Thứ sáu, 19/04/2024 10:28 (GMT+7)

Cà Mau: Cần 1.400 tỷ để dời dân ven đê biển Tây

MTĐT -  Thứ hai, 12/08/2019 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước những diễn biến khó lường từ thiên tai, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị đến trung ương xin cơ chế xử lý khẩn cấp cùng kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Sạt lở nghiêm trọng

36 căn nhà bị sóng cuốn trôi tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang trong ngày 3/8 vừa qua. Ngoài huyện An Minh, đợt mưa kèm lốc xoáy đã cũng đã gây sập, tốc mái khoảng 200 nhà dân tại các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Phú Quốc và TP Hà Tiên.

Những cơn sóng biển to bất thuờng đã cuốn trôi nơi trú thân của họ. Nhiều người dân tại An Minh, Kiên Giang rơi vào tình cảnh ngày thì lo lắng, còn đêm thì thức trắng, màn trời chiếu đất. Đến nay, không nhiều nguời dân hiểu đuợc nguyên nhân thực sự của tình trạng sóng lớn bất thường gây sạt lở mạnh là từ đâu.

Không chỉ riêng vùng biển Kiên Giang, mà Cà Mau cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau do mưa to gió lớn cùng dông lốc ngày 7/8. UBND tỉnh đã phải ban bố tình huống khẩn cấp cứu đê biển Tây thuộc khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ và người dân Cà Mau đang căng mình cho công tác cứu hộ.

Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng gia cố chân đê biển Tây bị sạt lở. (Ảnh: Báo Nhân dân điện tử)

Theo ND, thống kê mới nhất từ UBND tỉnh Cà Mau, hiện đã có hai người dân bị thương do sét đánh; sóng to, gió lớn ngoài biển làm chìm hai tàu cá; một trụ ăng-ten, 156 căn nhà đã bị sập hoàn toàn và 817 nhà dân đang bị đe dọa, một trường học bị tốc mái vì dông lốc. Sạt lở đất ven sông (chiều dài 235 m) làm thiệt hại sáu căn nhà; triều cường dâng cao bất thường làm ngập 1.845 căn nhà, một trường học, 471 m bờ bao vuông tôm và 2.540 m lộ giao thông, ngập úng 108,75 ha lúa hè thu... Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 32 tỷ đồng.

Nhận định của cơ quan chức năng, con số thiệt hại tiếp tục tăng thêm. Để khắc phục sự cố sạt lở và bảo vệ tính mạng tài sản cho hàng chục nghìn hộ dân sống phía trong đê, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung thống kê, rà soát cụ thể về thiệt hại, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất… Ngành chức năng cần nhanh chóng tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên những gia đình hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai. Chính quyền các địa phương chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân nâng cao ý thức về phòng, chống thiên tai, chủ động bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Di dời dân cần đến 1.400 tỉ đồng

Từ những đợt tấn công bất ngờ vì thiên tai, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị đến trung ương xin cơ chế xử lý khẩn cấp cùng kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Kiến nghị nêu rõ: Hỗ trợ kinh phí để tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước mắt, kiến nghị bộ, ngành trung ương hỗ trợ 73,9 tỉ đồng. Trong đó, 23,3 tỉ đồng để khắc phục ngay 2.100 m đê đang bị sạt lở rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào; 35,4 tỉ đồng để xử lý sớm trong mùa mưa bão năm 2019 đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây; 15,2 tỉ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn Kinh Mới - Đá Bạc, ngọn Tiểu Dừa với chiều dài khoảng 7.000 m.

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT hỗ trợ 1.400 tỉ đồng để di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới giai đoạn 2016-2020, lộ trình đến năm 2025. Trước mắt, hỗ trợ 140 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện khẩn cấp dự án đầu tư hạ tầng tái định cư, di dời dân di cư tự do, dân sinh sống vùng thiên tai tỉnh Cà Mau, số lượng khoảng 646 hộ.

Trao đổi với PL TP.HCM về tình hình thiên tai những năm gần đây, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, nói: “Cà Mau thời gian qua rất quyết liệt chủ động phòng thiên tai bằng hệ thống kè mềm tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai rất phức tạp, vượt ngoài những dự tính ban đầu. Trận nước dâng vừa qua cho thấy cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khôi phục đai rừng phòng hộ ven biển. Việc này địa phương không đủ sức, cần sự ưu tiên nguồn vốn từ trung ương”.

Hiện Sở NN&PTNT tỉnh đã khoanh vùng đê biển đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Trong khi đó lực lượng khác đang tháo dỡ các công trình, di dời nhà cửa, hạ tải trọng trong phạm vi thiết lập; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu UBND hai huyện Trần Văn Thời và U Minh vận động người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở.

Diện tích mất rừng phòng hộ xung yếu ven biển ngày càng tăng

Từ những tháng đầu năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng của các cơn bão, cộng với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường đã gây sạt lở nhanh nhiều đoạn đê biển. Đê biển Tây có khoảng 57.000 m, đê biển Đông có khoảng 48.000 m sạt lở nghiêm trọng. Các đoạn sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến 1.250 hộ dân.

Từ thực tế trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét cho tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế “giao đất đầu tư các dự án sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ven biển” nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện một số dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., kết hợp xây dựng công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi trồng rừng, lấn biển.

Ngoài ra, Cà Mau kiến nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở khu vực ven biển.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau: Cần 1.400 tỷ để dời dân ven đê biển Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?