Thứ bảy, 20/04/2024 10:40 (GMT+7)

Rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

MTĐT -  Thứ bảy, 14/09/2019 20:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là loại hình cho vay an toàn nhất với ngân hàng vì họ đã cầm khoản tiền lớn hơn của khách hàng trong tay. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng gây ra lo ngại về rủi ro tài chính.

Cơ quan Thanh tra - Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo văn bản gửi các tổ chức tín dụng của ngân hàng nhà nước (NHNN), qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay; vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân.

NHNN cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Do đó, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng không thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về cho vay, lãi suất huy động bằng ngoại tệ, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay…

"Đặc biệt, ngân hàng thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay khi khách hàng bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm" - cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nêu rõ.

Chuyên gia tài chính - TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm phải bảo đảm phương án vay nhằm nhắc nhở tổ chức tín dụng để hoạt động tín dụng có tính thực chất, được phản ánh đúng số liệu trên các báo cáo tín dụng. Dù vậy, hình thức cho vay này chiếm dư nợ không quá lớn và nhiều ngân hàng cũng khống chế tỉ lệ cho vay.

 "Riêng kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay là không dễ thực hiện, bởi nhiều khoản vay là để tiêu dùng. Tuy vậy, có thể thấy động thái nhắc nhở của NHNN là cần thiết để dòng chảy tín dụng được kiểm soát tốt hơn" - TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế thì nhu cầu vay cầm cố sổ tiết kiệm của một bộ phận khách hàng là có thật để tránh bị lãi phạt nếu rút trước hạn. Tuy nhiên, sự cảnh báo của NHNN là hợp lý vì nhiều ngân hàng khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm đã không kiểm soát mục đích vay vốn và kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Các ngân hàng cần điều chỉnh điều này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế.

Ngoài ra việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm cần phải được nhìn nhận dưới khía cạnh thực chất của loại tín dụng này và có hay không rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm có lợi cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng gây ra nhiều lo ngại về rủi ro tài chính.

Trong đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, rủi ro thứ nhất là tạo ra một loại tài sản ảo, không thực chất trên sổ sách ngân hàng tại thời điểm cho vay.

Hiện nay, một số ngân hàng có thể cho vay cầm cố sổ tiết kiệm lên tới 100%, lãi suất cho vay không chênh lệch hoặc không chênh lệch đáng kể so với lãi suất huy động, điều này giúp tổng tài sản tăng mà không làm tăng lợi nhuận của ngân hàng và khách hàng cũng  chẳng mất gì vì lãi suất huy động và lãi suất cho vay cấn trừ nhau.

Tuy nhiên, giao dịch này làm méo mó tổng tài sản của ngân hàng. Trên thế giới, nhiều nước tiên tiến cấm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Hình thức cho vay này được gọi là "phantom loan", tức “tín dụng ma”.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm (STK) mà không có phương án sử dụng vốn vay là nguy cơ kéo mặt bằng lãi suất tăng. Khi các ngân hàng cho khách hàng dùng sổ tiết kiệm tại ngân hàng để vay cầm cố thì ngân hàng cần huy động thêm tiền mặt để cân đối việc sử dụng vốn với nguồn vốn.

Động thái này bắt buộc các ngân hàng phải châp nhận trả lãi suất cao để huy động vốn bù đắp vào khoản cho vay mới. Nếu nhiều ngân hàng cùng thực hiện giao dịch này sẽ tạo ra rủi ro đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy dộng vốn.

Tại Việt Nam, vào dịp cuối năm, một số ngân hàng muốn tăng tổng tài sản lên có thể dùng chiêu này để tăng ảo. Tình trạng này đã xảy ra vài năm trước đây, giờ ít hơn nhưng vẫn không thể loại trừ. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu  cho rằng việc NHNN cảnh cáo các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là hợp lý.

Cẩm Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ