tác 10.000 ha ở đây.

Mùa mưa hiện nay, một điều dễ thấy là toàn bộ diện tích đất canh tác vẫn khô ráo, bởi được nhà kính che phủ. Các nhà khoa học cho rằng, những vùng đất có nhà kính thì hệ số thấm nước bằng 0 và việc thẩm thấu nước bị thay đổi theo hướng tiêu cực.

Phương thức nông nghiệp này đang phát triển tự phát, ồ ạt dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch, cảnh quan và môi trường sinh thái của Đà Lạt. Từ các điểm cao của thành phố nhìn xuống, hầu như chỗ nào cũng xuất hiện những mảng màu trắng đục của nhà kính, xen lẫn các khu dân cư nội ô chật chội, thay thế dần những mảng xanh của đồi thông.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người thường xuyên có những phản biện chuyên môn cho các dự án phát triển Lâm Đồng và là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - trăn trở rằng Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính mọc lên tràn lan, mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi về nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây.

"Tôi cho rằng đối với một vùng khí hậu đặc biệt như Đà Lạt thì đó là sự thay đổi nghiêm trọng, có thể dùng từ khủng khiếp và đến lúc khó vãn hồi. Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và và 'sức khoẻ' hệ sinh thái của Đà Lạt", ông Long nói.

Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020 diện tích canh tác rau khoảng 20.000ha, trong đó 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Điều đó có nghĩa là chỉ 1 năm nữa thôi, nhà kính và nhà lưới sẽ phát triển nhiều hơn nữa theo một quy hoạch chung.

Theo tiến sĩ Long, biến đổi cảnh quan, xuất hiện lũ là những hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính. Chuyên sâu hơn, một tiểu khí hậu tiêu cực đã hình thành tại Đà Lạt. Như hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng nhà kính càng lúc càng lớn.

Ở vùng trung tâm mật độ xây dựng tăng nhanh. Sự thay đổi kiến trúc chung trong lòng thành phố và vùng vành đai đã tạo nên một cơ hội để những ảnh hưởng tiêu cực "tấn công" vùng trung tâm thành phố.

Còn tại Phú Quốc, theo thống kê, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm ngập hơn 63km đường ở huyện Phú Quốc với độ sâu trung bình từ 0,7m, có nơi ngập tới 2m; toàn đảo Phú Quốc có khoảng 8.424 căn nhà bị ngập, 24 căn bị sập và tốc mái, rất nhiều vật dụng, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hỏng… Tổng thiệt hại do ngập gây ra hơn 107 tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Hiền - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang cho biết, đợt mưa vừa qua, huyện đảo Phú Quốc mưa rất lớn, cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay. Bình quân mỗi năm, lượng mưa ở Phú Quốc khoảng 2.800mm. Trong đó, lượng mưa trung bình tháng 8 hàng năm là 458mm. Riêng trong 9 ngày đầu tháng 8, lượng mưa trên đảo đo được 1.152mm.

Trong đó, trận mưa tối ngày 8 - 9/8 lên đến 357,9mm. UBND huyện Phú Quốc cho rằng, ngập lụt nặng nề này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặt khác, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông đã được xây dựng 16 năm trước, chỉ phù hợp với mật độ dân cư 10.000 - 12.000 lúc đó. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, người đông, riêng thị trấn Dương Đông đã trên 50.000 dân, kéo theo tình trạng sông rạch, ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp khiến nước không còn đường thoát nên ngập lụt nghiêm trọng hơn.

Theo ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nguyên nhân khiến đảo ngọc bị lụt nặng là do trong mấy năm nay, Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh… gây áp lực lên hệ thống hạ tầng về thoát nước vốn đã quá cũ kỹ. Ngoài ra, các khu vực này trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa thoát nước nhưng nay đã bị san lấp, tôn nền. Hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác, đất, cát từ các công trình xây dựng.

Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, thế nhưng tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, suối thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng việc thoát nước từ các đồi dốc đổ ra biển, gây ngập lụt tại các khu dân cư sinh sống ven sông, ven suối do thoát nước không kịp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Phú Quốc, Đà Lạt ngập nặng: Hậu quả từ quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.