Thứ sáu, 29/03/2024 02:41 (GMT+7)

Nền kinh tế xanh trong thế kỷ mới cho phát triển bền vững

TS Nguyễn Xuân Vượng -  Thứ sáu, 03/07/2020 14:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội

Thế giới đang chuẩn bị bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, mặc dù kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng các mô hình phát triển kinh tế vẫn chủ đạo theo mô hình "kinh tế nâu”. Đó là nền kinh tế khai thác và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn để lại những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm biển và đại dương, suy thoái đất trồng nông lâm nghiệp, giảm thiểu diện tích rừng tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học... 

Phương thức phát triển của xã hội loài người trong quá trình vận hành đã phát thải quá nhiều khí như CO2, SO2, CH4… gây hiệu ứng nhà kính. Đây chính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu đe dọa cuộc sống an lành của con người, để lại những tổn thất kinh tế không thể tính đếm hết được. Nguy cơ sự sống bị huỷ diệt trên hành tinh này là sự thật hiện hữu.

Ở Việt Nam, do tác động của con người và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chúng ta đang phải hứng chịu những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên. Sạt lở rừng, lũ quét ở hầu khắp các tỉnh miền núi do nạn phá rừng đầu nguồn xảy ra trong một thời gian dài. Các đập thuỷ điện phát triển không có sự tính toán đồng bộ dẫn đến hậu quả hạn hán kéo dài ở hầu hết các vùng đồng bằng châu thổ. Vấn đề nước thải, rác thải thời gian qua đã để lại những bài học đắt giá do ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng ngập mặn do nước biển dâng cao dưới tác động của biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên hàng năm...

Nhằm thay đổi tình trạng này, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra một hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế, được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng, đó là mục tiêu phát triển “nền kinh tế xanh” (Green Economy).

Vậy Kinh tế xanh là gì?

Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm.

Một nền kinh tế xanh với những khu công nghiệp xanh ít khói bụi, sử dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường, những vành đai xanh, những khu du lịch sinh thái quy mô nhằm thiết lập lại hệ sinh thái cân bằng đang là xu hướng phát triển chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ ở xuất phát điểm, nhưng với lợi thế của nước đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.  

Mô hình kinh tế xanh. Ảnh: Internet

Kể từ năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế). Quá trình và kết quả nghiên cứu đó đã được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết, tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới và bước đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững. Mục tiêu của nền kinh tế xanh được triển khai trên ba lĩnh vực: Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ.

Trong lĩnh vực công nghiệp, việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được nhiều nước, nhất là các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng phát triển công nghiệp xanh, các nước đang tập trung phát triển nhiên liệu biogas. Nhiên liệu biogas là năng lượng tái tạo từ các chất hữu cơ, chất thải chăn nuôi, bùn thải, có thể thay thế điện hay các nhiên liệu đốt trong để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất mà không gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một nghiên cứu ứng dụng khả thi, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường.

Những thập kỷ gần đây, vấn đề tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường cùng những quy định khắt khe về khí thải đã khiến ngành công nghiệp ô tô đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để sản xuất được động cơ giá thành rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo tính năng vận hành? Động cơ điện, năng lượng mặt trời, đã được phát minh, tuy đây là nguồn năng lượng sạch nhưng lại rất khó ứng dụng. Và động cơ hybrid ra đời đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Tuy động cơ hybrid chưa hoàn toàn “sạch” nhưng động cơ này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhân loại. Những chiếc xe ô tô hybrid sử dụng động cơ tổ hợp gồm 1 động cơ điện kết hợp với 1 động cơ đốt trong đã được nghiên cứu sản xuất cho ra thị trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.

Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, con người với con người, con người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp xanh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng gia tăng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch triển khai ngày càng đưa ra nhiều chương trình du lịch “xanh”, trong khi các chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững. Một trong những tiêu chí hàng đầu của du lịch xanh được đưa ra là “Dịch vụ du lịch kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên”.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam ngày nay đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển vẫn còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai “nền kinh tế xanh”. Thực tế cho thấy cơ chế chính sách thực hiện “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.

"Kinh tế xanh” cho đến nay vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và trong nhân dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, mong muốn do vậy sẽ khó thực hiện.

Được sự đồng ý của các tác giả, bài viết có sự tham khảo từ Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (tài liệu dịch của UNEP) (2011), Báo cáo tổng hợp phục vụ các nhà hoạch định chính sách. Nhà xuất bản nông nghiệp; TS. Trần Thị Hương - Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.32.

Ngoài ra có sự tham khảo từ TS.Trần Thị Thu Hoài, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia HN, Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam tại Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2019.

Bạn đang đọc bài viết Nền kinh tế xanh trong thế kỷ mới cho phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.