Thứ bảy, 20/04/2024 11:59 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu nguy cơ xảy ra cháy rừng thường xuyên

MTĐT -  Thứ ba, 14/01/2020 17:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu các nước không gấp rút cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất, các vụ cháy rừng quy mô tương tự như ở Australia có nguy cơ xảy ra thường xuyên.

Các vụ cháy rừng ở Australia là dấu hiệu báo trước về nguy cơ xảy ra thường xuyên các vụ cháy rừng quy mô tương tự, nếu các nước trên thế giới không gấp rút cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất.

Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo trên trong một nghiên cứu công bố ngày 13/1.

Theo nghiên cứu được dựa trên 57 tài liệu khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn tới cái mà các nhà khoa học gọi là hình thái "thời tiết bốc hỏa" xảy ra thường xuyên hơn và với cấp độ khốc liệt hơn. Đây là một giai đoạn có nguy cơ cao xảy ra cháy do sự kết hợp giữa nhiệt độ cao hơn, độ ẩm và lượng mưa thấp kèm theo gió mạnh.

Tác động của nó không chỉ quan sát được ở Australia mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, từ miền Tây nước Mỹ và Canada, đến miền Nam châu Âu, khu vực Scandinavia, Amazon và Siberia.

Theo dữ liệu quan sát, mùa "thời tiết bốc hỏa" đã xảy ra trên khoảng 25% bề mặt Trái Đất.

Người đứng đầu Nghiên cứu về tác động của khí hậu thuộc Trung tâm Met Offfice Hadley của Anh, Richard Betts cho biết cháy rừng đặc biệt dễ xảy ra ở Australia do nhiệt độ trong đất của nước này đã cao hơn so với mức tăng 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

Trong khi đó, tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể lên tới 3-5oC trong thế kỷ này, cao hơn gấp ba lần giới hạn nhiệt độ đã nhất trí trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, nếu các nước không gấp rút giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mặc dù Chính phủ Australia và một bộ phận truyền thông nước này đã cố làm giảm vai trò của biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân dễ xảy ra các vụ cháy rừng hơn, song nghiên cứu trên khẳng định có mối liên quan rõ ràng giữa các vụ cháy rừng ở Australia và biến đổi khí hậu.

Cháy rừng là ví dụ của biến đổi khí hậu

Trang Phys.org dẫn phân tích của ông Chris Field - trưởng khoa môi trường học Đại học Stanford (California, Mỹ), đồng thời là chủ trì báo cáo khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu và những hiện tượng cực đoan - cho rằng: "Tình trạng cháy rừng ở Australia về cơ bản là sự hội tụ khủng khiếp của nhiều yếu tố".

Cũng theo ông Chris Field, đây là một trong những hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu tồi tệ nhất, nếu không muốn nói là tệ nhất ông từng thấy. "Những đám cháy rừng là sự thể hiện mang tính biểu tượng cho những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu" - ông Field nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mike Flannigan - nhà khoa học về cháy tại Đại học Alberta ở Canada - cho rằng các đám cháy rừng của Úc là "ví dụ của biến đổi khí hậu". Trên thực tế, báo cáo tóm lược của Chính phủ Úc năm 2019 về cháy rừng và biến đổi khí hậu cũng thừa nhận: "Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã dẫn tới những tình trạng thời tiết nguy hiểm hơn vì cháy rừng trong nhiều thập kỷ qua với nhiều khu vực của Úc".

Mặc dù không nghi ngờ về việc Trái đất nóng lên là một phần lớn nguyên nhân, song các nhà khoa học, gồm cả những người nghiên cứu về hỏa hoạn và những chuyên gia thời tiết, đều cho rằng biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất.

Theo Cơ quan Khí tượng Úc, mức nhiệt trung bình theo năm của năm 2019 cao hơn 1,5oC so với mức nhiệt trung bình giai đoạn từ 1960-1990. Nhiệt độ ở Úc trong tháng 12 có lúc đã lên tới 49,9oC.

Trên thực tế, ông Andrew Watkins - trưởng bộ phận dự báo dài hạn Cơ quan Khí tượng Úc - thừa nhận thời tiết là một nhân tố đáng kể khiến mùa cháy rừng năm nay cực đoan hơn. Tình trạng đột ngột ấm lên của tầng bình lưu ở Nam cực trong tháng 9 năm ngoái đã làm thay đổi những điều kiện thời tiết thông thường của Úc, khiến từ giữa tháng 10 trở đi xuất hiện những luồng gió mạnh liên tục thổi từ hướng tây, mang không khí nóng từ lục địa ra bờ biển.

Theo Cơ quan giám sát khí quyển của Liên minh châu Âu (EU), cháy rừng tại Úc kéo dài từ tháng 9/2019 đến nay đã thải ra khoảng 370 triệu tấn khí thải dioxide carbon.

Khí carbon thải ra từ các đám cháy rừng đang hoành hành tại Úc (Australia) ngang với lượng khí thải carbon do thảm họa cháy rừng nhiệt đới Amazon gây ra hồi năm ngoái.

Trong khi đó, cháy rừng tại các bang của Brazil thuộc lưu vực Amazon đã thải ra 392 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính kể từ ngày 1/1 đến 15/11/2019.

Thành viên thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, Adam Hodge cho rằng, Úc "đóng góp" 1,3% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu nhưng lượng khí thải trung bình tính trên đầu người đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Trong khi Brazil là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 7 trên thế giới.

Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ giúp ngăn chặn được các thảm họa như các vụ cháy gần đây. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng các quốc gia trên thế giới cho đến nay chưa nỗ lực đủ để chống biến đổi khí hậu.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu nguy cơ xảy ra cháy rừng thường xuyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ