Thứ năm, 25/04/2024 19:40 (GMT+7)

Vietnam Airlines làm gì với khoản lỗ siêu khủng tại Jetstar Pacific

Nhóm PV -  Thứ sáu, 19/06/2020 14:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với khoản lỗ lũy kế hơn 4000 tỷ đồng đã tạo ra, Jetstar Pacific đang trở thành gánh nặng lớn với Vietnam Airlines – cổ đông lớn nhất chiếm 68,85% cổ phần.

Với việc Vietnam Airlines đã thống nhất mua lại của Qantas 30% cổ phần để nắm giữ hơn 98% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ này để tái cơ cấu thì khoản lỗ siêu khủng này sẽ càng đè nặng lên chính hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Vậy “thành tích” lỗ khủng này được Jetstar Pacific tạo ra như thế nào?

“Điệp khúc lỗ của ngôi sao không sáng” Jetstar Pacific

Vừa qua, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific. Hãng này sẽ đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, logo và bộ nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, Tập đoàn Qantas thống nhất bàn giao 30% cổ phần tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines để tái cơ cấu lại hãng hàng không giá rẻ này.

Với việc hợp nhất này thì Vietnam Airlines hiện chiếm hơn 98% cổ phần tại Jetstar Pacific và Saigontourist nắm 1,14% cổ phần.

Trong buổi công bố sắp đổi tên thương hiệu Jetstar Pacific thành Pacific Airlines, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch Jetstar Pacific Trịnh Hồng Quang cũng thẳng thắn thừa nhận: "Hãng bay này thành lập từ rất lâu nhưng mãi không bứt phá lên được".

Sau gần 30 năm ra đời, Jetstar Pacific không những không thể thực hiện được sứ mệnh trở thành ngôi sao trên bầu trời hàng không giá rẻ mà còn gây ra khoản lỗ khủng lên tới hơn 4000 tỷ đồng. Khoản lỗ này đang gián tiếp làm ảnh hưởng tới Ngân sách Nhà nước.

Sau nhiều lần cơ cấu, sát nhập năm 2006, Chính phủ  đã chuyển giao 86,49% cổ phần của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập.

Sau đó 1 năm, Tập đoàn Qantas (Australia) trở thành đối tác của SCIC khi mua lại 18% tại Pacific Airlines. Giai đoạn 2008 đến 2012, Qantas hoàn tất việc mua 30% cổ phần tại Pacific Arilines để trở thành cổ đông chiến lược. Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific.

Giai đoạn 2008 - 2009, Jetstar Pacific báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng.

Đến năm 2016, hãng báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ. Năm 2017 lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

Sau gần 30 năm ra đời, Jetstar Pacific không những không thể thực hiện được sứ mệnh trở thành ngôi sao trên bầu trời hàng không giá rẻ mà còn gây ra khoản lỗ khủng lên tới hơn 4000 tỷ đồng

Tiềm ẩn rủi ro mất vốn

Thông báo kết quả Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN ngày 18/12/2019 tại Tổng Công ty hàng không Việt Nam nêu rõ: “Khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn: Số vốn góp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCT) vào Jetstar Pacific là 2,424 tỷ đồng (chiếm 68,85% vốn điều lệ).

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Jetstar Pacific, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 34 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là 4.252 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 180 tỷ đồng; Các chỉ tiêu tài chính trong tình trạng mất cấn đối nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục”.

Tại Thông báo Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN cũng chỉ ra rằng, các chỉ tiêu tài chính cho thấy khoản đầu tư vào Jetstar Pacific chưa bảo toàn và phát triển vốn, kết quả kinh doanh thua lỗ và mất an toàn tài chính doanh nghiệp, phải trích lập phòng đầu tư tài chính vào Jetstar Pacific lũy kế đến 2018 theo giá trị vốn đầu tư trên báo cáo tài chính là 632,874 triệu đồng.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tăng cường giám sát đặc biệt và kiểm tra đối với đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, không bảo toàn được vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, có giải pháp phù hợp và xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư vào Jetstar Pacific và phương án tái cơ cấu tại K6 ( K6 – Hãng hàng không Campuchia Angkor Air - PV) đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại đã nêu tại Biên bản kiểm toán và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Việc Jeststar Pacific lỗ triền miên, năm sau cao hơn năm trước khiến Vietnam Airlines - cổ đông lớn nhất chịu thiệt hại nặng nề. Điều này khiến Nhà nước cũng gián tiếp gánh chịu những khoản lỗ nghìn tỷ của Jetstar Pacific từ Vietnam Airlines.

Theo hồ sơ mà PV nắm được, ngoài khoản lỗ khổng lồ lên tới hớn 4000 tỷ đã nêu trên, Jeststar Pacific còn đang có những phi vụ làm ăn có thể gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền siêu khủng khác?

Liên quan đến phi vụ này, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo! 

Bạn đang đọc bài viết Vietnam Airlines làm gì với khoản lỗ siêu khủng tại Jetstar Pacific. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.