Thứ ba, 16/04/2024 21:26 (GMT+7)

Thị trường ô tô năm 2019: Hứa hẹn cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt

MTĐT -  Thứ hai, 11/02/2019 17:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia dự đoán, ngành bán lẻ ô tô sẽ khởi sắc hơn trong năm 2019, tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giữa xe sản xuất lắp ráp và xe nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn.

Năm khởi sắc của xe nhập khẩu?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2019, kim ngạch nhập khẩu của ngành hàng ô tô ước đạt 598 triệu USD. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc được đưa về thị trường Việt Nam đạt khoảng 10.000 chiếc, đạt trị giá 248 triệu USD.

Với con số này, lượng xe nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam đã giảm đáng kể so với tháng trước đó với hơn 14.000 xe đổ về trong nước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh do đầu tháng 1/2018, Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với nhiều quy định mới khắt khe hơn với ô tô nhập khẩu.

Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc được dự báo sẽ tiếp tục tăng. 

Dự đoán, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng khi chính sách đã dần ổn định.

Trước đó, tính chung cả năm 2018, cả nước nhập khẩu 81.609 ô tô, với tổng kim ngạch 1,8 tỷ USD, giảm 16,1% về số lượng và 19,8% về trị giá so với năm 2017.

Trong tổng số xe nhập khẩu, xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm nhiều nhất với 53.981 chiếc, tổng kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Xe ô tô tải nhiều thứ 2 với 24.188 chiếc, tổng kim ngạch 501 triệu USD. Xe trên 9 chỗ ngồi các loại đứng thứ 3, với 804 chiếc, tổng kim ngạch hơn 24 triệu USD.

Tốc độ sụt giảm của kim ngạch lớn hơn sản lượng chứng tỏ trị giá nhập khẩu bình quân mỗi xe trong năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 trước đó.

Cũng theo thống kê, tháng 12 là tháng có kim ngạch nhập khẩu ô tô lớn nhất và số lượng đứng thứ 2 (sau tháng 11). Bốn tháng có số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 10 nghìn xe trở lên. Hai tháng đầu năm sản lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ít nhất, trong đó tháng 1 có 340 xe và tháng 2 có 222 xe.

Nguyên nhân, do những tháng đầu năm 2018, các hãng xe đều gặp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP liên quan đến điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu (có hiệu lực ngày 1/1/2018) nên lượng xe nhập khẩu đột ngột giảm mạnh.

Tình hình chỉ trở nên khởi sắc hơn từ tháng 3 với 3.676 xe được nhập khẩu. Số lượng xe nhập chủ yếu có xuất xứ Thái Lan, và ưu thế tiếp tục được quốc gia này duy trì đến nay.

Cuộc đua khốc liệt giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu

Bước sang năm 2019, thị trường ô tô trong nước được dự đoán sẽ có một năm khởi sắc khi các doanh nghiệp xe nhập khẩu đã nỗ lực đưa lượng xe về nước tăng trưởng mạnh hơn, nhất là ở mảng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Từ đó, sự mất cân đối của cán cân cung – cầu đã được giải quyết. Đây chính là điểm tựa tốt nhất cho kỳ vọng vào một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong năm 2019.

Nhiều người cho rằng, với nguồn cung dồi dào cùng với việc thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về chỉ còn 0%, năm 2019 người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Lúc này buộc các doanh nghiệp phải tung ra các giải pháp kích cầu, trong đó có giải pháp giảm giá.

Theo Vneconomy, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, ngành bán lẻ ô tô sẽ khởi sắc hơn trong năm 2019, tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ khốc liệt hơn.

Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã và đang được ký kết, giới chuyên môn nhận định, lợi ích đem lại là rất lớn và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn với chi phí hợp lý hơn. Cụ thể, trong năm 2019, ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước nội khối ASEAN kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ô tô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Bên cạnh mức giá "mềm", người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ Indonesia và Thái Lan. Các dự báo cho thấy, doanh số của các dòng xe bình dân và trung cấp trong năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2019 cũng hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp. Theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ô tô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới.

Sự cắt giảm này hứa hẹn kích thích sức mua đối với ô tô hạng sang trong dài hạn. Tuy vậy, trong ngắn hạn, những lợi ích này vẫn chưa thật sự đáng kể, khi độ co giãn về giá đối với phân khúc này là rất thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội được tạo ra từ FTAs, thì thị trường ô tô Việt Nam cũng sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm 2019. Theo phân tích của VDSC, các rủi ro cho thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 có thể kể đến như: thị trường ô tô được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn.

Các đại lý phân phối xe có thể buộc phải giảm giá bán để duy trì thị phần. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ; hay rủi ro có thể đến từ những bất ổn ở EU có thể khiến việc chấp thuận EVFTA bị trì hoãn...

Nhật Hạ (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ô tô năm 2019: Hứa hẹn cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán
30 năm xây dựng và phát triển của một tổ chức chưa phải là chặng đường dài, nhất là với một tổ chức chưa từng có tiền lệ, song được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.