Thứ năm, 25/04/2024 00:46 (GMT+7)

Ba áp thấp nhiệt đới hoành hành trên biển: Nguy cơ mưa lũ lớn

MTĐT -  Thứ hai, 02/09/2019 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi áp thấp nhiệt đới cũ có khả năng mạnh lên thành bão số 5 thì một vùng thấp khác đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Cùng lúc, một vùng áp thấp khác sắp thành bão ngoài khơi Philipphines.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia,  hồi 10 giờ ngày 02/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10 giờ ngày 03/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, rồi di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 04/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và vùng áp thấp sắp thành bão ngoài khơi Philippines - Ảnh: thoitietvietnam.com

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong khi áp thấp nhiệt đới gần bờ mạnh dần lên thành bão thì sáng nay, trên khu vực giữa biển Đông một vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 10 giờ ngày 02/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 10 giờ ngày 03/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 04/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Cũng trong ngày 2/9, một vùng áp thấp khác sắp thành bão ngoài khơi Philipphines, cả ba vùng áp thấp tương tác nhau gây mưa gió dị thường.

Tại sao lại có sự bất thường thời tiết như vậy?

Trao đổi với TTO, bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, hiện có một dải hội tụ nhiệt đới nằm vắt từ đất liền châu Á ra vùng biển Thái Bình Dương. Đây là yếu tố hình thành các loại hình thời tiết như áp thấp nhiệt đới, bão.

Mặt khác, nhiệt độ trên biển lúc này tương đối ấm, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão.

Về hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trong Biển Đông, bà Lan cho biết thực chất vùng áp thấp mới hình thành vào sáng 2-9 chính là phần rìa đuôi của áp thấp nhiệt đới cũ đang hoạt động.

Bà Lan cho biết thêm có nhiều mô hình dự báo về diễn biến của các áp thấp thấp nhiệt đới này nhưng chủ yếu sẽ diễn biến theo hai hướng.

Thứ nhất, áp thấp nhiệt đới cũ sẽ di chuyển đến khu vực biển gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) rồi quay ngược trở ra do bị cơn bão sắp hình thành ngoài khơi Philipphines kéo ra.

Thứ hai, do sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới mới sẽ giúp áp thấp nhiệt đới cũ thoát khỏi sự hút của cơn bão sắp hình thành ngoài khơi Philipphines và đi vào đất liền. Theo mô hình dự báo này, áp thấp nhiệt đới sẽ không mạnh thành bão hoặc chỉ thành bão yếu nhưng sẽ gây một đợt mưa lũ rất lớn cho miền Trung nước ta.

Sau khi áp thấp nhiệt đới cũ vào bờ và suy yếu thành vùng thấp, vùng thấp này sẽ nhập vào áp thấp nhiệt đới mới hình thành sáng 2/9 giúp áp thấp nhiệt đới này mạnh lên thành bão và bị cơn bão sắp hình thành ngoài khơi Philipphines kéo ngược trở ra.

Về tình hình mưa gió, bà Lan nhận định mưa gió sẽ còn kéo dài đến ngày 5, ngày 6/9, sau đó sẽ giảm dần. Do ảnh hưởng của mưa gió trước đó, các địa phương cần đề phòng lũ nguy hiểm.

"Ở nước ta thiệt hại chủ yếu thường xảy ra sau bão do người dân ỷ y, việc này cần phải đề phòng, cảnh giác cao độ", bà Lan cảnh báo.

Khu vực Bắc Bộ mưa gió sẽ duy trì trong thời gian tới do có dải hội tụ nhiệt đới tồn tại.

Cũng theo bà Lan, khu vực Thái Bình Dương đang vào cao điểm mưa bão, việc hình thành nhiều áp thấp nhiệt đới, bão một lúc không phải là lạ. Điểm bất thường ở đây là việc tương tác của các cơn áp thấp đới, bão này sẽ tạo ra hướng di chuyển dị thường.

Nguy cơ mưa lũ lớn

Trước diễn biến của thời tiết trên biển, sáng nay, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) phức tạp.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đánh giá tình hình trên là phức tạp, nguy cơ mưa lũ lớn, nhất là khi chúng ta đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.

Do đó, ông Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị cần triển khai đồng bộ, nghiêm túc Công điện 14/CĐ-TWPCTT ngày 1-9-2019 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung triển khai một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; căn cứ tình hình cụ thể quyết định cấm biển.

2. Tập trung thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất.

3. Tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ba áp thấp nhiệt đới hoành hành trên biển: Nguy cơ mưa lũ lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành