Thứ sáu, 29/03/2024 12:47 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu 3 lý do khiến giá thịt lợn chưa thể giảm

MTĐT -  Thứ tư, 08/04/2020 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Giá thịt vẫn neo ở mức cao.

Liên quan đến việc hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi đã giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng giá thịt lợn tại chợ và siêu thị vẫn quá đắt đỏ, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, thứ nhất là do nguồn cung thịt lợn trong nước chưa đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Trước khi có dịch, mỗi quý Việt Nam cần 910.000 tấn thịt lợn, vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn. Theo Bộ trưởng Cường, phải đến quý IV chúng ta mới đạt được sản lượng đủ.

Thứ hai, giá thành sản xuất thịt lợn cao do phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.

Thứ ba, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4 chưa đủ sức chi phối thị trường.

“Còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn”, ông Cường nói.

Ông Cường khẳng định, để giảm giá thịt lợn hiện nay, giải pháp gốc rễ vẫn là tập trung, tái đàn, tăng đàn đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đỉnh dịch, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương đẩy nhanh việc tái đàn và kết quả hiện giờ rất khả quan.

Đến đầu tháng 3, tổng đàn lợn đã đạt 24 triệu con. Với tốc độ tái đàn đạt 6,3% như hiện nay, dự báo đến quý 3 và đầu quý 4, tổng đàn lợn sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018. Khi đó, ngành chăn nuôi lợn trong nước sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN - PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, các doanh nghiệp làm sao giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, khâu chế biến, đến phân phối tiêu dùng phải ngắn nhất. Trong thời gian tới, Bộ NN - PTNT tiếp tục nhập khẩu thịt lợn trong chừng mực còn thiếu, để đảm bảo cho nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn nhiều sản phẩm thay thế thịt lợn như trứng, cá… để vừa đảm bảo có lợi, tốt cho sức khỏe, vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ và không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn”, ông Cường nói.

Trước đó, tại cuộc họp với các doanh nghiệp kinh doanh thịt do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn bộ 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng tình giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4. Theo lộ trình đến cuối quý 2 và quý 3 sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn vẫn được bán ở mức cao dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại thịt 3 chỉ, nạc vai hay sườn. Trong đó, giá sườn thăn nhiều nơi lên tới 170.000-180.000 đồng/kg.

Không chỉ tại các chợ, giá thịt lợn tại hệ thống Big C, Vinmart… vẫn giữ nguyên 180.000 - 220.000 đồng/kg ba rọi, 140.000 đồng/kg thịt đùi.

-

Chia sẻ với VOV về lý do giá thịt lợn chưa thể giảm, Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, đơn vị cung cấp sản phẩm thịt lợn an toàn cho Đồng Nai và TP HCM cho biết, công ty vẫn mua lợn hơi với giá 75.000 đồng/kg nên không thể giảm giá thịt lợn. Ông Bình đề nghị trong lúc tái đàn còn khó khăn, nguồn cung chưa nhiều để giảm giá thịt lợn thì cần phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Theo ông Bình: "Chính phủ muốn giảm giá thịt lợn xuống thì phải cho thịt nhập thịt lợn nhiều hơn và giảm thuế nhập khẩu. Để thị trường tự điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu. Doanh nghiệp không được quyền định giá sản phẩm mà do thị trường quyết định. Người ta muốn bán giá cao cũng không được mà thị trường quyết định giá".

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu 3 lý do khiến giá thịt lợn chưa thể giảm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới