Thứ sáu, 29/03/2024 20:33 (GMT+7)

Người dân khổ sở với nạn xâm nhập mặn

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

2 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở xã Hoài Mỹ, (H. Hoài Nhơn, Bình Định) gặp khó khăn trong việc canh tác, sản xuất lúa vì nhiều diện tích đất nông nghiệp nơi đây bị xâm nhập mặn.

Lúa chết khô do nhiễm mặn

Gần 1 tháng trở lại đây, bà con nông dân ở thôn Khánh Trạch đứng ngồi không yên vì hàng chục héc-ta lúa hơn 1 tháng tuổi bị khô héo, lụi tàn. Người dân tìm nhiều biện pháp giải cứu nhưng đành bất lực nhìn cây lúa chết dần chết mòn theo ngày tháng. Những cánh đồng lúa non xanh mơn mởn chuyển dần qua màu vàng úa, cháy khô; mặt ruộng nứt nẻ, khô khốc. Ông Nguyễn Văn Dương (trú thôn Khánh Trạch) cho biết: Diện tích lúa tại thôn Khánh Trạch sử dụng nước tưới từ trạm bơm Mỹ Thọ (xã Hoài Mỹ). Khu vực trạm bơm Mỹ Thọ có các mỏ khai thác cát, hoạt động khai thác khiến nước quanh trạm bơm bị xâm nhập mặn. Khi bơm nước tưới cho đồng ruộng làm đất bị nhiễm mặn, lại thêm thời tiết nắng hạn kéo dài nên cây lúa “trụ” không nổi.

Bờ cản ngăn mặn tại khu vực trạm bơm Mỹ Thọ “vỡ trận” do hoạt động khai thác cát.

Không chỉ thôn Khánh Trạch, các thôn Xuân Khánh, An Nghiệp, Mỹ Thọ và Mỹ Khánh cũng xảy ra tình trạng đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến việc canh tác, sản xuất lúa. Tại nhiều cánh đồng, các đám ruộng khô khốc, nứt nẻ, cây lúa ngày một héo khô, chết cháy. Nhiều bà con nông dân thường xuyên túc trực ở đồng ruộng để tìm cách cứu lúa nhưng không có kết quả. Được biết, vào vụ Hè Thu 2018, khoảng 200 ha lúa tại các địa phương này cũng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển. Năng suất lúa chỉ còn khoảng 30% so với bình thường, khiến hàng trăm hộ gia đình thất thu, lỗ vốn, gặp rất nhiều khó khăn.

Vụ sản xuất năm nay, tình trạng xâm nhập mặn lại tái diễn, khiến bà con nông dân vô cùng lo lắng, bức xúc. “Vụ Hè Thu 2018 tôi bị mất trắng hơn 5 sào ruộng do nạn xâm nhập mặn. Năm nay lại chứng kiến ruộng lúa mới sạ hơn 1 tháng tuổi cứ ngày một chết khô cũng do nhiễm mặn. Với tình trạng này, chắc chắn người nông dân lại thất thu, lỗ vốn”, ông Hùng - trú thôn Xuân Khánh buồn rầu.

Cần biện pháp khắc phục hiệu quả

Theo thống kê của UBND xã Hoài Mỹ, hiện tại địa phương có khoảng 145 ha lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng nặng chiếm khoảng 45 ha, tập trung tại các thôn Khánh Trạch, Xuân Khánh, An Nghiệp và Mỹ Khánh. Những nơi này đều sử dụng nguồn nước tưới từ trạm bơm Mỹ Thọ. Nguyên nhân nhiễm mặn do nắng hạn kéo dài, cộng với tình trạng khai thác cát làm cho vùng nước quanh trạm bơm Mỹ Thọ bị mặn xâm nhập.

Bà Hà Thị Liễu, ở thôn Mỹ Thọ, bức xúc: “Cách đây hơn 5 năm, đoạn sông chảy qua địa phận thôn Mỹ Thọ có nhiều bãi bồi. Vào mùa nắng hạn, HTX Nông nghiệp Hoài Mỹ lấy cát dưới lòng sông để đắp bờ ngăn nạn xâm nhập mặn. Thế nhưng hiện nay, các bãi bồi đã bị các DN khai thác, lấy cát xuống tận đáy sông. Lòng sông trở nên sâu hoắm, kéo dài từ bờ bên này qua bờ bên kia, việc đắp bờ ngăn mặn không thể thực hiện như trước đây. Hiện tượng xâm ngập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp như thế này nông dân không biết lấy gì sinh sống”.

Ông Trần Thanh Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoài Mỹ cho biết: Các cấp, ngành ở tỉnh, huyện đã phối hợp với địa phương kiểm tra tình hình xâm nhập mặn, khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng. Trong số 45 ha bị ảnh hưởng nặng thì có khoảng 5 - 7 ha lúa bị héo khô, chết cháy nên đành bỏ. Diện tích còn lại, HTX sẽ điều tiết nước, bơm vào ruộng chống hạn, rửa mặn để cứu lúa. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ: Đối với diện tích lúa bị chết, không thể tiếp tục sản xuất, địa phương sẽ có biện pháp hỗ trợ cho các hộ dân nằm trong diện này. Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo HTX Nông nghiệp Hoài Mỹ cố gắng điều tiết nước, bơm tưới hợp lý để cứu diện tích lúa còn khả năng cứu vãn. “Tình trạng xâm nhập mặn xảy ra 2 năm gần đây có một phần nguyên nhân do hoạt động khai thác cát. Hiện các mỏ các trên địa bàn xã Hoài Mỹ đã hết hạn khai thác, các doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép. Địa phương đang kiến nghị với các ngành chức năng không tiếp tục cấp phép khai thác cát để chống nạn xâm nhập mặn, đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Dũng cho biết thêm.

Tại đợt kiểm tra tình hình xâm nhập mặn trên cây lúa ở xã Hoài Mỹ mới đây, lãnh đạo H. Hoài Nhơn đã yêu cầu địa phương gia cố bờ cản ngăn mặn; rà soát lại các vùng có khả năng thiếu nước tưới để vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, tránh tái diễn tình trạng xâm nhập mặn ở các vụ sau. Ngoài ra, rà soát lại hệ thống kênh mương thủy lợi, chủ động trong việc bơm tưới phục vụ sản xuất, canh tác; đề ra giải pháp chống hạn, chống xâm nhập mặn hiệu quả.

TheoCAĐN

Bạn đang đọc bài viết Người dân khổ sở với nạn xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới