Thứ năm, 28/03/2024 19:14 (GMT+7)

Năm 2018 là năm nóng thứ tư liên tiếp trong lịch sử

MTĐT -  Thứ sáu, 30/11/2018 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều là trong 22 năm qua và "năm 2018 đang trên đường trở thành năm nóng thứ 4 trong lịch sử."

Theo TTXVN đưa tin, trong báo cáo công bố trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) sắp tới ở Ba Lan, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều là trong 22 năm qua và "năm 2018 đang trên đường trở thành năm nóng thứ 4 trong lịch sử."

Điều này đồng nghĩa 4 năm gần đây gồm 2015, 2016, 2017 và 2018 cũng là 4 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng đầu năm nay cao hơn gần 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Phát biểu với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết xu hướng nóng lên là hiển nhiên và đang tiếp diễn, đồng thời nhấn mạnh thế hệ hiện nay là thế hệ đầu tiên hiểu rõ về tình trạng biến đổi khí hậu và là thế hệ cuối cùng có thể làm gì đó để thay đổi.

Với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - "thủ phạm" chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu - đang ở mức cao kỷ lục, thế giới sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ông Taalas cảnh báo nếu thế giới khai thác tất cả nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện có, mức tăng nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ còn cao hơn.

Hạn hán khắc nghiệt ở TP. Cape Town. Ảnh: Guardian.

Nhiệt độ tăng thêm 3oC vào năm 2100

Theo các chuyên gia, sự nóng lên toàn cầu đang đi đúng lộ trình để tăng thêm 3 độ C vào năm 2100 và thúc giục các chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu để kiềm chế hiện tượng này.

"Việc chỉ tăng thêm 1 độ C có thể tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe con người và với thực phẩm và nước ngọt, gây ra sự tuyệt chủng đối với động và thực vật, sự tồn tại của các rạn san hô và sinh vật biển", phó giám đốc WMO - bà Elena Manaenkova, nhấn mạnh trong một tuyên bố .

"Nó tạo ra sự khác biệt về năng suất kinh tế, an ninh lương thực và khả năng phục hồi của các cơ sở hạ tầng và thành phố của chúng ta.

Nó tạo ra sự khác biệt về tốc độ của sự tan băng và nguồn cung cấp nước, cũng như tương lai của các vùng đất thấp và ven biển", bà Manaenkova khẳng định.

Mối đe dọa lớn nhất thế kỷ XXI

Nhiệt độ tăng, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày đặc và diễn biến phức tạp đã khiến biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21 khi có thêm hàng trăm triệu cư dân trên Trái Đất trở thành nạn nhân trong vòng 20 năm trở lại đây.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong báo cáo đăng tải tên tạp chí y khoa The Lancet số ra ngày 28/11.

Cũng theo TTXVN, theo báo cáo đăng tải trên tạp chí ý khoa này, các chuyên gia cảnh báo việc khí hậu đang biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống con người, khiến những nhóm người dễ bị tổn thương dễ trở thành nạn nhân, đồng thời thay đổi cấu trúc gene của các virus bệnh truyền nhiễm và tác động đến vấn đề an ninh lương thực, nước sạch và không khí trong lành.

Các chuyên gia sức khỏe và nhà khoa học cho rằng những tác động của biến đổi khí hậu, từ nắng nóng đến bão, lũ lụt và hỏa hoạn, đang nổi lên và đe dọa hệ thống y tế toàn cầu.

Bão và lũ lụt không chỉ gây thương vong mà còn khiến bệnh viện ngừng hoạt động, bệnh dịch bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của những người dân bị mất nhà cửa. Tương tự, cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng.

Ví dụ điển hình cho tình trạng này là vụ cháy rừng Camp Fire mới đây tại bang California, Mỹ, khi có tới 80 người thiệt mạng và khói bụi gây ô nhiễm lan rộng sang phía Đông nước này.

Cháy rừng ở bang California, Mỹ. 

Báo cáo dẫn chứng số người phải hứng chịu các đợt nắng nóng xảy ra trong năm ngoái đã tăng thêm 157 triệu người so với thời điểm năm 2000.

Thời tiết nóng hơn còn ảnh hưởng đến năng suất lao động của những người phải làm việc ngoài trời như trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dẫn đến thất thoát 153 tỷ giờ công lao động trong năm 2017, tăng 60% so với 17 năm trước đó. Ấn Độ là ví dụ điển hình cho tình trạng này khi số giờ lao động trong năm 2017 tại nước này đã giảm 7% do nắng nóng.

Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu liên tục bị phá vỡ

Biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất qua sự gia tăng nhiệt độ trung bình qua từng năm. Trong năm 2018, khu vực Đông Bắc Á và Châu Âu đã phải trải qua những ngày hè như thiêu như đốt. Ở một số quốc gia đã quen với khí hậu ôn hòa, quanh năm không quá 25 độ C như ở Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,…nay đang phải chịu cảnh nắng nóng như các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam.

Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của Đại học Bristol, Vương quốc Anh, người dân Châu Âu nhiều khả năng sẽ phải làm quen với khí hậu nhiệt đới giống như cách đây hơn 50 triệu năm nếu lượng CO2 không giảm đi.

Điều đáng nói là các sóng nhiệt ở những khu vực trên chưa có dấu hiệu suy giảm và người dân tại nhiều nước sẽ tiếp tục phải sống chung với mức nhiệt độ cao có thể lên tới trên 40 độ C. Nắng nóng không chỉ khiến nhiều người, đặc biệt là người già, sức đề kháng yếu chết mà còn gián tiếp gây cháy rừng, thiệt hại tới nông nghiệp.

Theo NOAA, đặc trưng khí hậu trong nửa đầu năm 2018 là nhiệt độ cao cả ở trên bề mặt đất liền lẫn đại dương. Nhiệt độ cao kỷ lục đã ghi nhận tại một số vùng biển như Địa Trung Hải, xung quanh New Zealand, một phần Bắc Mỹ, Châu Á, Úc,…

Nắng nóng kỷ lục xảy ra tại các nước Bắc Á.

Có tới 5 trong 6 lục địa ghi nhận nhiệt độ trong giai đoạn tháng 1 tới tháng 6 ấm nhất trong lịch sử. Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương có mức nhiệt độ trong 6 tháng đầu năm xếp hạng cao nhất.

Caroline Rance, một nhà vận động khí hậu thuộc tổ chức Friends of the Earth Scotland khẳng định: "Không còn nghi ngờ gì về thiên tai lũ lụt và nhiệt độ cực đoan kéo dài nữa. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra trên khắp thế giới ngay lúc này. Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu đang liên tục bị phá vỡ và đúng như cảnh báo của giới khoa học, đây là hậu quả mà con người phải gánh chịu".

Các đoàn đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ đến Ba Lan vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 24, nhằm đổi mới và xây dựng thỏa thuận Paris và hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã nỗ lực thổi một luồng sinh khí mới cho thỏa thuận với sự tham gia của 195 quốc gia, trong bối cảnh một số nước mà tiêu biểu là Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận.

Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực vào năm 2020 và kêu gọi hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu thấp hơn 1,5C so với mức tiền công nghiệp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2018 là năm nóng thứ tư liên tiếp trong lịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.