Thứ sáu, 29/03/2024 00:58 (GMT+7)

Những lần đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính

MTĐT -  Chủ nhật, 15/04/2018 14:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong các lần đề xuất, điều chỉnh sắc thuế, Bộ Tài chính hầu hết có lý giải chung: Tăng thuế để phù hợp với thông lệ thế giới và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Với tinh thần sửa đổi 5 Luật Thuế: Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, trong vòng hơn một năm trở lại đây, Bộ Tài chính liên tục đề xuất điều chỉnh sắc thuế.

"Trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nợ công cao thì việc tăng thuế là cần thiết để bù vào việc thu ngân sách giảm", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, nói trong buổi tiếp xúc với báo chí.

Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh những sắc thuế gì? 

Thuế bảo vệ môi trường: Đầu năm 2017, Bộ Tài chính lần đầu đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu với lý do hiện nay thu ngân sách từ dầu thô giảm, và giá xăng Việt Nam đang thấp tương đối so với 122 quốc gia trên thế giới.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng thu thuế bảo vệ môi trường đáng lẽ phải chi cho môi trường hay phát triển năng lượng tái tạo. Tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường không thể hòa vào ngân sách chung rồi chi như cách làm hiện nay.

Từ 1/7, Thuế Bảo vệ môi trường với xăng có thể lên 4.000 đồng/lít. Ảnh: Reuters.

Mặc dù vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía cả phía chuyên gia kinh tế lẫn người tiêu dùng, Bộ vẫn kiên định với quan điểm tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức 4.000 đồng/lít. Dự kiến, mức thuế này có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay và sẽ bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỷ đồng.

Thuế giá trị gia tăng (VAT): Tháng 8/2017, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên mức 12% năm 2019. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5%. Đề xuất tăng thuế VAT gây tranh cãi không kém gì thuế bảo vệ môi trường, bởi đây cũng là loại thuế gián thu ảnh hưởng đến đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, người nghèo sẽ là bộ phận chịu thiệt thòi hơn cả.

Lý giải về việc tăng thuế, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế VAT 10% như hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Nhà nước hoạt động dựa trên tiền thuế của người dân, đóng thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân.

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng đề xuất khi thực hiện sang tên sổ đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT thay vì 0% như hiện tại.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường trừ sữa. Theo tính toán, với việc điều chỉnh sắc thuế này, Ngân sách nhà nước thu về khoảng 5.005 tỷ đồng.

Bộ này cũng đưa ra 3 lý do về quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách; phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy vậy, Bộ không đưa ra căn cứ hay nghiên cứu về mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay cũng như đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với mức lượng tiêu thụ như vậy.

Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì; nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không... là những câu hỏi được đặt ra đối với đề xuất này của Bộ Tài chính.

Ngoài ra trong lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ còn đưa ra điều chỉnh về thuế áp trên thuốc lá từ 70% lên 75% và thuế áp trên xe bán tải từ mức 15% như hiện nay lên mức 33%.

Mặc dù đề xuất tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, mức giảm trừ gia cảnh và giảm trừ bản thân cho lao động vẫn được giữ nguyên. Ảnh : Reuters

Thuế thu nhập cá nhân: Đầu năm 2018, lại một lần nữa dư luận "dậy sóng" khi Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương. Bộ đưa ra 2 phương án thu thuế, và có phần nghiêng về phương án tăng thu ngân sách 500 tỷ đồng.

Với phương án này, theo những người có thu nhập trung bình khá, nằm trong khoảng 24-41 triệu đồng/tháng - là những lao động lành nghề, phần lớn có gia đình sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù đề xuất tăng thu thuế, mức giảm trừ gia cảnh 3.600.000/người/tháng và mức giảm trừ bản thân 9.000.000/người/tháng đã áp dụng từ gần 10 năm nay vẫn được Bộ giữ nguyên, với lý do mức giảm trừ vẫn “hợp lý”, chưa cần điều chỉnh.

Thuế nhà đất: Ngày 13/4 vừa qua, Bộ Tài chính công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ôtô, tàu bay. Điều đáng nói là thay vì đánh thuế tài sản đối với ngôi nhà đất thứ 2 như dự kiến trước đây thì Bộ đề xuất đánh thuế ngay trên ngôi nhà thứ nhất, với mức thuế suất 0,3-0,4% dựa trên giá trị xây dựng của ngôi nhà.

Ngân sách dự kiến được bổ sung 1.500 tỷ nhưng theo một số chuyên gia, việc đánh thuế tài sản ngay trên ngôi nhà đầu tiên theo Bộ đề xuất là đi ngược lại với thông lệ thế giới đồng thời có phần “tận thu” với người dân.

Vì sao người dân phản ứng tiêu cực khi thuế tăng?

Xưa nay, hễ tăng thuế là người dân lại phản đối. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nói: “Nhưng tâm lý phản đối này nảy sinh là do người dân bức xúc, khó chịu về tính không minh bạch trong chi thường xuyên”.

“Chi thường xuyên hàng năm luôn cao cho thấy bộ máy Nhà nước cồng kềnh, trong khi người dân không biết được các khoản thuế của mình được sử dụng như thế nào thì sao mà người dân phản ứng tích cực mỗi lần tăng thuế?”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đức Thành, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thông thường, các cơ quan Nhà nước không giải trình được việc thu thuế để làm gì. Nếu tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh rõ là tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường như thế nào, môi trường được cải thiện ra sao sau khi tăng thuế.

Còn nếu vì bí ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng phải làm rõ cho người dân biết được là bao nhiêu phần trăm trong tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường, bao nhiêu để bù các khoản thu thiếu hụt khác. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế.

Người dân thường có phản ứng tiêu cực khi thuế tăng. Ảnh minh hoạ: Reuters

Đồng thời, Nhà nước cũng cần làm rõ việc tăng thuế sẽ đem lại lợi ích cho ai. Theo đó, rõ ràng là nhóm các doanh nghiệp xăng dầu được lợi bởi họ là người có công thu hộ Nhà nước khoản tăng thuế.

"Tất cả yếu tố đó cần phải giải giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch trong chi ngân sách thì không vấn đề gì cả, tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận đóng thuế", bà Lan nói.

Mặt khác, để ổn định ngân sách, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Nhà nước vẫn cần giảm chi. Đây là vấn đề không đơn giản, không chỉ là duy tình, khó tinh giản bộ máy Nhà nước cồng kềnh mà còn là “duy tiền”, bởi bao nhiêu vị trí trong cơ quan Nhà nước đều bằng tiền mà có.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Thuế ổn định cũng thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thu ngân sách, người dân đỡ còng lưng đóng thuế tăng thêm để bù đắp ngân sách. Tôi nghĩ quan trọng nhất là thu ngân sách phải nghĩ đến dân, nền kinh tế nói chung chứ không chỉ thuận lợi cho cơ quan Nhà nước”.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Những lần đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.