Thứ năm, 25/04/2024 16:19 (GMT+7)

Hạn mặn khốc liệt bủa vây ĐBSCL

MTĐT -  Thứ tư, 11/03/2020 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đang phải gồng mình hứng chịu đợt hạn, mặn nghiêm trọng. Đến nay, đã có 5 tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp.

5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn

Hiện đã có 5 tỉnh, gồm Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. So với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016, thì mùa hạn mặn năm nay đã vượt xa.

Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay.

Hạn, mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt.

Hạn, mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL.

Theo báo Đại đoàn kết, hạn mặn tại ĐBSCL cho đến giờ ước thiệt hại khoảng 29.700 hecta, chiếm 7% diện tích vụ Đông Xuân. Tại Tiền Giang, theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh này, nước mặn từ cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ đã lấn sâu vào nội đồng và từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) lấn sang địa bàn tỉnh Tiền Giang. Hiện trên sông Tiền, độ mặn 2,9 phần ngàn đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp, cách biển 81km. Độ mặn 3,1 phần ngàn cũng tiến sâu vào sông Hàm Luông, cách cửa biển 75km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6 phần ngàn đã vào đến thành phố Tân An, cách cửa biển 75km.

Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới.

Mua nước ngọt tưới sầu riêng

Ảnh hưởng nặng nề phải kể đến vùng chuyên canh đặc sản sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Khoảng gần 1 tháng qua, các nhà vườn ở huyện này đã phải mua từng sà lan nước ngọt về để tưới sầu riêng. Theo bà con ở đây cho biết thì trung bình 1 tuần họ phải mua một sà lan nước ngọt từ thượng nguồn về với giá 7 triệu đồng (khoảng 150m3) để tưới cho sầu riêng.

Với khoản chi phí quá lớn như vậy người dân cũng chỉ dám tưới cầm cự chờ độ mặn giảm rồi tính tiếp chứ không thì lỗ vốn vì tiền thu hoạch không đủ tiền nước tưới. Trong khi đó, người dân phía giáp biển hơn như Gò Công Đông, Tân Phú Đông... lâu nay vẫn phải sử dụng nước kênh mương để sinh hoạt, nhưng nguồn nước này hiện đã cạn kiệt và bắt đầu nhiễm mặn.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy nước ở Bến Tre đã bị nhiễm mặn, nước máy người dân sử dụng đều chỉ có thể tắm giặt chứ không dùng nấu nướng được. Việc sản xuất hoa màu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Vụ lúa đông xuân năm nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo không nên xuống giống nhưng xót ruột vì đồng ruộng bỏ không, nhiều nông dân vẫn tự ý gieo sạ hơn 5.200 ha, chủ yếu tại hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm.

Hiện mặn cũng xâm nhập hầu hết các địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh nông thôn Sóc Trăng thì ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019 - 2020 dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều nơi nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, không có nước máy nên người dân mua nước ngọt với giá 200.000 đồng/m3.

Tại Bến Tre, người dân vùng sâu, vùng xa các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách hằng tháng phải bỏ ra hơn 500.000 đồng mua nước phục vụ nhu cầu ăn uống. “Biết giá nước cao nhưng vẫn phải mua vì nhu cầu ăn uống, vệ sinh hằng ngày.

Hạn mặn khốc liệt, nhiều diện tích lúa nguy cơ chết non. Ảnh: VietnamNet.

Hỗ trợ 70 tỷ đồng cho 5 tỉnh công bố khẩn cấp hạn, mặn

Trong chuyến làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL về hạn mặn ngày 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

Đây là nguồn kinh phí giúp các địa phương khẩn trương khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt. Kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng. Lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Đồng thời hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt cho người dân… Cùng với nhiều nguồn khác, số tiền này sẽ giúp cho người dân vùng hạn, mặn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, bắt đầu từ hôm nay, 11/3, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long bước vào đợt xâm nhập mặn gay gắt, có thể lên cao nhất trong mùa mặn năm nay.

Dự báo từ nay đến cuối tuần, ranh mặn 4gram/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập vào 55 - 58km tính từ cửa biển. Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68-80km.

Còn trên sông Vàm Cỏ ranh mặn 4gram/lít có thể vào sâu đến 110km. Trong đợt mặn cao điểm này, bà con cần kiểm tra nồng độ mặn trước khi tưới cho cây ăn trái để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với các lồng bè, thủy sản, bà con không nên thả giống khi độ mặn tăng cao. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nước mặn lấn vào theo triều cường thì khả năng hôm nay và hai ngày tới xâm nhập mặn sẽ đạt mức cao nhất của đợt, và cũng có thể là cao nhất của năm 2020 ở một số trạm trên địa bàn các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang.

Các địa phương này nằm trọn trong vùng có nồng độ mặn 4g/l trở lên. Trên sông Vàm Cỏ, vùng mặn 4gram/lít sẽ vào sâu tới 110 km; vùng mặn 1gram/lít có thể tới 130 km; trong giai đoạn cao điểm thì bà con nên tưới nước tiết kiệm, trước khi tưới thì nhất thiết phải đo nồng độ mặn.

Theo dự báo, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn sẽ kéo dài đến cuối tháng 4/2020, trong đó đỉnh mặn của năm sẽ là đầu tháng 4, còn trên sông Cửu Long, sau ngày 14/3, độ mặn sẽ giảm dần nhưng rất chậm vì phải phụ thuộc nguồn nước ngọt từ thượng nguồn về, trường hợp xấu nhất, nếu ở thượng nguồn không có mưa, cũng như không có xả nước, thì mặn sẽ duy trì ở mức cao ít nhất là đến cuối tháng 3/2020.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hạn mặn khốc liệt bủa vây ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.