Thứ sáu, 29/03/2024 03:47 (GMT+7)

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốc vào cuối năm

MTĐT -  Thứ năm, 06/12/2018 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo TTTT&TM và Cục Công Thương địa phương, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc trong tháng cuối năm 2018 có nhiều thuận lợi do nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ Tết cuối năm.

Theo Trung Tâm Thông tin và Thương mại và Cục Công Thương Địa phương (TTTT&TM và Cục CTĐP), nhu cầu tiêu thụ nông sản cuối năm tăng cao khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua vào.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 và dự báo xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của năm 2018.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốc vào cuối năm

Nhu cầu thủy sản Trung Quốc dự báo sẽ cao

TTTT&TM và Cục CTĐP nhận định xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới khả quan hơn do nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc đang ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, cá đóng hộp tẩm gia vị...

Từ ngày 1/7, Trung Quốc đã chính thức giảm thuế nhập khẩu 2 - 10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đặc biệt, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%. Thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%, sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc nuôi cá tra đang trở thành mối nguy lớn đối với cá tra Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đang nuôi thử cá tra, trước mắt để phục vụ nhu cầu nội địa đang tăng trưởng nhanh chóng.

“Trung Quốc đang nỗ lực nuôi cá da trơn và ngành này đang phát triển mạnh. Hiện toàn ngành thủy sản Trung Quốc theo dõi sức ảnh hưởng của cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc”, bà Ran Chunli, Giám đốc mảng thủy sản của công ty thủy sản Evergreen Group cho hay.

Đánh giá về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay việc nuôi cá tra đã được triển khai tại một số tỉnh gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc với sản lượng khoảng 200.000 tấn mỗi năm.

“Mối quan ngại lớn nhất không phải là sản lượng cá tra hiện nay của Trung Quốc mà là tương lai họ sẽ sản xuất được bao nhiêu, đặc biệt khi họ áp dụng quy trình và công nghệ nuôi tiên tiến. Trường hợp Trung Quốc phát triển được ngành này, khả năng họ áp dụng các biện pháp bảo hộ cá tra nội địa cũng có thể xảy ra”, ông Quốc chia sẻ.

Xuất khẩu gạo dự báo vẫn tích cực mặc cho bị áp thuế cao
Đối với mặt hàng gạo, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ cấu các mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể so với cùng kì năm 2017.

Tuy Trung Quốc vẫn nhập khẩu nhiều nhất gạo nếp của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với khối lượng 526.140 tấn, nhưng so với cùng kì năm 2017 giảm mạnh 48% do tồn kho gạo nếp của Trung Quốc còn nhiều và giá gạo cao khiến nước này giảm mua vào.

Được biết từ ngày 1/7, thuế nhập khẩu với tất cả loại gạo từ các nước Đông Nam Á vào Trung Quốc chịu thuế suất 40 - 50%.

Tương tự, lượng gạo trắng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm đến 60% so với cùng kì.

Ngược lại, lượng gạo thơm, gạo đồ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 33% và 68%. Đặc biệt, lượng gạo giống Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng tới 382%.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc được TTTT&TM và Cục CTĐP dự báo sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp lễ tết cuối năm.

Đồng thời, việc đẩy mạnh mua gạo còn nhằm bổ sung thêm nguồn cung khi nhập khẩu của nước này chỉ đạt mức thấp trong 9 tháng đầu năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá hiện nay, thị trường Trung Quốc không dễ tính như trước đây khi mua những loại gạo cao cấp, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 19 doanh nghiệp có giấy phép an toàn thực phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Kiên, với lợi thế cạnh tranh lớn về mặt địa lý, Việt Nam vẫn phải giữ thị phần tại Trung Quốc ở mức hợp lý do so với nước khác.

Đối với lệnh thuế 50% gạo nếp, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan rằng bài toán cung - cầu sẽ là yếu tố then chốt cho gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng dù thuế tăng là điều khó khăn cho Việt Nam, song bài toán cung - cầu vẫn quyết định thị trường. Nếu nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc cao trong khi nguồn cung giảm thì thuế cũng sẽ giảm theo.

Xuất khẩu rau quả qua cửa khẩu Móng Cái dự báo tăng trong quý IV

TTTT&TM và Cục CTĐP cho hay từ cuối tháng 10, xuất khẩu các loại hoa quả trái cây vùng nhiệt đới sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đang gia tăng đáng kể.

Lượng sản phẩm tham gia giao dịch đạt khoảng 1.500 tấn/tuần, tăng hơn 30% so với những tuần trước đó. Các đối tác đang tăng nhập khẩu mít của Nam Bộ và tăng nhập khẩu dưa hấu của Trung Bộ.

TTTT&TM và Cục CTĐP dự báo trong quí IV, xuất khẩu hoa quả trái cây nhiệt đới sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái sẽ liên tục tăng do nhu cầu Trung Quốc có xu hướng tăng với chủng loại đa dạng gồm xoài, cam vỏ xanh, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, hồng xiêm, sơ ri, nhãn da bò...

Có gần 20 loại sản phẩm có giá tăng nhẹ hoặc ổn định. Riêng dưa hấu có giá xuất khẩu thấp nhất hiện nay là 1,15 nhân dân tệ/kg (tương đương 4.100 đồng/kg). Dự báo giá dưa hấu sẽ tăng mạnh vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Theo Đức Quỳnh

Kinh tế & Tiêu dùng

Bạn đang đọc bài viết Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốc vào cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.