Thứ ba, 23/04/2024 23:56 (GMT+7)

Điểm qua những dự án BOT được VietinBank giải ngân

MTĐT -  Thứ hai, 08/06/2020 14:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt dự án BOT được VietinBank cấp vốn đang đau đáu chờ ngày được thu hồi vốn, liệu nghìn tỷ đồng đã giải ngân có khả năng biến thành nợ xấu?

Vietinbank rót vốn cho nhiều dự án BOT

Thông tin trên website của mình, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam - VietinBank cho biết, ngân hàng này đầu tư vốn cho nhiều dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT như Dự án BOT Quốc lộ 14 đoạn từ Tx.Đồng Xoài, Bình Phước đến Cây Chanh, Đăk Nông; Dự án BOT quốc lộ 14 đoạn qua Đăk Nông dài 74 km; Dự án BOT đường tránh TP. Thanh Hóa, Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ hầm Đèo Cả đến Km1445 tỉnh Khánh Hòa theo hình thức Hợp đồng BOT phân đoạn Km1392-Km1405 và Km1425-Km1445…

Được biết, vào năm 2013, VietinBank Ba Đình và Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1373+525 đến Km1392 và Km1405 đến Km1425 tỉnh Khánh Hòa.

Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ hầm Đèo Cả đến Km1445 tỉnh Khánh Hòa theo hình thức Hợp đồng BOT phân đoạn Km1392-Km1405 và Km1425-Km1445…

Với khả năng thu xếp tài chính và dịch vụ cho những dự án lớn, trọng điểm quốc gia, cụ thể hóa bản hợp tác toàn diện đã ký kết với Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, vào tháng 7/2012 VietinBank đã ký cam kết cấp giới hạn tín dụng gần 1.180 tỷ cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả để thực hiện các hạng mục thuộc Dự án hầm Đèo Cả.

Theo hợp đồng tín dụng ký giữa VietinBank Ba Đình và Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, VietinBank tiếp tục cấp giới hạn tín dụng 2.003 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km1374+525 đến Km1392 và Km1405 đến Km 1425 tỉnh Khánh Hòa; Thời hạn cho vay là 13 năm, thời gian hoàn vốn dự án đầu tư là 21 năm 8 tháng. Dự án được thực hiện tại huyện Vạn Ninh và TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Cũng trong năm 2013, VietinBank và Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng ký kết hợp đồng tín dụng dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Km 1720+800 (Bình Thuận) đến 1851+714 (Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.085 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Hợp đồng tín dụng giữa VietinBank và Tổng công ty 319 có giá trị 1.450 tỷ đồng, Ngân hàng cam kết cho vay tối đa 80% tổng mức đầu tư thực tế trước thuế của dự án. Thời gian cho vay là 14 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Tháng 3/2020 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết đã thực hiện giải ngân món vay đầu tiên nhằm thanh toán cho 4 gói thầu tại Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 9/3/2020. Ngân hàng dự kiến sẽ giải ngân khoảng 2.000 tỉ đồng cho dự án thông qua các gói thầu đủ điều kiện.

BOT khó thu hồi vốn, ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro

Bộ GTVT cho biết, tính đến ngày 22/4/2020, 58/60 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT có doanh thu thực tế thấp hơn so với mức đưa ra trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án chưa đạt 50% so với doanh thu đề ra.

Bộ GTVT mới đây kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT hạ tầng giao thông chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT hạ tầng giao thông chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng gỡ thế khó cho chính Bộ này bằng cách cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT giao thông, giảm lãi vay…

Hiện các doanh nghiệp đang thiếu nguồn trả nợ, nếu phải bù thêm kinh phí để trả nợ đúng kế hoạch cho các ngân hàng trong khi doanh thu thực tế quá thấp thì doanh nghiệp rất khó khăn, không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình dự án, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng...

Việc nhiều dự án BOT “vỡ kế hoạch tài chính” đã khiến hàng loạt ngân hàng thương mại như “ngồi trên đống lửa”, trong đó có Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam – VietinBank.

Đơn cử như Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác hợp phần đường vành đai phía Tây từ tháng 12/2019 và chiểu theo Hợp đồng BOT số 11/HĐ.BOT - BGTVT ngày 20/10/2016, nhà đầu tư được quyền sử dụng trạm thu phí tại Km 286+397, Quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn.

Tuy nhiên, sau rất nhiều văn bản kiến nghị, đến thời điểm này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa thể chốt phương án thu phí, trong khi nhà đầu tư đã và đang bắt đầu phải trả gốc và lãi vay cho ngân hàng tài trợ vốn”, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho biết.

Khó khăn đối với nhà đầu tư này càng nặng nề hơn, bởi sau hơn 2,5 năm kể từ khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tạm dừng thu phí đối với tuyến tránh phía Đông - hạng mục gốc của Dự án, việc thu phí tại trạm Km 286+397, Quốc lộ 1 vẫn chưa thể được nối lại. Gánh nặng nợ nần này đã quá sức chịu đựng của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai.

Đây là công trình do Tổng công ty 36 - CTCP là nhà đầu tư, Công ty TNHH BOT 36.71 đóng vai trò là doanh nghiệp dự án. Đơn vị thực hiện chức năng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý dự án 5 và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong giai đoạn khai thác.

Nhiều dự án BOT đi vào khai thác nhưng doanh thu không đạt so với kế hoạch tài chính. Ảnh minh họa.

Dự án được nghiệm thu cơ sở, đưa vào khai thác, sử dụng tháng 4/2016. Đáng lo ngại là số thu thực tế tại dự án không đủ để trả lãi ngân hàng. Trái với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn, doanh thu thu phí tại dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%).

Do doanh thu không đủ trả nợ gốc và lãi ngân hàng, nên tính từ ngày 1/6/2016 - thời điểm dự án thu phí hoàn vốn, cho đến ngày 30/9/2018, Tổng công ty 36 (công ty mẹ) đã phải bù hơn 91 tỷ đồng tiền thiếu hụt cho doanh nghiệp dự án là Công ty BOT 36.71 để trả lãi ngân hàng. Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong năm 2015 - 2016 lên tới 44,6 tỷ đồng, gánh nặng tài chính mà Tổng công ty 36 đang phải gánh lên tới 135,6 tỷ đồng, tương đương 13% tổng mức đầu tư dự án.

Vào giữa tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VietinBank được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36.

Đây là khoản tín dụng trị giá 995 tỷ đồng mà VietinBank đã giải ngân cho Tổng công ty 36 để thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19 trong giai đoạn 2013 - 2015.

Tuy nhiên, việc số thu thực tế tại dự án không đủ để trả gốc và lãi ngân hàng, khoản tiền đã giải ngân của VietinBank khó có thể tiếp tục được giữ nguyên nhóm nợ.

Như vậy, rõ ràng việc các dự án BOT không thể thu hồi vốn không chỉ do ảnh hưởng từ dịch bệnh mà còn có nhiều nguyên nhân khác.

Đồng thời, việc ngân hàng phải đứng trước rủi ro khó thu hồi vốn cũng có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.

Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh từng cho biết trong quá trình giám sát đã phát hiện một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng cho vay vượt quá 15% vốn tự có, công tác thẩm định khoản vay chưa đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có nhà băng vi phạm về thẩm định xét duyệt cho vay và vi phạm về hồ sơ vay vốn.

Đứng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu từ các dự án BOT, các nhà đầu tư, cổ đông tại VietinBank đang rất mong mỏi phương án mang tính chiến lược đối mặt với nguy cơ và định hướng xử lý nếu phát sinh nợ xấu đến từ lãnh đạo nhà băng này.

Được biết trước đó, ngân hàng này đã triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, năm 2019, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 1,2% (tỷ lệ nợ xấu 2018: 1,59%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 128% (tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2018: 93,6%). Lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11,5 ngàn tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch và tăng 83% so với năm 2018, hiệu quả sinh lời cải thiện tích cực. 

Bạn đang đọc bài viết Điểm qua những dự án BOT được VietinBank giải ngân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới