Thứ bảy, 20/04/2024 08:43 (GMT+7)

Công ty nước sạch sông Đà và hàng loạt sự cố đầy tai tiếng

MTĐT -  Thứ sáu, 18/10/2019 14:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước sự cố nước sinh hoạt bị nhiễm dầu, Công ty nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình khi để xảy ra vỡ ống nước đến 22 lần.

Những ngày này, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội đang khốn khổ với tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, váng dầu, mùi khét lẹt.

Từ ngày 10/10, một số khu dân cư phía Nam Hà Nội phát hiện nước sạch do Sông Đà cung cấp có mùi clo khử trùng nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen và khét. Mặc dù vậy, sau sự cố, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.

Theo kết quả xác minh, TP. Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.

UBND TP. Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố.

Trước sự việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, gửi các bộ Công an, Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) một lần nữa được người dân nhắc đến nhiều lần kèm theo nỗi bức xúc.

Trước đó, nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình. Chỉ trong giai đoạn 2012-2016, Viwasupco lao đao khi đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần và đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của 177.000 hộ dân. Với việc để xảy ra nhiều lần vỡ đường ống nước, cộng với việc dùng ống nhựa chất lượng thấp đã khiến ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố.

Ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà, cựu Chủ tịch Viwasupco đã bị tuyên án 24 tháng tù.

Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà từng nhiều lần khiến cuộc sống người dân Thủ đô đảo lộn.

Mặc dù vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà vẫn thu được mức lợi nhuận mà bất kỳ đơn vị kinh doanh nào cũng mơ ước.

Theo đó, năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đã đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Theo kết quả kinh doanh của công ty này, trong 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126,5 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ. Như vậy, với mức này, bình quân mỗi ngày, công ty nước sạch này lãi hơn 700 triệu đồng.

Lý giải về mức lợi nhuận trên, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cho biết, lợi nhuận sau thuế thu nhập của Công ty tăng 31% so với cùng kỳ phần lớn là do nhu cầu khách hàng sử dụng nước tăng cao, dẫn đến sản lượng nước bán ra tại đơn vị tăng 20,12% (tương đương 8.419.479 m3 nước sạch), doanh thu bán nước sạch tăng 24,4% (tương đương tăng 48,2 tỷ đồng). Chi phí lãi vay giảm 90,9%, tương ứng gần 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.

Tính đến ngày 30/6/2019, Viwasupco có 1.477 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 1/1/2019. Vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 1.023 tỷ đồng vào cuối tháng 6.

Theo Zing, danh sách cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà gồm nhiều doanh nghiệp nổi tiếng. Trong đó, Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nắm giữ nhiều nhất với 45.348.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 60,46%. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng đang nắm 29.960.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 35,95%. Các cổ đông khác sở hữu 3,59% số cổ phần còn lại.

Như vậy, Gelex đang là chủ sở hữu lớn nhất, có quyền chi phối của Nước sạch Sông Đà.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà hiện đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà về Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Doanh nghiệp này ban đầu thuộc sở hữu của Vinaconex. Năm 2017, Vinaconex thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà và bán toàn bộ cổ phần. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái và REE tham gia cuộc đua mua lại cổ phần.

Đầu tư vào Nước sạch Sông Đà được coi là một kênh “béo bở” đối với Gelex. Doanh nghiệp này hiện là đầu mối cấp nước độc quyền cho toàn bộ khu vực phía tây nam Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông. Doanh nghiệp này cũng sở hữu hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Nhờ hoạt động này, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Mảng kinh doanh nước sạch của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch khác ở TP.HCM như nhà máy Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với biên lãi gộp dưới 40%/năm.

Trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Nước sạch Sông Đà đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Riêng năm 2018, công ty này ghi nhận 219 tỷ đồng lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Công ty nước sạch sông Đà và hàng loạt sự cố đầy tai tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...