Thứ năm, 25/04/2024 23:00 (GMT+7)

Kỳ 3: Các hoạt động thích ứng về sinh kế trước tác động của BĐKH

Nguyệt Minh -  Thứ tư, 06/12/2017 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình diễn ra liên tục và từ lâu ở các cộng đồng ven biển Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro từ khí hậu.

Cả phụ nữ và nam giới đang thường xuyên điều chỉnh các hoạt động sinh kế của mình theo sự thay đổi của khí hậu phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của họ, đặc biệt là khả năng tiếp cận các nguồn lực sinh kế.

Các hoạt động thích ứng trong nông nghiệp

Người dân ven biển đang điều chỉnh các hoạt động trồng trọt để ứng phó với tình trạng ngập lụt làm mất đất canh tác, tình trạng xâm nhập mặn, và các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Thứ nhất, ngập lụt do nước biển ngày càng có xu hướng dâng cao đang làm giảm dần diện tích đất canh tác ở các vùng ven biển. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế, dân số ngày càng gia tăng nên diện tích đất tính trên một hộ gia đình bị giảm dần. Điều này đã và đang thúc đẩy những hộ gia đình thực hiện các biện pháp sau: (1) Đầu tư những giống mới có năng suất cao để tăng năng suất trên những vùng đất hạn chế đó. (2) Thâm canh trên diện tích đất hiện có bằng cách đầu tư thêm lao động, phân bón, máy móc, thuốc trừ sâu trên một đơn vị diện tích canh tác để tăng sản lượng.

Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng làm cho một số cánh đồng không thể cày cấy được. Một số biện pháp đã được các hộ gia đình thực hiện là: (1) Làm giảm độ mặn bằng cách rửa mặn cho đất (đổ nước ngọt vào ruộng để rửa mặn). (2) Những vùng đất nhiễm mặn được chuyển sang nuôi trồng thủy sản (ví dụ nuôi tôm). (3) Trồng những giống cây chịu được mặn (ví dụ như giống lúa ngắn ngày hoặc hoa màu). (4) Tăng cường nạo vét kênh mương để tháo nước mặn ra khỏi ruộng đồng.

Thứ ba, nắng nóng, khô hạn, thiếu nước, mưa bão,... ngày càng diễn ra thường xuyên và khó dự đoán hơn. Trước tình hình này, các hộ gia đình đã thực hiện một số biện pháp sau: (1) Lên lịch thời vụ: tính toán cẩn thận thời gian gieo trồng và thu hoạch (ví dụ thu hoạch trước mùa lũ, mưa bão). (2) Xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết theo hướng đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh sang xen canh và luân canh. (3) Thực hiện các kỹ thuật canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu, ví dụ như sử dụng các giống lúa ngắn ngày để giảm thiểu các tác động của hạn hán, lũ lụt hoặc gió lốc. (4) Sử dụng các giống chịu được các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt (ví dụ như giống lúa chịu hạn hoặc các cây màu không cần nhiều nước như lạc và khoai lang). (5) Tăng cường hệ thống tưới tiêu cho nông nghiệp để thích ứng với hạn hán thông qua cải thiện hệ thống tưới tiêu và sử dụng nước tưới hiệu quả.

Các hoạt động thích ứng trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

Về cơ bản, hoạt động đánh bắt phụ thuộc rất lớn vào sự phong phú của tài nguyên thủy sản và hoạt động nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào nguồn nước. Biến đổi khí hậu, bao gồm những ảnh hưởng chính như nước biển dâng, xâm nhập mặn, các hiện tượng thời tiết cực đoan, đều làm cho trữ lượng nguồn lợi thủy sản và nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản thay đổi, từ đó người dân cũng có những điều chỉnh nhất định về các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng khi các điều kiện tự nhiên thay đổi.

Thứ nhất, đối với hoạt động đánh bắt: (1) Hoạt động đánh bắt phụ thuộc rất lớn vào điều kiện của thời tiết và khí hậu. Chính vì vậy, người dân thường lên lịch thời vụ cho các hoạt động đánh bắt trong năm và tránh đánh bắt trong mùa mưa bão.

(2) Tài nguyên thủy sản suy giảm làm cho sản lượng đánh bắt suy giảm theo là một vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Hoạt động đánh bắt suy giảm tạo ra áp lực cho các hộ ngư dân về lâu dài khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào việc học hành để thế hệ tiếp theo có cơ hội tìm kiếm các sinh kế khác thay thế sinh kế truyền thống.

Thứ hai, đối với hoạt động nuôi trồng: (1) Nước biển dâng làm gia tăng độ mặn trong nước, làm cho môi trường sống của các loài thủy sản bị mặn hóa, dẫn đến một số loài thủy sản bị chết. Một số hộ gia đình đã pha loãng nồng độ muối trong nước nuôi trồng từ hệ thống tưới tiêu của địa phương để giảm nồng độ muối. (2) Triều cường làm cho mực nước trong các đầm nuôi trồng thủy sản thường thấp hơn mực nước ngoài biển nên không thể xả nước trong đầm ra được. Chính vì vậy, các hộ nuôi trồng phải đắp đê cao hơn, xây thành cống thoát nước cao hơn cũng như xây thêm cả cống thoát nước.

(3) Các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng kéo dài, rét hại, lũ lụt,...) làm cho năng suất nuôi trồng giảm sút. Các hộ gia đình thích ứng bằng cách thay đổi giống loài thủy sản được nuôi, thay đổi các kỹ thuật nuôi trồng cũng như đa dạng hóa các giống loài thủy sản.

(4) Dừng hẳn việc nuôi trồng hoặc giảm qui mô nuôi trồng để tránh tổn thất cũng là những cách thức ứng phó của các hộ nuôi trồng thủy sản trước những biến động bất thường của thời tiết, đặc biệt là những hình thức nuôi trồng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật cao như nuôi tôm và nuôi ngao.

Di cư như một biện pháp thích ứng

Di cư được coi là một biện pháp thích ứng dễ dàng, đơn giản và hiệu quả nhất trước những khó khăn về kinh tế tại địa phương nói chung và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói riêng. Lợi ích chính của việc di cư là giảm được gánh nặng về chi phí cuộc sống tại địa phương, và mang lại thu nhập đóng góp cho gia đình.

Các nghiên cứu về di cư gần đây cho thấy, trong giai đoạn 2004-2009, nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ xuất cư dẫn đầu cả nước là những tỉnh nông nghiệp như: Bến Tre (78,3%), Hà Tĩnh (76%), Thái Bình (64,8%), Nam Định (64,5%),... Đây cũng là những tỉnh đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Một điều dễ nhận thấy là Bến Tre được đánh giá là tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam thì cũng là tỉnh có tỷ lệ xuất cư cao nhất cả nước trong 5 năm gần đây.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Các hoạt động thích ứng về sinh kế trước tác động của BĐKH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.