Thứ sáu, 29/03/2024 15:42 (GMT+7)

Mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục, có ảnh hưởng đến ĐBSCL?

MTĐT -  Thứ ba, 23/07/2019 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục không chỉ ảnh hưởng đến Thái Lan hay Lào, mà theo các chuyên gia, điều này còn ảnh hưởng đến vùng ĐBSCL của nước ta.

Mực nước sông Mekong đoạn qua vùng Đông Bắc Thái Lan đang xuống thấp nhất trong vòng 100 năm qua đã gây lo ngại về hệ sinh thái và sinh kế của hàng triệu người trên dòng sông này.

Báo cáo thuỷ văn của Trạm khí tượng tại tỉnh Nakhon Phanom cho biết, lượng mưa trung bình trong năm 2019 là khoảng 90 mm, thấp hơn rất nhiều so với khoảng 300 mm được ghi nhận năm 2018.

Mưa ít, công với việc khu vực thượng nguồn Mekong vừa trải qua một mùa khô hạn kéo dài được xem là 2 trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mực sông Mê Kông bị xuống thấp.

Cá chết nổi trắng trên dòng Mekong khiến nhiều người lo ngại về hệ sinh thái và sinh kế của hàng triệu người trên dòng sông này.

Sạt lở gia tăng

Mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục không chỉ ảnh hưởng đến Thái Lan hay Lào, mà theo các chuyên gia, điều này còn ảnh hưởng đến vùng ĐBSCL của nước ta. Dự báo ĐBSCL sẽ không có lũ đẹp và mặn xâm nhập gay gắt vào đầu năm 2020.

Trao đổi với Zing, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết năm nay có hiện tượng thời tiết El Niño, khiến lượng mưa và kéo theo đó là lượng nước trên sông Mekong giảm.

“Lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để đẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt”.

Ngoài lượng mưa giảm, việc các đập thủy điện từ thượng nguồn thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp, theo thông cáo ngày 18/7 của Ủy hội sông Mekong, cơ quan liên chính phủ quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong.

“Phù sa và lượng cá về vùng đồng bằng sẽ ít đi, thay vào đó tích tụ ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ít phù sa dẫn đến sạt lở gia tăng và đất kém phì nhiêu”, ông Tuấn nói.

Mực nước của sông Mekong ở huyện Muang của tỉnh Nakhon Phanom. Ảnh: bangkokpost.com

Xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong đất liền

Còn theo Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái Mekong, một năm trung bình sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về.

“Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán”, ông Thiện nói.

“Hiện nay theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ ra ngày 15/7 thì hiện nay đang có tình trạng El Nino yếu và sẽ chuyển trang trạng thái ENSO trung tính trong 1 đến 2 tháng tới ở Bắc bán cầu. Như vậy, có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mekong trong vòng 1-2 tháng tới sẽ thấp. Chúng tôi quan sát thấy mực nước sông Mekong tại Viên Chăn, Lào đang rất thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước. Mực nước này có nghĩa là tình hình mùa lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ rất thấp và về rất muộn, kéo theo sang mùa khô đầu năm 2020, sau Tết Nguyên đán, xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL sẽ vào sâu trong đất liền”, Ths Nguyễn Hữu Thiện nói.

Hiện phần lớn diện tích ĐBSCL từ vùng lúa 3 vụ ở các tỉnh thượng nguồn cho đến vườn cây ăn trái ở miệt vườn vùng giữa đồng bằng và thậm chí ra tới ven biển đều có đê bao khép kín không cho lũ vào. Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn mà chảy tuột ra biển. Đến mùa khô, khi sông Mekong hạ thấp, đồng bằng cũng chẳng còn nước. Khi lũ về trùng với thời điểm triều cường, các thành phố và lộ giao thông ở vùng giữa đồng bằng từ khoảng Quốc lộ 1 ra biển, bị ngập nặng vì những nơi này không có đê bao. Đến mùa khô, toàn đồng bằng thiếu nước do nước đã bị tống ra biển hết vào mùa nước.

Khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ở vùng thượng nguồn ĐBSCL hiện nay, nguồn nước vẫn bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp nhưng cần chủ động điều tiết nước và bơm tát bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ hè thu. Vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường với khu vực giáp ranh vùng ven biển Tây; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Riêng vùng ven biển, trong tháng 7, xâm nhập mặn trên các cửa sông ở khu vực từ 15 km trở vào, nguồn nước có khả năng thuận lợi, mặn xâm nhập giảm so với tháng 6 nhưng cần thận trọng vào những thời kỳ triều cường mặn bất thường có thể xảy ra, đặc biệt đối với các khu vực ven biển Tây.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục, có ảnh hưởng đến ĐBSCL?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.