Thứ sáu, 19/04/2024 19:22 (GMT+7)

Giá xe ô tô chỉ giảm khi “cung” lớn hơn “cầu”

MTĐT -  Thứ ba, 26/03/2019 17:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau những sự thất vọng lớn về giá xe sẽ giảm sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, nhiều chuyên gia nhận định, giá ô tô tại Việt Nam chỉ có thể giảm khi xảy ra kịch bản “cung” lớn hơn “cầu”.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3/2019, tổng số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam đạt 5.790 xe. Trong đó, lượng xe con dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam đạt hơn 3.880 chiếc. Lượng xe con về thị trường Việt Nam tăng trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tổng lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam tính đến hết ngày 15/3 đạt hơn 31.555 chiếc xe nguyên chiếc, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xe con nhập nguyên chiếc về trong nước đã lên tới 22.104 xe.

Giá bình quân của các dòng xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã giảm đáng kể. Cụ thể, mức giá nhập xe trong nửa đầu tháng 3 theo công bố của Tổng cục Hải quan trung bình khoảng 412 triệu đồng/xe. Trong khi đó, đầu năm 2019 mức giá bình quân khoảng 461 triệu đồng/xe.

Đồng thời so với năm 2018, mức giá xe nhập khẩu năm 2019 cũng giảm nhiều, cụ thể mức giá bình quân giảm khoảng gần 100 triệu đồng/xe.

Lượng xe con về thị trường Việt Nam tăng trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Internet.

Được biết, nguyên nhân mức giá nhập xe trong nửa đầu tháng 3 giảm mạnh là do các nhà nhập khẩu lựa chọn các dòng xe nhập có giá trị thấp hơn. Trong đó chủ yếu là các dòng xe cỡ nhỏ hoặc thuộc phân khúc phổ thông thay vì các dòng xe có trị giá cao thuộc phân khúc cao cấp.

Còn ở chiều xe lắp ráp, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô trong nước tiếp tục sụt giảm mạnh tháng thứ 2 liên tiếp. Sản lượng tiêu thụ xe toàn thị trường (không bao gồm Hyundai Thành Công) chỉ đạt 13.143 chiếc, giảm 61% so với tháng 1/2019 và chỉ tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Điều đáng lưu ý nhất trong báo cáo tháng này là việc doanh số các mẫu xe nhập khẩu (CBU) đã bám sát xe lắp ráp trong nước (CKD). Trong nhiều năm nay chưa bao giờ các mẫu xe CBU có khoảng cách tốt như vậy với xe CKD. Mức chênh lệch về doanh số trong tháng 2/2019 chỉ là khoảng hơn 2.000 chiếc. Nhiều chuyên gia trong nghành đánh giá, nếu nguồn cung tốt hơn nữa xe nhập khẩu có thể cân bằng doanh số xe lắp ráp trong những tháng tới.

Như vậy, so với năm 2018, thị trường ô tô năm 2019 đã mang một bức tranh hoàn toàn khác biệt.  Nếu như trong nửa đầu năm 2018 chỉ là sân chơi của xe lắp ráp thì trong nửa đầu năm 2019, thị trường xe nhập khẩu đã tăng mạnh gần 3 lần, báo hiệu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa xe lắp ráp và nhập khẩu trong năm 2019.

Những dấu hiệu tích cực ngay đầu 2019 về nguồn cung xe nhập khẩu bước đầu mang lại lợi ích cho người dùng. Thị trường có nhiều lựa chọn giúp giá xe nhập và xe lắp ráp hiện ở mức tốt, hãng xe ồ ạt tung khuyến mại để chiếm thị phần.

Đáng chú ý, một loạt các thương hiệu như Toyota, Mitsubishi, Nissan, Ford… cũng giảm giá cho một loạt các mẫu xe như: Vios, Outlander, Terra, EcoSport,… với mức giảm từ 15 - 50 triệu đồng.

Việc giảm giá ô tô là tín hiệu tích cực không chỉ với người tiêu dùng mà còn là điều đáng mừng đối với cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bởi khi dung lượng thị trường đủ lớn sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển được công nghiệp phụ trợ, giảm giá thành.

Tuy nhiên, sau những sự thất vọng lớn về giá xe sẽ giảm sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% (từ đầu năm 2018), nhiều chuyên gia nhận định, giá ô tô tại Việt Nam chỉ có thể được điều chỉnh giảm khi xảy ra kịch bản “cung” lớn hơn “cầu” hoặc ít nhất không có tình trạng khan hiếm xe. Chỉ khi ấy các doanh nghiệp mới buộc phải giảm giá xe để cạnh tranh. Khi “cầu” còn lớn hơn “cung” thì không có lý gì khiến các hãng xe phải giảm giá bán”.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản số 655/BTC-CST gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ - CP.

Bộ Tài chính đề cập tới đề xuất sửa Luật thuế theo hướng - "Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước".

Như vậy, theo tính toán, nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần linh kiện sản xuất trong nước thì chí phí cho giá thành sản xuất ô tô sẽ giảm. Từ đó, giá xe cũng sẽ giảm và người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với các mẫu xe hơn.

Theo Bộ Tài chính, chính sách này được thực hiện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Giá xe ô tô chỉ giảm khi “cung” lớn hơn “cầu”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...