Thứ sáu, 29/03/2024 13:23 (GMT+7)

“Sa lầy” DA tỉ đô Cát Bà Amatina, Vinaconex-ITC chưa thoát thua lỗ

MTĐT -  Thứ sáu, 19/07/2019 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hết quý 2/2019, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC, mã: VCR) vẫn ghi nhận lỗ do không có doanh thu mà chi phí hoạt động và lãi vay cao...

Điều lạ là cổ phiếu VCR lại “lội ngược dòng” khi tăng gấp 8,27 lần, làm dấy lên nghi vấn có “làm giá” chứng khoán không?

Theo báo cáo tài chính quý 2/2019, Vinaconex – ITC không phát sinh doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Hoạt động tài chính ghi nhận doanh thu chỉ đạt 53,77 triệu đồng, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, công ty vẫn phải duy trì các chi phí vận hành, chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến hơn 2 tỷ đồng trong quý 2, tăng gấp 17.8% so với cùng kỳ năm 2018.

Do đó, quý 2 công ty bị lỗ hơn 1,95 tỉ đồng, nâng số lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm nay lên mức hơn 3,67 tỉ đồng. Nhưng tình hình thua lỗ đã được cải thiện giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tích cực.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, tại thời điểm 30/6/2019, tài sản ngắn hạn của Vinaconex - ITC bất ngờ tăng vọt lên tới 183,61 tỉ đồng, gấp 5,7 lần so với hồi đầu năm nay. Trong đó, chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền chiếm tới 153,29 tỉ đồng, còn lại là các khoản phải thu ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, nợ ngắn hạn của Vinaconex - ITC đến cuối quý 2 tăng lên tới 595,62 tỉ đồng, chủ yếu bao gồm các khoản phải trả ngắn hạn khác (301,65 tỉ đồng) và khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn (161,81 tỉ đồng). Như vậy, so với các khoản nợ ngắn hạn, tài sản ngắn hạn của Vinaconex - ITC thấp hơn khá nhiều (chỉ bằng 30,8%), cho thấy công ty có thể đang rơi vào tình trạng mất cân đối trong việc thanh khoản trước mắt.

Vinaconex - ITC vẫn dở dang giấc mơ dự án tỉ đô tại đảo Cát Bà, Hải Phòng do đói vốn.

Năm 2017 – 2018, Vinaconex – ITC liên tục báo lỗ lần lượt 15,8 tỉ đồng và 11 tỉ đồng, chủ yếu do nặng gánh chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong khi, doanh thu ở mức rất thấp không đủ để đảm bảo hoạt động.

Thế nhưng, bất chấp tình hình kinh doanh bết bát suốt nhiều năm qua, trong tháng 6 vừa qua cổ phiếu VCR bất ngờ “dậy sóng” trên sàn chứng khoán. Sau nhiều năm nằm ở vùng đáy 4.000 đồng/CP, gần như không có giao dịch, thì từ tháng 5/2019 đến nay, VCR đã phi một mạnh lên đỉnh 33.000 đồng/CP vào phiên ngày 21/6/2019, tăng rất mạnh gấp 8,25 lần. Nhưng sau đó, VCR lại quay đầu “đổ đèo” giảm mạnh với nhiều phiên giảm sàn liên tiếp, hiện chỉ còn giao dịch ở mức 21.700 đồng/CP.

Diễn biến lạ của cổ phiếu VCR trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ, dự án trì trệ “ngủ đông” hơn chục năm qua, được cho là có dấu hiệu “làm giá” chứng khoán để thu lời.

Từ năm 2009 Vinaconex – ITC đã đầu tư vào dự án Cát Bà Amatina (đảo Cát Bà, Hải Phòng) với quy mô lên tới 172,2748 ha, kỳ vọng hình thành nên một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Theo công bố, dự án này sẽ có 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, 1 trung tâm hội nghị quốc tế, 1 khu thương mại dịch vụ quốc tế, 1 khu thể dục thể thao, các khu dịch vụ giải trí đa chức năng và 6 khách sạn 5 sao…

Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh khó khăn, thiếu hụt nguồn vốn đầu tư nên Vinaconex – ITC đành dang dở giấc mơ dự án tỉ đô ở đảo Cát Bà. Cho đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa có bất kỳ động thái “hồi sinh” dự án chết.

Cổ phiếu VCR tăng gấp 8,27 lần từ vùng đáy bất chấp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Được biết, năm 2013 công ty bắt đầu ghi nhận thua lỗ với số lợi nhuận sau thuế năm 2013 bị âm 35,1 tỉ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu do chi phí lãi vay và bảo lãnh để đầu tư vào dự án Cát Bà Amatina.

Năm 2013, công ty đã chào bán khách sạn Holiday View tại đảo Cát Bà để có tiền trang trải nợ nần, khó khăn tài chính song không thành công. Đến năm 2014, Vinaconex- ITC phải thế chấp khách sạn Holiday View để vay vốn duy trì hoạt động của khách sạn, xây dựng biệt thự để trả vốn cho nhiều khách hàng và giải toả bảo lãnh cho Tổng công ty Vinaconex.

Ngoài ra, do không xoay sở được tài chính nên công ty cũng phải xin UBND TP Hải Phòng cho phép giãn tiến độ đóng tiền sử dụng đất và giãn tiến độ thực hiện dự án Cát Bà Amatina đến năm 2020.

Tình hình kinh doanh bết bát và “sa lầy” tại dự án Cát Bà Amatina đã khiến nhiều cổ đông rầu lòng vì suốt 7 năm qua công ty không chia cổ tức.

Lời hứa chi trả cổ tức của năm 2010 với tỷ lệ là 15% bằng tiền mặt vào ngày 29/06/2012 của lãnh đạo Vinaconex - ITC đến nay vẫn chưa thực hiện và liên tục bị trì hoãn với lý do công ty chưa cân đối được nguồn vốn, hoặc đang có nhu cầu đầu tư mới. Gần đây nhất, Vinaconex - ITC lại thông báo ngày thanh toán cổ tức năm 2010 sớm nhất là vào năm 2020, nhưng cổ đông tiếp tục hoài nghi “lời hứa gió bay” của lãnh đạo công ty này.

Vinaconex – ITC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là: Vinaconex (53,33% vốn điều lệ); CTCP Chứng khoán Agriseco (10,67%) và Ngân hàng Eximbank (10%). Ngành nghề kinh doanh gồm: du lịch, dịch vụ du lịch; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, khu đô thị, khu công nghiệp; kinh doanh bất động sản...

Bạn đang đọc bài viết “Sa lầy” DA tỉ đô Cát Bà Amatina, Vinaconex-ITC chưa thoát thua lỗ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Anh Thư

Cùng chuyên mục

Tin mới