Thứ sáu, 29/03/2024 22:49 (GMT+7)

Nắng nóng ở TP.HCM: Không chỉ gây bỏng, còn có nguy cơ ung thư da

MTĐT -  Thứ hai, 18/02/2019 14:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Đài khí tượng thủy Văn khu vực Nam bộ, trong 2 ngày tới, thời tiết tại TP. HCM và khu vực Nam bộ tiếp tục có cường độ nắng cao. Đi cùng với nắng nóng, bức xạ tia UV cũng tăng cao.

Đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bam Bộ cho biết, khu vực miền Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) có nơi có nắng nóng với mức nhiệt cao nhất ban ngày 35oC, bức xạ UV hôm nay mức 10, sau đó giảm nhẹ, từ ngày 18 đến 20- 2 ở mức 9.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ (quá cao) có thời gian gây bỏng là 10 phút tiếp xúc liên tục; chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao) có thời gian gây bỏng là 25 phút tiếp xúc liên tục.

Với chỉ số UV hiện tại là 10, người dân các tỉnh Nam Bộ cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới mặt trời trong khoảng thời gian từ 11-15h. Nếu bắt buộc phải ra đường và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người dân cần có các biện pháp bảo vệ da.

Trao đổi với Trí thức trẻ, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời.

Các chuyên gia khuyến cao, người dân Nam Bộ nên hạn chế ra ngoài trời từ lúc 11h - 15h. 

Trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn.

Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da.

Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm…

Vì vậy, bác sĩ Vũ cũng đưa ra một số lời khuyên cho người dân là cần biết cách tự bảo vệ bằng nhiều biện pháp như:

- Dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì).

- Mặc áo khoác, đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng.

- Chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn. Tuy nhiên không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Ngoài ra, trao đổi với báo Thanh Niên, Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đưa ra một số lời khuyên là:

Tránh ra ngoài trời giờ nắng gắt

Tia UV nằm trong ánh sáng mặt trời. Khi nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia UV, từ sáng đến chiều tối, khi trời nắng gắt hay có mây, mưa.

Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 14, 15 giờ chiều.

Vì vậy, không nên ra ngoài trời khi nắng gắt, đặc biệt trong khung giờ này trên. Nên tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát.

Che chắn chống nắng cho da, mắt

Khi ra ngoài trời nắng, có thể mặc quần dài, áo dài tay, áo chống nắng.

Cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng dù (ô).

Đeo mắt kính màu sậm, màu đen.

Bịt kín khẩu trang che chắn da mặt. Đặc biệt, đeo khẩu trang phải phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính.

Màu đen, màu sậm giúp chống nắng 90%

Sử dụng màu đen, sậm (quần áo, khẩu trang, kính râm) có tác dụng chống nắng 90%.

Khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%.

“Nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng, chống tia UV”, bác sĩ Minh khuyên cụ thể.

Dùng kem chống nắng

Có thể sử dụng kem chống nắng và viên thuốc chống nắng.

Các loại kem chống nắng có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA.

Vì vậy, cần lựa chọn kem chống nắng có cả hai đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và UVB.

Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng ở TP.HCM: Không chỉ gây bỏng, còn có nguy cơ ung thư da. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới