Thứ bảy, 20/04/2024 11:14 (GMT+7)

Nắng hạn ở khu vực Đông Nam Á ngày càng khắc nghiệt

MTĐT -  Thứ năm, 09/05/2019 18:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nghiên cứu mới công bố của LHQ và ASEAN cho biết, trong năm 2019, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng hơn.

Năm nay, mùa khô ở Đông Nam Á còn được dự báo là sẽ kéo dài hơn thường lệ, hiện tượng El Nino có thể kéo dài trong cả năm nay, có nghĩa cả khu vực sẽ phải chống chịu khí hậu nóng hơn và ít mưa hơn. Nắng nóng và hạn hán đang tác động đến nhiều mặt của đời sống và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế.

Tại Việt Nam, hồi tháng 3 vừa qua, dù chưa bước vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, nhưng nhiều hồ, đập thủy lợi ở các tỉnh Tây Nguyên đã sụt giảm nguồn nước nghiêm trọng so cùng kỳ năm trước thậm chí nhiều hồ đã cạn trơ đáy, người dân không còn nước để tưới tiêu cho cây trồng. Dự báo, tình hình hạn hán sẽ diễn ra hết sức khốc liệt, đe dọa hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng trên địa bàn.

Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa năm 2018 tại khu vực Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 60 đến 70% so trung bình nhiều năm và mùa mưa lại kết thúc sớm. Một số hồ đập trong vùng, lượng nước thấp hơn rất nhiều so các năm, thậm chí hồ Thủy điện Ka Nak (Gia Lai) hiện thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 22 m, tức là dung tích chỉ không đầy 10%, trong khi mùa khô còn dài. Thêm vào đó, dự báo, mùa mưa 2019 cũng đến muộn hơn so với quy luật. Khả năng thiếu nước ở phía đông, đông nam tỉnh Gia Lai và phía đông tỉnh Ðác Lắc sẽ rất nghiêm trọng.

Tại Ninh Thuận, do nhiều ngày không có mưa, nên những ngày này mực nước hồ thủy điện Hàm Thuận xuống thấp. Tính đến 16 giờ ngày 7/5/2019, dung tích của hồ chỉ còn 11,9 triệu m3 nước (dung tích hữu ích 523 triệu m3).

Hiện nay, lượng nước về hồ khoảng 10 m3/s và lượng nước chạy qua máy cấp nước cho hạ du là 20 m3/s. Như vậy, lượng nước còn trong hồ chỉ đủ chạy máy đến ngày 15/5/2019. Mức nước hồ thủy điện Hàm Thuận sẽ về mực nước chết và việc cung cấp nước cho hạ lưu sông La Ngà một số huyện thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hồ thủy điện Hàm Thuận xuống thấp. Ảnh: TTXVN.

Những ngày tháng 4 vừa qua dù chỉ mới bước vào mùa hè, nhưng nhiều khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử. Nhiệt độ nhiều nơi đã phá vỡ mức kỷ lục quốc gia.

Còn Myanmar vừa trải qua những ngày nắng nóng nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhiệt độ tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Yangon, lên tới 42 độ C trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua.

Tại Campuchia, do nắng nóng kéo dài, một biện pháp đang được áp dụng tại tất cả các trường công ở nước này là giảm 1 giờ học mỗi ngày. Biện pháp này sẽ được duy trì đến khi Campuchia bước vào mùa mưa, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 5.

Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất

Báo cáo chung của Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được giới thiệu tại cuộc họp lần thứ 34 của Ủy ban Quản lý thảm họa ASEAN tại TP. Mandalay, Myanmar diễn ra hồi tháng 4 vừa qua cũng cho biết, trong 30 năm qua, hạn hán ảnh hưởng đến 66 triệu người dân ở Đông Nam Á.

Hạn hán đặc biệt gây thiệt hại lớn ở những nước có nhiều người dân làm nông nghiệp bao gồm Lào, nơi 61% người sống bằng nghề nông, Việt Nam (41%), Indonesia (31%), Campuchia (27%) và Philippines (26%).

Báo cáo cũng ghi nhận những vụ hạn hán nghiêm trọng nhất xảy ra khi có hiện tượng El Nino, dẫn đến các mẫu hình thời tiết cực đoan.

Thời tiết nắng hạn trong khu vực sẽ gây tổn thương nặng nề nhất đối với người nghèo, làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Hạn hán cũng làm thoái hóa đất đai, dẫn đến các nguy cơ xung đột bạo lực để giành quyền tiếp cận tài nguyên và đất đai cũng khiến nhiều người dân rời bỏ làng quê để tìm các cơ hội mưu sinh ở các khu vực đô thị ven biển.

Hạn hán ảnh hưởng đến 66 triệu người dân ở Đông Nam Á. Ảnh: Internet.

Để giảm nhẹ mối đe dọa hạn hán lan rộng trong khu vực, ESCAP và ASEAN đề xuất ba giải pháp mà các chính phủ trong khu vực có thể chuẩn bị để ứng phó những năm hạn hán phía trước bao gồm: củng cố công tác thẩm định nguy cơ hạn hán và các dịch vụ cảnh báo sớm; phát triển các thị trường cho vay giảm rủi ro hạn hán và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với hạn hán.

Armida Alisjahbana, Phó Tổng thư ký LHQ kiệm Thư ký điều hành ESCAP, nói: “Sự can thiệp kịp thời có thể giảm các tác động của hạn hán, bảo vệ các cộng đồng nghèo nhất và giúp nuôi dưỡng các xã hội hài hòa hơn”.

Tuy nhiên, Danny Marks, Phó Giáo sư ngành nghiên cứu môi trường ở Đại học City ở Hồng Kông, nhận định các hệ thống cảnh báo sớm hạn hán ở Đông Nam Á vẫn còn yếu do hạn chế về công nghệ, nguồn lực tài chính cũng như sự phối hợp thông tin giữa cấp trung ương và địa phương còn chậm chạp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nắng hạn ở khu vực Đông Nam Á ngày càng khắc nghiệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ