Thứ năm, 28/03/2024 18:03 (GMT+7)

Ô tô Đức đánh mất niềm tin vì bê bối khí thải

MTĐT -  Chủ nhật, 23/09/2018 11:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nghiệp ô tô là lĩnh vực xuất khẩu chính của Đức, nhưng những vụ bê bối khí thải liên tiếp tiếp xảy ra ngày càng làm mất uy tín của ngành công nghiệp này.

Theo NewYorkTimes, ngành công nghiệp ôtô Đức đang hứng chịu những nghi ngờ liên quan đến ô nhiễm của động cơ diesel, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các hãng xe.

Sự việc như bùng nổ thêm khi một quản lý cấp cao của Volkswagen (VW) bị điều tra, cùng thời điểm đó cơ quan chức năng tại Berlin yêu cầu Daimler triệu hồi hàng trăm nghìn xe dùng phần mềm gian lận khí thải.

Mới đây, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) vừa mở cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc cho rằng: Các hãng xe Đức, bao gồm BMW, Daimer, Volkswagen, Audi và Porsche đã tổ chức những cuộc họp bàn và hợp tác với nhau trong việc hạn chế sự phát triển cũng như ứng dụng một số hệ thống kiểm soát khí thải nhất định trên xe bán tại “lục địa già”.

Công nghiệp ô tô Đức đang bị suy giảm vì bê bối khí thải. 

Ông Margrethe Vestager – Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu – cho biết: Công nghệ kiểm soát khí thải có nhiệm vụ giảm bớt tác động của xe hơi lên môi trường. Nếu có kết luận vi phạm, điều đó đồng nghĩa với việc người dùng đã bỏ lỡ cơ hội mua những chiếc xe “sạch”.

Tháng 6 vừa qua, ông Rupert Stadler - Giám đốc điều hành của Audi đã bị bắt giữ tại Munich (Đức) vì cáo buộc liên quan đến những bê bối gian lận khí thải.

Nằm trong cuộc điều tra gian lận khí thải động cơ diesel và động cơ Audi, văn phòng công tố viên Munich đã ra lệnh bắt ông Rupert Stadler vào ngày 18/6/2018,” văn phòng công tố viên Munich xác nhận.

Rupert Stadler được cho là có liên quan đến việc Audi bán những chiếc xe động cơ diesel tích hợp phần mềm gian lận tại Mỹ và châu Âu kể từ năm 2009. “Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng để bắt Rupert”, công tố viên Munich cho biết. Trong khi đó, Stadler phủ nhận mọi cáo buộc.

Hàng loạt các ông lớn như Audi, BMV, Volkswagen đều dính đến bê bối khí thải. 

Sự việc diễn ra sau 1 tháng, Audi thừa nhận 60.000 chiếc A6 và A7 động cơ diesel của hãng đã được cài phần mềm gian lận khí thải. Năm 2017, hãng xe sang này của nước Đức đã phải triệu hồi 850.000 xe.

Vụ bê bối gian lận khí thải ở Tập đoàn Volkswagen nổ ra từ năm 2015, liên quan đến việc cài phần mềm gian lận cho hơn 11 triệu xe động cơ diesel trên toàn thế giới. Một số xe có lượng khí thải NOx cao hơn giới hạn tới 40 lần.

Vụ việc đã khiến nhà sản xuất ô tô Đức tốn hơn 25 tỷ USD tiền phạt, bồi thường cho các chủ xe và mua lại xe đã bán ra, chủ yếu là tại Mỹ.

Không dừng lại ở đó, vụ bê bối gian lận khí thải đã “dày vò” Volkswagen suốt từ năm 2015 vẫn chưa có dấu hiệu khép lại. Đến tháng 4 vừa qua, một lãnh đạo cấp cao của Porsche - thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen - là một trong những đối tượng mà cảnh sát nhắm tới trong cuộc lục soát trụ sở của hãng ở Stuttgart (Đức).

Cuộc kiểm tra, lục soát nói trên có sự tham gia của 33 công tố viên và 160 cảnh sát, cho thấy cơ quan chức năng Đức vẫn đang dành nhiều nguồn lực vào vụ việc tại Volkswagen dù chưa đưa sự việc lên khởi tố hình sự.

Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét các văn phòng của BMW ở Munich để phục vụ việc điều tra gian lận khí thải. Các công tố viên ở Munich cho biết họ đang điều tra xem phần mềm sử dụng cho một số mẫu xe BMW chạy diesel có giống công nghệ gian lận của Volkswagen hay không.

Ngành công nghiệp ôtô là lĩnh vực xuất khẩu chính của Đức, mang về nhiều lợi nhuận từ các thị trường như Trung Quốc, Mỹ và một số thị trường khác, nhờ danh tiếng lâu đời. Tuy nhiên, uy tín của ngành công nghiệp này đang bị suy giảm trong thời gian gần đây.

Ngay tại thành phố Hamburg, Đức, nhà chức trách đã ra lệnh cấm đối với những ôtô dùng động cơ diesel ở khu vực có mật độ giao thông cao, bởi những vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Nhiều thành phố khác tại quốc gia này như Aachen cũng đang lên kế hoạch áp dụng luật cấm tương tự. Những chính sách không có lợi khiến xe dùng động cơ diesel tụt giảm doanh số mạnh. Các nhà sản xuất đang phải tích cực nghiên cứu những công nghệ để động cơ diesel sạch hơn, thân thiện môi trường hơn.

Trao đổi với VietnamNet, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, từng làm việc tại tập đoàn Volkswagen, không phải tự nhiên mà công nghiệp ô tô Đức được cả thế giới khâm phục. Ngoài yếu tố công suất cao, thiết kế sang trọng, mỗi một chiếc xe Đức đều chứa đựng những kỹ thuật tiên tiến nhất. Tuy nhiên, khoảng cách về công nghệ ô tô trên thế giới đang được thu hẹp. Các mẫu xe Mỹ, Nhật, Hàn ngày càng tiên tiến hơn để đối đầu với Đức, và mỗi nước lại có những bí quyết công nghệ riêng.

Điều này đã tác động đến công nghiệp ô tô Đức. Giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh được các hãng xe Đức tính tới. Để làm vậy, các hãng xe cũng gia tăng áp lực, yêu cầu đối tác hạ giá linh kiện cung ứng với giá rẻ hơn bao giờ hết. Kết quả có thể thấy, chất lượng một số mẫu xe đang đi xuống, cùng với đó là những bê bối nghiêm trọng liên quan tới an toàn và khí thải.

Mới đây, tạp chí uy tín WardsAuto (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 động cơ ô tô tốt nhất năm 2018. Đáng chú ý, không có cái tên nào đến từ Đức lọt vào danh sách này. Trong khi Honda và Ford giành tới hai vị trí trong top 10 và Kia lần đầu tiên được xướng tên. Còn Jaguar và Infiniti là hai thương hiệu xe sang hiếm hoi xuất hiện trong giải thưởng này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô tô Đức đánh mất niềm tin vì bê bối khí thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.