Thứ năm, 25/04/2024 06:42 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Dấu hiệu của nới lỏng nền kinh tế?

MTĐT -  Thứ bảy, 14/09/2019 20:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Động thái của NHNN được đánh giá là hợp lý, tuy nhiên việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng M2.

Hạ lãi suất vào thời điểm này là phù hợp?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, kể từ ngày 16/9/2019, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm.

 Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Đây cũng là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.

Kể từ ngày 16/9/2019, NHNN tiến hành điều chỉnh lãi suất điều hành. 

Trong thông báo giảm lãi suất điều hành, NHNN giải thích, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Còn trong giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này là động thái hợp lý, phù hợp với diễn biến cả trong và ngoài nước. Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực nêu 3 lý do chính.

Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã giảm lãi suất.

Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.

Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Phan Minh Ngọc, hiện công tác tại một ngân hàng của Nhật có trụ sở ở Singapore cho rằng cần nhìn sự việc trong một bối cảnh rộng hơn chuyện lạm phát và lãi suất cho vay hay xu hướng hạ lãi suất trên thế giới.

Theo vị chuyên gia này, việc hạ lãi suất cho vay từ các nguồn cung tiền đồng từ NHNN để từ đó chuyển tải tác dụng nới lỏng có mức độ trong chính sách tiền tệ của NHNN đến thị trường tín dụng thứ cấp, mục đích cuối cùng là để giảm giá VND. Tuy nhiên, TS. Phan Minh Ngọc đánh giá, đây chỉ là bước thăm dò phản ứng thị trường bởi mức giảm khá nhỏ, 0,25 điểm phần trăm so với các mức lãi suất chính sách hiện hành.

Các ngân hàng thương mại và nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đối với ngân hàng thương mại, nếu Nếu NHNN sẵn sàng cho vay bất cứ ngân hàng thương mại nào có nhu cầu (hợp pháp) thì đương nhiên là tình hình sẽ "dễ thở" hơn với các ngân hàng thương mại, bởi lãi suất đầu vào giảm (dù nhẹ), còn lãi suất đầu ra vẫn thuộc sự kiểm soát của ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại vẫn là người làm giá chứ không phải doanh nghiệp, người đi vay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn tăng).

Và ngược lại, khi NHNN chỉ hạ lãi suất trên giấy theo kiểu tùy cơ ứng biến thì rõ ràng là tác động của hạ lãi suất lên các ngân hàng thương mại không đáng kể.

Đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, lượng tiền sẵn sàng cho vay từ NHNN (với giả thiết là các ngân hàng thương mại xếp hàng để được vay) mà không đáng kể thì nó sẽ đọng lại trước tiên trong hệ thống ngân hàng để giải quyết các vấn đề nội tại của ngân hàng như thanh khoản eo hẹp, dự trữ tụt giảm.

Sau đó, lượng tiền còn dư sẽ tiếp tục chảy qua những chỗ ưu tiên của ngân hàng thương mại, không nhất thiết là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực "ưu tiên" theo quy định của NHNN. Nói cách khác, nếu liều lượng nới lỏng tiền tệ nhỏ thì tác động thực sự lên nền kinh tế thực cũng sẽ vì thế mà nhỏ đi hơn nữa.

Đây là dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế?

Đánh giá về thông tin cắt giảm lãi suất điều hành, chuyên gia phân tích từ phía Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, thị trường đón nhận thông tư này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. Tuy nhiên, tín hiệu cần theo dõi nhất vẫn sẽ là cung cầu của dòng tiền trên hệ thống tài chính thể hiện qua tăng trưởng M2 trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.

BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều Ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.

BVSC không quá bất ngờ trước động thái cắt giảm lãi suất điều hành. 

Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới", BVSC nêu quan điểm tương đồng với BSC.

Cẩm Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Dấu hiệu của nới lỏng nền kinh tế?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành