Thứ năm, 18/04/2024 10:38 (GMT+7)

Đưa khoa học vào giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

MTĐT -  Thứ hai, 18/05/2020 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự phối hợp cũng như những hoạt động chuyển giao khoa học giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, song khâu thương mại hóa vẫn còn yếu, chưa hiệu quả.

Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã ghi rõ; “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ: làm cho khoa học và công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành các cấp”.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với quốc gia.

Tại đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nội dung hoạt động KH&CN đã được chỉ ra khoa học và công nghệ cần tập trung:

(1) Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức;

(2) Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp: khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới công nghệ;

(3) Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đồng thời hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ.

(4) Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi có nhiều đóng góp.

Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Là sản phẩm sáng tạo của đầu óc con người nhưng khoa học không bao giờ có mục đích “tự thân” mà luôn xuất phát từ sản xuất và trở lại phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất của lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân và bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Khoa học có nhiệm vụ cải tiến tình trạng lạc hậu đưa dân tộc ta tiến tới sự văn minh và tiến bộ, đưa nhân dân ta tiến tới sự ấm no và hạnh phúc. Muốn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là “cảm hứng dân tộc”, những người làm khoa học không được phép “nhốt mình” trong tháp ngà mà phải chịu khó đi xuống cơ sở, gần gũi với nhân dân để hiểu rõ yêu cầu của thực tiễn đất nước và dùng chính thực tiễn để kiểm định kết quả nghiên cứu, sáng tạo của mình theo nguyên tắc lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ con người”.

Từ những nhận thức trên, nhiều nhà khoa học đã đề xuất với các nhà quản lý những yêu cầu để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Tập trung vào các vấn đề sau:

- Quy chế quản lý tài chính phải phù hợp hơn, hiệu quả hơn, phải khoán gọn trong nghiên cứu khoa học.

- Phải xem đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển.

- Nghiên cứu khoa học phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường phục vụ thị trường.

- Sản phẩm, chất lượng của khoa học và công nghệ phải được thị trường đánh giá và quyết định.

- Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, không nên đầu tư dàn trải mà phải tập trung vào lĩnh vực cần thiết, thiết thực và tập trung cho công nghệ cao, bảo đảm tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghệ hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi khu vực toàn cầu.

- Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Các hướng công nghệ mới và cao sau đây phải được coi là chủ yếu đối với các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, triển khai sản xuất của chiến lược phát triển công nghệ cao Hà Nội.

+ Công nghệ điện tử, tin học, viễn thông, tự động hóa.

+ Công nghệ sinh học hiện đại

+ Các công nghệ vật liệu mới

- Đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc cần khẩn trương thu hút đầu tư, tập trung triển khai xây dựng hình thành:

+ Các đơn vị nghiên cứu triển khai và đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao.

+ Các xí nghiệp công nghệ cao ở quy mô vừa và nhỏ dưới hình thức đầu tư trực tiếp của nước ngoài, liên doanh song phương, đa phương với các đối tác trong và ngoài nước.

+ Các tổ chức dịch vụ khoa học – kỹ thuật nhằm phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển sản phẩm, chế thử, sản xuất và kinh doanh công nghệ cao.

+ Các dịch vụ cơ bản và chuyên môn hóa ở trình độ quốc tế và tiếp thị, viễn thông, thông tin tư liệu, tư vấn pháp lý và kỹ thuật, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kiểm tra, thử nghiệm, thiết kế, dịch vụ sinh hoạt, nhà ở, khách sạn, câu lạc bộ, bệnh viện... phải được ưu tiên tạo dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay từ đầu.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Những kết nối hiệu quả

Là trường đi đầu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế, thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng như thế giới, như: Tập đoàn Sun MicroSystems, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng quản lý nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Trường đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trở thành những sản phẩm hàng hóa, nhất là những sản phẩm công nghệ lỗi”.

Tương tự Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là cơ sở thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2018 có 74 công nghệ của 12 đơn vị trực thuộc của Viện sẵn sang chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Đến nay, các đơn vị đã chuyển giao thành công 11 công nghệ cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất, kinh doanh. “Thời gian qua, nhiều công ty sản xuất dược, mỹ phẩm đã sử dụng nano bạc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất các loại sản phẩm cung cấp cho thị trường”. Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh cho biết.

Về phía doanh nghiệp, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Xí nghiệp 197, Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (quận Nam Từ Liêm) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã chủ động phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất khẩu trang nano bạc 3 lớp DrFresh. “Chúng tôi đã hợp tác để cùng nhau đưa ra những giải pháp tối ưu, nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thụy nói.

Là doanh nghiệp chuyên ứng dụng vật liệu mới vào các lĩnh vực của đời sống, Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng) cho biết, công ty đã phối hợp với Viện Hóa học (Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất các loại úi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải, quy mô 300kg/h, sản xuất Polyme siêu hấp thụ SAMS – 1 có tác dụng dữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát tri chển của cây, nghiên cứu chế tạo và ứng dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)  để bảo quản rau quả thu hoạch… “Sự hợp tác này đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các các sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm bao bì tự hủy sinh học của công ty được các hệ thống siêu thị lớn đặt hàng” Thạc sỹ Nguyễn Thị Liên Phương thông tin.

Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Nhưng hiện vẫn không nhiều kết quả nghiên cứu của các cơ sở này đến được với doanh nghiệp, trở thành hàng hóa. Để tương xứng với tiềm năng, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, rất cần chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và hỗ trợ triển khái kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống sản xuất, kinh doanh.

Cần hành lang pháp lý và mối quan hệ tốt hơn. Mặc dù, sự phối hợp cũng như những hoạt động chuyển giao khoa học giữa các trương đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, song khâu thương mại hóa vẫn còn yếu, chưa đạt được hiệu quả, vẫn còn hạn chế.

Lý giải nguyên nhân tình trạng trê, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh cho rằng, một phần là do các nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa, nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, một phần do môi trường kết nối dữa doanh nghiệp và nhà sáng chế còn nhiều hạn chế… Chung quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện ở nước ta , các nhà khoa học tự mày mò, tìm cách quảng bá, tiếp xúc, mong có cơ hội ứng dụng, vì chưa có cơ chế cũng như tổ chức nào đứng ra làm công việc này.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, để khoa học thực sự trở thành động lực và là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, nhất là từ doanh nghiệp. Đồng thời, phải tăng cường liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ trường, viện thành hàng hóa.

“Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu đến với các doanh nghiệp, phải phát triển đồng đều các yếu tố của thị trường khoa học và công nghệ hoàn thiện hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào thị trường này. Bổ sung và tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường khoa học, công nghệ để các doanh nghiệp, nhà khoa học có thể tiếp cận, tra cứu thông tin của nhau…”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao năng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu của nền kinh tế, việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa là hết sức cần thiết.

Do đó, mấu chốt nhất của vấn đề là chúng ta phải tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hơn nữa sự liên kết hợp tác hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Trong đó phải đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi biến kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó là bổ sung những chính sách khuyến khích đủ mạnh nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để giải quyết những “bài toán” mà doanh nghiệp đặt ra. Như vậy, những nghiên cứu khoa học mới thật sự mang tính khả thi cao, phát huy hiệu quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống trong thời gian nhanh nhất.

Về phía các trường đại học, viện nghiên cứu, để có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng chế theo hướng ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như: Được chia sẻ lợi ích tương xứng từ việc tạo ra các dự án, đề tài nghiên cứu; được trích phần trăm kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Đặc biệt, các trường, viện cần nâng cao tính chủ đọng trong việc tìm đối tác, kết nối hiệu quả hơn nữa với doanh nghiệp. Có như vậy, mới đảm bảo những kết quả nghiên cứu không bị rơi vào cảnh “xếp ngăn kéo” vẫn tồn tại bấy lâu nay.

Về phía các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cần bám sát nhu cầu của thị trường, triển khai các đề tài đáp ứng “đặt hàng” của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường, bản thân các nhà khoa học cũng cần chủ động hơn, tự “chào hàng”, thậm chí có thể định hướng thị trường cho doanh nghiệp, đồng thời phải tăng khả năng thuyết trình về sản phẩm, để nhà đầu tư thấy được lợi ích, cũng như khả năng thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thị trường khoa học và công nghệ, tổ chức những hoạt động đối thoại giữa đại diện cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tìm tiếng nói chung trong việc tạo ra công trình chất lượng, có khả năng ứng dụng cao. Hoạt động này cũng sẽ giúp sợi dây liên kết, hợp tác giữa các bên thêm bền chặt, gắn kết với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Sử dụng “Dự án công nghệ tương lai”, các công nghệ chiến lược, mà là những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng trong tương lai, sẽ được phát triển. Các nguồn lực đầu tư cho R&D sẽ được phân bổ dựa trên tầm quan trọng của các công nghệ chiến lược này. Thêm vào đó, Việt Nam phải có được bí quyết về các công nghệ tiên tiến nhất hiện có, và việc triển khai các dự án R&D bằng việc khuyến khích tham gia của các công ty và viện nghiên cứu nước ngoài vào các dự án R&D của quốc gia.

Cần phải xây dựng hệ thống quản lý và đánh giá việc R&D một cách công bằng và khách quan, sao cho Việt Nam có thể tiến hành chuyển từ việc “R&D định hướng bắt chước” sang việc “R&D sáng tạo”.

Cần phải tạo ra một môi trường đánh giá công bằng có thể nâng cao tính hiệu quả và sự tin cậy của việc đánh giá. Điều này có thể thực hiện bằng cách mở rộng sự tham gia của các ngành vào quá trình chọn lọc những nhiệm vụ R&D.

Khoa học và công nghệ cần quan tâm đến địa chỉ ứng dụng, muốn vậy phải tăng cường hình thức đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Thực hiện hình thức khoán gọn trong nghiên cứu khoa học. Phải đối xử công bằng với các thành phần kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả tư nhân), có nghiên cứu đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm mới.

Cần phải tăng cường chức năng chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, và cải tiến những khuyến khích đối với việc áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực thực hành. Đồng thời, cần phải mở rộng các dự án chuyển giao công nghệ đối với các SME có nhiều đổi mới và đặt cơ sở cho việc xúc tiến chức năng của thị trường công nghệ.

Để mở rộng trao đổi tri thức giữa ngành công nghiệp, viện hàn lâm và các viện nghiên cứu, hệ thống cộng tác giữa ba trụ cột này trong hệ thống đổi mới cần phải được củng cố. Để đạt được mục đích này, các khoản đầu tư R&D của Chính phủ cho các dự án nghiên cứu chung cần phải được mở rộng, và việc trao đổi giữa những nhà nghiên cứu phải được phát triển để làm tăng sự luân chuyển tri thức.

Chính phủ phải xây dựng một môi trường tri thức thân thiện để khuyến khích đổi mới công nghệ trong khu vực tư nhân, sắp xếp lại hệ thống hỗ trợ bằng thuế tránh trùng lặp, và cuối cùng là cải tiến các hệ thống thuế và tài chính để tạo ra nhiều nhu cầu hơn về các sản phẩm sử dụng các công nghệ mới.

Chiến lược tiêu chuẩn hóa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế: bên cạnh những tiêu chuẩn kỹ thuật, như các tiêu chuẩn về sản phẩm và các tiêu chuẩn về đo lường, Chính phủ cần phải chú ý sát sao đến những xu hướng trong các lĩnh vực như bàn luận về việc tiêu chuẩn hóa quốc tế hệ thống chứng nhận kỹ thuật, giáo dục kỹ sư, cấp bằng sáng chế và đưa ra những phản ứng đáp lại phù hợp với những xu hướng này.

Chính phủ phải đảm bảo hỗ trợ cho các chuyên gia tri thức Việt Nam sao cho họ có thể đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế xử lý các vấn đề tiêu chuẩn hóa. Chính phủ phải xây dựng một “Kế hoạch cơ bản về tiêu chuẩn quốc gia” để triển khai và quản lý một loạt các vấn đề khác nhau liên quan đến việc tiêu chuẩn hóa. Để tiếp tục phát huy vai trò của tri thức cần:

- Nâng cao trách nhiệm xã hội của đội ngũ tri thức với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ tri thức ở các lĩnh vực còn thiếu hụt, tập trung đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo lại và tổ chức các lớp tập huấn cho một số cán bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đánh giá tổng thể việc xây dựng và quản lý nhân lực tri thức trên địa bàn cả nước.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh tri thức, tích cực kêu gọi, thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài về tham gia xây dựng quê hương, có chế độ và khuyến khích mạnh mẽ hơn việc sử dụng nguồn trí tuệ dồi dào của các trí thức đã nghỉ hưu; tăng cường hợp tác quốc tế; tạo điều kiện để tri thức trong nước được giao lưu, học tập và làm việc ở các trung tâm khoa học, văn hóa tiên tiến trên thế giới.

- Tạo môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh để nâng cao hiệu quả cống hiến của đội ngũ trí thức; khắc phục tình trạng hành chính hóa, thiếu công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng những trung tâm khoa học, công nghệ lớn của đất nước; đổi mới giáo dục, đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội khoa học – kỹ thuật, Hội văn học – nghệ thuật Việt Nam ở Trung ương và địa phương.

Đồng thời phải đẩy mạnh hoạt động của khu công nghệ cao. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút lực lượng khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu, các trường đại học, hợp tác tại chỗ với nhau và với các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài để nghiên cứu, tiếp thu, thích nghi cải tiến các công nghệ mới, chuyển giao trực tiếp cho sản xuất; từng bước góp phần nâng cao năng lực công nghiệp nội sinh của Hà Nội và cả nước.

Ươm tạo các công nghệ mới, hỗ trợ các xí nghiệp công nghệ cao trong nước mới được thành lập còn non nớt về các mặt tư vấn, cơ sở kỹ thuật, tài chính.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ hiện đại để công nghệ phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đặc chủng (khối lượng nhỏ, hàm lượng trí tuệ cao), đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển nền kinh tế tri thức, phát huy vai trò đầu mối liên hệ với hệ thống công nghiệp, công nghệ cao quốc tế thông qua việc tham gia vào các mạng lưới cung cấp thiết bị và nguyên liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm ở khu vực và thế giới.

Đất đai, lao động và vốn cách đây không lâu đã từng là các yếu tố sản xuất chính. Những yếu tố này đã là chìa khóa để tạo ra của cải và đã được theo đuổi một cách mạnh mẽ và hăm hở. Nhưng trong những năm gần đây, trí thức lại có khả năng sinh lợi tiềm tàng và tác động lớn đối với người dân, xã hội, giới kinh doanh cũng như Chính phủ. Công nghệ được phát triển nhanh chóng, được sử dụng và lan truyền có hiệu quả sẽ tạo ra nhiều lợi ích mà ở thiên niên kỷ trước, loài người không thể tưởng tượng nổi, chứ chưa nói đến khả năng hưởng thụ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Đưa khoa học vào giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.