Thứ tư, 24/04/2024 23:57 (GMT+7)

Taxi Mai Linh 'cầu cứu' Nhà nước vì nợ nần, BHXH Việt Nam nói gì?

MTĐT -  Thứ năm, 18/01/2018 14:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ.

Liên quan đến việc Tập đoàn Mai Linh nộp đơn “kêu cứu” vì làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần chồng chất, ngày 18/1, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, cơ quan bảo hiểm đã nhận được kiến nghị của doanh nghiệp này.

Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

Trong quá trình trả nợ gốc, Mai Linh đề nghị BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì BHXH Việt Nam chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ theo quy định tại khoản 7 điều 10 luật BHXH năm 2014.

Trước đó, Tập đoàn Mai Linh đã có văn bản "cầu cứu" Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bảo hiểm Việt Nam không có quyền khoanh nợ.

Trong đơn cầu cứu của mình, Mai Linh cho biết, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, nên doanh nghiệp này đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.

“Tuy nhiên, Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab…”, trích văn bản Mai Linh gửi đến các cơ quan chức năng.

Mai Linh khẳng định, dù đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động, tuy nhiên, công ty chưa đảm bảo được tài chính để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hằng ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.

Và cho biết, tính đến tháng 10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 180 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc hơn 105 tỉ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỉ đồng.

Trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Taxi Mai Linh 'cầu cứu' Nhà nước vì nợ nần, BHXH Việt Nam nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.