Thứ năm, 18/04/2024 15:59 (GMT+7)

Báo động ô nhiễm nước sinh hoạt chung cư ở Hà Nôi: Sở Y tế vào cuộc

MTĐT -  Thứ ba, 23/01/2018 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thực trạng nhiều người dân sống tại một số chung cư ở Hà Nội liên tục phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2018, sẽ tiến hành tổng kiểm tra.

Theo đó, nhằm đảm bảo chất lượng nước uống, nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân, trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước hộ gia đình, bể chứa trung gian, chất lượng nước tại 100% bể bơi, khu vui chơi dưới nước có hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế hơn 1.000m3/ngày đêm với tần suất tối thiểu 2 lần/năm.

Kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm, tối thiểu 1 lần/năm.

Đặc biệt, Sở Y tế cũng đẩy mạnh thanh tra định kỳ và đột xuất vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước, khu chung cư, chung cư độc lập trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, kiểm tra tình trạng vệ sinh, chất lượng nước tại các bể chứa nước tại các trạm bơm tăng áp, nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, mỗi trạm bơm tăng áp, khu chung cư hoặc chung cư độc lập, tối thiểu kiểm tra 1 lần/năm.

Sở Y tế Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm tra các bể nước sạch trên địa bàn TP.

Được biết, hiện toàn thành phố có 144 cơ sở cấp nước tập trung hoạt động ổn định, cung cấp cho khoảng 67% hộ dân Thủ đô; 33,1% hộ gia đình còn lại sử dụng nguồn nước tự khai thác, tập trung tại khu vực nông thôn.

Ngoài ra, còn có 235 đơn vị có bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dịch vụ.

Thời gian vừa qua, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội liên tục phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt. Vụ lùm lùm gần đây nhất chính là vụ hàng ngàn cư dân tại KĐT Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, Hà Nội) phải dùng nguồn nước bị nhiễm asen trong suốt thời gian dài.

Theo đó, nhiều năm qua, hơn 2. 000 hộ dân KĐT Tân Tây Đô đã phải bỏ tiền mua nước “bẩn” từ nhà máy nước sạch về dùng. Cụ thể, nước sinh hoạt mà người dân đang sử dụng có hàm lượng asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo phản ánh của người dân, nếu không qua thiết bị lọc, nước sạch do nhà máy nước thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam cung cấp không thể dùng trong sinh hoạt. Mặc dù cư dân đã liên tục cầu cứu chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam - đơn vị cung cấp nước, nhưng trong 3 năm qua, chất lượng nước vẫn không được cải thiện.

Trả lời báo chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát – đại diện chủ đầu tư khu đô thị Tân Tây Đô thừa nhận, nước sạch tại KĐT Tây Đô có hàm lượng asen vượt quá quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho biết: “Công ty Hải Phát không phải là đơn vị cung cấp nước, mà chỉ là đơn vị đấu nối với nhà máy để cấp nước cho cư dân. Chúng tôi đã có văn bản gửi sang nhà máy nước sạch, yêu cầu họ có biện pháp để cải thiện chất lượng nước. Thực tế nếu nguồn cấp nước là từ các mạch nước ngầm tại Hà Nội, tỷ lệ vượt tiêu chuẩn về asen là khá nhiều”.

KĐT Tân Tây Đô.

Ngày 9/11, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại khu đô thị Tân Tây Đô. Khi kiểm tra trạm cấp nước, đoàn kiểm tra phát hiện mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ. Một số vật liệu để ngoài trời sắp xếp chưa gọn.

Ngoài ra, kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành phèn dắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Một điều đáng chú ý là dù đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất.

Được biết, nhà máy nước sạch cung cấp cho khoảng 2.000 hộ dân KĐT Tân Tây Đô được đặt ngay cạnh một con kênh đen ngòm, bẩn thỉu và ô nhiễm.

Trước đó, Ban Quản lý toà nhà Tân Tây Đô đã gửi mẫu nước đi gửi thử nghiệm tại cơ quan có thẩm quyền vào thời điểm tháng 9/2017, kết quả cho thấy hàm lượng Asen trong mẫu nước đã xét nghiệm là 0,03 mg/L, cao gấp 3 lần so với quy định cho phép.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nếu mỗi ngày cơ thể hấp thụ một lượng nhỏ asen hay thạch tín, lâu dần có thể xuất hiện nhiều bệnh lý như biến đổi sắc tố da, sừng hóa, ung thư da và ung thư một số cơ quan nội tạng, các bệnh về hô hấp, phổi…Tác hại của asen đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Báo động ô nhiễm nước sinh hoạt chung cư ở Hà Nôi: Sở Y tế vào cuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.