Thứ sáu, 19/04/2024 22:07 (GMT+7)

Vì sao Toyota và Honda tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam?

MTĐT -  Thứ năm, 18/01/2018 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hai hãng xe hơi lớn của Nhật là Toyota và Honda sẽ ngừng xuất khẩu xe ra thị trường Việt Nam do vướng các điều khoản ngặt nghèo từ Nghị định 116.

Theo nhật báo Nikkei (Nhật Bản), hai hãng xe Toyota Motor và Honda Motor của nước này sẽ ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam từ đầu năm 2018 khi chưa đáp ứng được các điều kiện về xe nhập khẩu.

Hôm 16/1 vừa qua, Toyota cho biết hãng đã dừng toàn bộ việc sản xuất xe phục vụ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.

Toyota có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia và Nhật chiếm khoảng 20% số xe bán ra trên thị trường, tương đương 1.000 xe mỗi tháng. Những mẫu xe nhập gồm Hilux, Yaris, Fortuner và dòng xe sang Lexus.

Toyota sẽ tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata cho biết: “Thị trường xe hơi Việt Nam năm 2017 tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái vì người tiêu dùng chờ giá xe giảm từ việc cắt giảm thuế”.

Trong năm 2017, doanh số bán xe hơi tại Việt Nam giảm 10% so với năm 2016 khi chỉ đạt 272.705 xe.

Hãng này dự đoán, thị trường sẽ có bước nhảy vọt vào năm 2018, nhưng những rào cản phi thuế quan do Chính phủ Việt Nam đưa ra, chúng tôi không thể xuất khẩu xe sang thị trường này” - ông Michinobu Sugata nói.

Trao đổi với báo chí, đại diện Honda Việt Nam xác nhận, phía công ty mẹ đang dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì vướng mắc của Nghị định 116. Hãng sẽ chờ đợi tới khi có Thông tư hướng dẫn từ Bộ Giao thông Vận tải để biết chính xác loại giấy VTA có thể tìm kiếm từ những tổ chức, cơ quan nào ở nước ngoài. “Từ khi có thông tư hướng dẫn tới khi chuẩn bị đủ giấy tờ để nhập khẩu xe phải mất vài tháng”, vị này cho biết.

Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, việc kiểm định có thể mất tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD.

Toyota Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại một thời gian dài không có xe nhập khẩu để bán. Thị trường Việt đang tăng trưởng tốt trong vài năm qua, nhưng 2017 lại sụt giảm. Thực tế, tỷ lệ lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam là khá nhỏ trong tổng sản lượng của các hãng. Nếu xe từ Thái Lan không xuất sang Việt Nam có thể "chia" cho các thị trường khác trong khu vực.

Trước đó, tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện kinh doanh ôtô, trong đó có những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là Hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.

Tuy nhiên, điều kiện giấy VTA khó khả thi vì có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.

Nhiều hãng xe lo ngại khi vướng mắc Nghị định 116.

Ngoài ra, nếu trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên.

Từ khi Nghị định này được ban hành, những thị trường xuất khẩu xe như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng những quy định mới có thể là bất khả thi. Đồng nghĩa các hãng xe không thể bán sản phẩm ở Việt Nam.

Họ cũng cho rằng Nghị định này có thể vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngoài Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam cũng cho biết họ không thể nhập xe về bán như Ford, Mitsubishi hay Suzuki. Tuy nhiên, các hãng xe nhập khẩu từ châu Âu như Mercedes, BMW, Porsche lại không mấy lo lắng và cho rằng hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như chính phủ Việt Nam yêu cầu.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Toyota và Honda tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...