Thứ sáu, 19/04/2024 20:48 (GMT+7)

Kinh doanh ế ẩm, hàng quán đồng loạt đóng cửa

MTĐT -  Thứ sáu, 06/03/2020 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do tác động của dịch Covid-19, những ngày qua, hàng loạt nhà hàng, tiệm cà phê tại Hà Nội và TP.HCM thi nhau treo biển đóng cửa, sang nhượng cửa hàng.

Theo báo Tuổi trẻ, khoảng 1 tuần nay, hàng quán trên trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đồng loạt treo biển đóng cửa, sang nhượng quán.

Đây là con đường có tiếng ở TP.HCM quy tụ hàng loạt thương hiệu ẩm thực Á - Âu và giá thuê mặt bằng không thua các trung tâm thương mại ở TP.HCM.

Những cửa hàng vừa đóng cửa có những thương hiệu nhỏ, song cũng có nhiều chi nhánh của những thương hiệu khá nổi tiếng. Đáng chú ý có những nhà hàng chỉ mới khai trương vài tháng và từng kinh doanh khấm khá nay cũng đóng cửa.

Tiệm cà phê Palan tại địa chỉ 222 Phan Xích Long đưa ra một thông báo trên trang Facebook: "Rất tiếc xin thông báo dừng hoạt động. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm trong thời gian qua" và cắt luôn điện thoại liên hệ.

Nhiều hàng, quán ở khu vực trung tâm TP.HCM đăng biển sang nhượng cửa hàng. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trong khi đó tiệm cà phê Doha tại địa chỉ 223 Phan Xích Long cũng treo biển ngừng hoạt động từ ngày 24-2 dù mới khai trương từ 9-9-2019. Doanh nghiệp này cho biết tình hình dịch COVID-19 có ảnh hưởng, sụt giảm lượng khách.

Tuy vậy, doanh nghiệp này cho rằng corona chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ trong việc kinh doanh Doha Phan Xích Long và đây không phải là lý do chính để quán đóng cửa.

Theo đó, giá thuê mặt bằng của tiệm đang bị đội khá cao so với mặt bằng chung trong khu này gây không ít khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Tương tự, tại Hà Nội cũng không thoát khỏi tình trạng trên. Nhiều tuyến phố sầm uất như Thái Hà, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Nghĩa Tân, Trần Thái Tông… vốn rất khó để tìm được mặt bằng kinh doanh nhưng nay nhan nhản các biển treo “cho thuê nhà”, “sang nhượng mặt bằng”.

Theo Infonet, một nhà hàng ăn uống khá có tiếng trên phố Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) kinh doanh tại đây đã được 5 năm nhưng từ sau Tết cũng phải đóng cửa, trả mặt bằng. Hệ thống nhà hàng này chỉ còn duy nhất 1 cơ sở tại Tô Hiệu (Cầu Giấy) là vẫn hoạt động.

Hơn một tháng treo biển cho thuê mặt bằng, chủ nhà này vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Bởi giá cho thuê mặt bằng tại đây rất đắt đỏ, 190 triệu/tháng với diện tích 190m2 và yêu cầu bắt buộc ký hợp đồng 5 năm, 6 tháng đóng tiền một lần.

Đăng biển sang nhượng cả tháng nay, nhưng một nhà hàng trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người thuê. Ảnh: Infonet.

Cũng treo biển sang nhượng cả tháng nay nhưng một nhà hàng trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người thuê. Theo chủ nhà hàng, mặt bằng 100m2 có giá cho thuê hiện tại là hơn 40 triệu đồng/tháng, giá sang nhượng 200 triệu đồng. Chủ nhà hàng đã ký hợp đồng thuê nhà 5 năm và đã kinh doanh được 1,5 năm.

Do làm hàng cơm văn phòng, chỉ đông khách vào buổi trưa, còn buổi sáng và buổi tối hầu như không có khách. Kinh doanh không hiệu quả và như kỳ vọng nên chủ nhà hàng này phải sang nhượng lại. Mặt khác, tình hình dịch bệnh cũng khiến lượng khách sụt giảm mạnh, dẫn tới quán phải đóng cửa.

Lý giải về tình trạng trên, trao đổi với Vnexpress, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn lốc trả mặt bằng diễn ra khắp TP HCM từ sau Tết đến nay.

Thứ nhất, đây là phản ứng thời vụ. Thông thường thị trường cho thuê nhà lẻ có điểm rơi sau Tết, là thời điểm thay đổi khách thuê, giao trả mặt bằng. Đây là hiện tượng chuyển giao mang tính mùa vụ năm nào cũng có.

Thứ hai, giá mặt bằng lẻ cho thuê khu vực trung tâm thành phố và các khu ẩm thực sôi động đã tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Giá bất động sản liên tục leo thang trong gần nửa thập niên qua, khiến cho giá thuê bị đẩy lên cao do hiệu ứng dây chuyền. Giá thuê tăng vọt khiến chi phí mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong dòng vốn đầu tư, làm cho biên lợi nhuận bị thu hẹp dần. Những khách thuê kinh doanh không hiệu quả chỉ còn cách trả mặt bằng giá cao, thanh lý hợp đồng thuê để tìm những địa điểm rẻ hơn nhằm giảm áp lực chi phí mặt bằng.

Thứ ba, Covid-19 khiến mọi người hạn chế tiếp xúc nơi đông người, hạn chế sử dụng các dịch vụ ăn uống và mua sắm nên tình hình kinh doanh ế ẩm được ví như giọt nước tràn ly, đẩy làn sóng trả mặt bằng lên đỉnh điểm trong quý đầu năm 2020.

Ông Hạnh phân tích, dịch bùng nổ tại Trung Quốc sau đó lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ 2 tháng qua, tuy Việt Nam hiện nay được xem là vùng an toàn vì kiểm soát dịch tốt nhưng ít nhiều có tác động tâm lý đến người dân trong nước. Hàng quán kinh doanh mảng F&B, thời trang, giải trí nhắm vào nhân viên văn phòng, người lao động tại trung tâm thành phố, học sinh, sinh viên nhưng nhóm khách hàng tiềm năng này đang hạn chế phạm vi hoạt động, trường học tạm đóng cửa, kinh doanh sản xuất bị thu hẹp hoặc ngưng trệ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh ế ẩm, hàng quán đồng loạt đóng cửa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...