Thứ ba, 19/03/2024 15:11 (GMT+7)

Những 'khoảng tối' đầu tư thủy điện tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ năm, 21/05/2020 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc nóng vội trong đầu tư phát triển, chạy theo lợi nhuận của các doanh nghiệp đã và đang khiến ngành công nghiệp thủy điện phát sinh nhiều bất cập, đe doạ trực tiếp đến tài nguyên môi trường.

Sai quy hoạch, hoạt động chưa được cấp phép

Tỉnh Hà Giang hiện có 71 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.000 MW. Đây là con số được thống kê sau khi tỉnh này đã loại bỏ hàng chục dự án yếu kém.

Đáng nói là, hàng chục công trình thủy điện ở Hà Giang dù đã hòa lưới điện quốc gia nhiều năm, nhưng vẫn thiếu nhiều giấy tờ pháp lý, cũng như liên tiếp xảy ra vi phạm trong hoạt động điện lực.

Tại báo cáo số 522/BC-UBND về tình hình thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày 3/12/2019, tỉnh này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm diễn ra trên diện rộng như: Không duy trì dòng chảy tối thiểu; không cắm mốc giới; chưa có giấy phép khai thác nước mặt…

Công trình thủy điện Sông Miện 5 tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 (Thuận Hòa, Vị Xuyên) được UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận xây dựng với các thông số kỹ thuật cơ bản (Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22/8/2008): Diện tích lưu vực 1.574 km²; mực nước dâng bình thường 155 m; mực nước hạ lưu tối thiểu 120 m; công suất lắp máy 16,5 MW...

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Hà Giang khi đo đạc thực tế đã phát hiện, mặt nước tại lòng hồ thủy điện có cao độ dao động từ 162 - 163m, lớn hơn cao độ được phép từ 7 - 8m. Như vậy, mặt đập và hệ thống van cung cũng cao hơn 7 - 8m so với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt. Đây là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về vận hành hồ chứa thủy điện, tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguy cơ vỡ đập.

Chủ đầu tư đã xây dựng đập thủy điện sai với Quy hoạch được duyệt và Thiết kế cơ sở được thẩm định theo khoản 1, Điều 4, Luật Xây dựng; vi phạm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, xây dựng công trình sai quy hoạch theo khoản 2, Điều 10, Luật Xây dựng. Đối với công trình phải thực hiện thiết kế hai bước trở lên, các bước tiếp theo chỉ được triển khai thực hiện trên cơ sở bước thiết kế trước đã được duyệt (khoản 3, Điều 54).

Ngoài ra, công trình thủy điện Sông Miện 5 còn vi phạm khoản 1, Điều 7, Quyết định số 30/2006/ BCN ngày 31/8/2006 của Bộ Công nghiệp về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện độc lập (chủ đầu tư tự lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán trên cơ sở Dự án đầu tư đã được duyệt và các quy định của pháp luật)...

Cuối tháng 9/2012, thủy điện Sông Miện 5 được hoàn thành và phát điện, nhưng đến tận ngày 30/3/2016, chủ đầu tư mới được cấp giấy phép xây dựng đối với 5 hạng mục: Đập và nhà máy; trạm phân phối điện; nhà bảo vệ; nhà điều hành; nhà ở công nhân. Nói cách khác, dự án thuỷ điện Sông Miện 5 đã xây dựng “chui” suốt nhiều năm mà cơ quan chức năng không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Lý giải về những sai phạm trên, Công ty Sông Miện 5 cho biết, trước đây quá trình xây dựng thủy điện ở vùng cao phải mất 3-4 năm, thời gian chuẩn bị mất 2 năm xong làm hồ sơ. Bên cạnh đó, để ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì phải trình đầy đủ những hồ sơ như báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động khai thác nước mặt,… Chủ đầu tư vẫn bất chấp thi công, khắc phục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ sau, và vẫn được cấp giấy phép là một cách “hợp thức hoá” cho sai phạm.

Thi công trái phép gây sạt lở nhà dân

Đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các Sở ngành liên quan thực hiện xử lý nghiêm và có các biện pháp xử lý vi phạm của chủ đầu tư dự án thuỷ điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê) do chưa thực hiện các thủ tục hành chính còn thiếu theo quy định. Dự án này do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 11/2014 và dự kiến hoàn thành phát điện trong quý I/2018.

Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng do Vietracimex Lào Cai xây dựng “chui”, vi phạm quy định pháp luật.

Trong quá trình xây dựng, Vietracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng, đất đai. Từ ngày 14/9/2017, đơn vị này đã tiến hành phát điện thương mại 1 tổ máy dù chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Nhà máy thuỷ điện Bắc Mê đã thực hiện tích nước vận hành phát điện khi chưa được cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình; đường dây 220Kv được đưa vào vận hành dù chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế. Thậm chí, thời điểm thanh tra, nhà máy thủy điện Bắc Mê còn chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án.

Hơn nữa, nhà máy thủy điện Bắc Mê không chỉ tích nước khi chưa được phép, gây sạt lở nghiêm trọng cho 17 hộ dân ở huyện Bảo Lâm và Quốc lộ 34 mà còn tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Tại Lào Cai, nhà máy thuỷ điện Tà Thàng - Vietracimex có tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng do CTCP điện Vietracimex Lào Cai (thuộc Tổng Công ty Vietracimex) cũng được xây dựng không phép từ cuối năm 2008. Suốt từ năm 2014-2016, mặc dù Sở TN&MT đã liên tục đôn đốc, hướng dẫn Vietracimex Lào Cai hoàn thiện hồ sơ để xin thuê đất, nhưng công ty này vẫn không phản hồi.

Sau kết luận của Thanh tra tỉnh, ngày 4/9/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo về xử lý và khắc phục tồn tại của nhà máy thuỷ điện Tà Thàng. Vietracimex Lào Cai còn bị xử phạt vi phạm do không trả tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền 5,2 tỉ đồng.

Trong 4 năm đầu tiên đi vào hoạt đông, Thuỷ điện Tà Thàng đã phát điện 1.026 triệu KWh, trung bình đạt 256,5 triệu KWh/năm, doanh thu bình quân là 235 tỉ đồng. Kết luận thanh tra cho biết, chủ đầu tư chưa nộp đầy đủ các loại thuế, phí vào ngân sách nhà nước tỉnh Lào Cai gần 47 tỉ đồng. Mặc dù xây dựng “chui” và ngang nhiên tồn tại suốt một thập kỷ, nhưng Vietracimex Lào Cai lại “phớt lờ” những yêu cầu để giải quyết vướng mắc khi UBND tỉnh nhiều lần mời họp, cũng không tham dự, không phản hồi lý do.

Rõ ràng, việc các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư dự án thuỷ điện, ngang nhiên xây dựng “chui”, vận hành phát điện, khai thác nguồn tài nguyên nước trong tình trạng không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định pháp luật… cần phải xử lý nghiêm và rốt ráo. Bởi đây không chỉ là hành vi bất chấp, coi thường pháp luật, mà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường, để lại những hệ luỵ khôn lường nếu xảy ra thảm hoạ thiên tai.

Theo Kinh tế môi trường

Bạn đang đọc bài viết Những 'khoảng tối' đầu tư thủy điện tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.