Thứ tư, 24/04/2024 15:42 (GMT+7)

Các nhà kinh tế lo lắng hơn là vui khi kinh tế tăng trưởng

MTĐT -  Thứ sáu, 12/07/2019 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu không quan tâm thỏa đáng vấn đề chống lẩn tránh, gian lận thương mại thì ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hội nhập kinh tế.

“Chúng ta hội nhập sâu tham gia rất nhiều hiệp định tự do (FTA) nên doanh nghiệp nội có nhiều lợi thế và thâm nhập thị trường, hưởng thuế quan ưu đãi. Nhưng điều này cũng khiến nhiều đối thủ không tham gia FTA sẽ tìm cách tận dụng chúng ta để hưởng ưu đãi. Trong khi đó, các đối tác nhập khẩu sẽ soi chúng ta khắt khe hơn. Nếu không quan tâm thỏa đáng vấn đề chống lẩn tránh, gian lận thương mại thì ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hội nhập kinh tế.” Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Đó là tâm trạng của không ít cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu của ngành công thương khi dự hội nghị triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, diễn ra ngày 9/7, tại Hà Nội.

Dẫn số liệu từ phía Mỹ, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho hay một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong quý 1 và 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng nóng, thậm chí không ít ngành hàng tăng trên 30%. “Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay thì tăng trưởng như vậy làm tôi lo nhiều hơn vui. Rất cần lưu tâm xem trong số đó có thật là hàng Việt Nam cả hay gian lận, lẩn tránh làm giả C/O để hưởng lợi lớn từ xuất xứ”.

Đầu tháng 7 vừa qua, Mỹ công bố sẽ áp thuế hơn 450% với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sau khi kết luận hai loại thép này sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là cú sốc lớn với ngành thép Việt Nam dù đã được cảnh báo từ lâu.

Nhưng không chỉ có hai sản phẩm trên, nhiều hàng hóa từ Việt Nam cũng đang được đưa vào tầm ngắm để điều tra chống lẩn tránh thuế bởi nguy cơ gia tăng nhập khẩu vào Mỹ song song với hàng từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Trong đó, mặt hàng gỗ dán và gỗ ép được nhắc đến nhiều nhất. Từ tháng 1 - 5/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 4,02 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang Mỹ với trị giá 1,84 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc từ tháng 1 - 5/2019 trị giá 202,5 triệu USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2019: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo ước đạt 6,88%. Ảnh minh họa.. Nguồn: Internet

Do Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, từ phôi thép, thủy sản, nguyên vật liệu da giày… nên nếu không có một quy trình quản lý chặt chẽ, chia sẻ thông tin với các đối tác thì nguy cơ nhiều mặt hàng bị áp thuế cao và chịu trừng phạt. Đặc biệt, chúng ta cần phải cảnh giác với Trung Quốc, họ muốn tránh bị áp thuế của Mỹ nên ra sức ép Việt Nam nhận đầu tư để hàng hóa của Trung Quốc được mang nhãn hiệu “made in Việt Nam”. Vì vậy chúng ta cần cảnh giác với đầu tư của Trung Quốc.

Nguy cơ “lây lan”
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định việc một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, có thể “lây lan” sang quốc gia khác cũng sẽ tiến hành điều tra với sản phẩm tương tự nhập từ Việt Nam. Trong khi đó, thông tin về hàng hóa của Việt Nam xuất đi khá sơ sài, thông tin cho doanh nghiệp hiểu biết về những rào cản thương mại lại hạn chế khả năng tổng hợp, phân tích và nắm bắt tình hình trước cảnh báo hoặc khi đã bị áp thuế phòng vệ của doanh nghiệp Việt hầu như không có.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Vũ Quốc Chinh, để lọt hàng gian lận xuất xứ từ các nước vào Việt Nam khó kiểm soát đã đẩy doanh nghiệp Việt đối diện nguy cơ ngày càng bị kiện CBPG, lẩn tránh thuế nhiều hơn. Với thị trường EU trước mắt sau khi EVFTA có hiệu lực, các nhóm hàng xuất khẩu sắt thép, thủy sản, công nghiệp đơn giản …tiếp tục đối diện nguy cơ này.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết tình trạng lẩn tránh thuế, gian lận thương mại đã được các doanh nghiệp trong ngành cũng như hiệp hội cảnh báo từ nhiều năm trước.
Các doanh nghiệp chỉ có thể là tai mắt, khi phát hiện thì báo cáo và Chính phủ, bộ ngành phải vào cuộc điều tra để tìm ra bằng chứng. Khi có kết quả cần công bố công khai cho cả cộng đồng và đối tác nước ngoài biết. Vì không quốc gia nào chấp nhận tình trạng gian lận thương mại như vậy.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam phải hết sức “nghiêm khắc” với hàng tạm nhập tái xuất. Với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như CPTPP hay EVFTA mà không có Trung Quốc, tình trạng chuyển tải hàng hóa sang Việt Nam để tận dụng cơ hội giảm thuế đưa vào thị trường Mỹ va EU càng gia tăng. “Khi số liệu xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ nhiều nhóm hàng gia tăng, Mỹ sẽ nhìn thấy “đâu đó” hành vi lẩn tránh thương mại. Việt Nam phải hết sức cẩn trọng với điều này.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM thì “Việt Nam phải lấy việc Mỹ áp thuế cao với sản phẩm thép để làm động lực mạnh tay ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh thuế xuất đi các nước”.

Một vấn đề khác, mà các nhà kinh tế và đối ngoại lo lắng là sợ bị “tụt hậu”. Năm 2016, khi tham dự Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã nêu ra yêu cầu là phải chấm dứt ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức, hành xử của cán bộ, công chức…

Ngay sau đó, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã có những cải cách, thay đổi manh mẽ, từ việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập các phòng, ban, cho đến đấu thầu cắt cỏ, trồng cây xanh, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư… Những cải cách đó đã phần nào giúp Hà Nội tăng được tỷ lệ “phiếu tín nhiệm cao” trong đánh giá của người dân và doanh nghiệp.

ADB tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao 6,8% trong năm 2019 và giảm nhẹ xuống 6,7% trong năm 2020.... Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2018, lần đầu tiên, Hà Nội lọt vào tốp 10 bảng xếp hạng các địa phương đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Khi tham dự Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất vui và nói rằng: “Hà Nội nay đã khác, “Hà Nội không vội không xong”. Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì bày tỏ “Hà Nội đã vượt qua nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”…

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, dù Hà Nội đã có nhiều cải cách, chỉ đạo, song dấu hiệu hụt hơi trong việc xóa bỏ tư duy “Hà Nội không vội được đâu” đã bắt đầu quay trở lại trên một số lĩnh vực. Đơn cử như trong việc giải quyết những vướng mắc ở bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), chỉ vì sự thiếu kịp thời, mà hệ quả Thủ đô phải đối diện với 3 ngày ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị. Tương tự trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, trong khi các vi phạm cũ như ở Linh Đàm, Sóc Sơn, hay 8B Lê Trực chưa được xử lý triệt để thì “biệt phủ”, nhà hàng trái phép vẫn mọc lên ở khu vực sông Hồng như Tiền Phong đã phản ánh.

Đặc biệt, việc “hụt hơi” còn được thể hiện rõ nhất trng lĩnh vực đầu tư xây dựng và triển khai các công trình trọng điểm. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hết 5 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2018. Đáng báo động là có 10 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào, như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên… Cùng với đó, hàng loạt các dự án trọng điểm của thành phố về giao thông, môi trường cũng đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Trước thực trạng này, tại cuộc họp mới đây, Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải “phê” rằng: “Các đồng chí nói đây là năm nước rút, năm tăng tốc nhưng mà toàn hụt hơi thế này”. Ông Hải cũng yêu cầu “Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện phải rà soát, kiểm điểm về tình trạng giải ngân thấp. “Cứ giảm dần thế này thì chứng tỏ là chưa chữa đúng bệnh. Phải cho liều thuốc nào đó”.
“Hà Nội, là một trong những “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, để phát huy được các tiềm năng, thế mạnh, Hà Nội cần phải “tăng tốc” trong việc xử lý, loại bỏ, thay thế những cán bộ, nhất là những người đứng đầu còn tư duy “Hà Nội không vội được đâu”. Chỉ có thế Hà Nội mới tận dụng được hết tiềm năng, thế mạnh về con người và vị trí địa lý để “tăng tốc,bứt phá” trong sự phát triển.”

Trong cuộc sống chúng ta thường thay đổi như gặp áp lực: “Không thay đổi thì chết” ví dụ các doanh nghiệp viễn thông gặp phải vấn đề lợi nhuận bị xói mòn về tăng trưởng thấp, về bị áp lực đó nên bắt buộc các doanh nghiệp này phải tìm ra mô hình kinh doanh mang tính “ phá hủy” cái cũ đó. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đi theo 4.0 vì không sẽ chết.

Muốn cho Việt Nam không bị tụt hậu và bắt kịp xu hướng của thế giới thì bắt buộc phải đẩy vào tình huống nguy hiểm. Tình huống này có thể do Chính Phủ tạo ra (ông Nguyễn Mạnh Hùng Tổng giám đốc Viettel nói).

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng: “Nếu các cuộc cách mạng trước đây cần nhiềukinh phí về phần cứng, còn CM 4.0 thì thiên vì ý tưởng công nghệ - CM 4.0 không phải cuộc cách mạng của riêng các đại gia mà là của tất cả mọi người. Trong đó có thể là những nhóm người rất nhỏ bé, chỉ vài người nhưng chính những nhóm đó thay đổi cả tương lai, diện mạo của nền kinh tế. Cuộc CM 4.0 là “Cá nhanh ăn cá lớn” chứ không phải “cá lớn nuốt cá bé” như trước đây. Doanh nghiệp nào nhanh sẽ thành công.

Nhưng sau tất cả bão tố, sóng gió thương trường và thiếu sự biệt lệ hỗ trợ phát triển, khối doanh nghiệp tư nhân đã dần lớn mạnh, đem lại góc nhìn khác khi không ít doanh nghiệp vượt xa quy mô của những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam cũng như của nhiều doanh nghiệp FDI. Trong các báo cáo gần đây tại Quốc hội, Chính phủ cũng đã khẳng định, vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân trong nước đã chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng nhanh nhất. Cụ thể, tốc độ tăng vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân các năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 9,5%, 17,1% và 18,5%, cao hơn so với khu vực nhà nước (lần lượt là 7,3%, 6,9% và 3,9%) và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (lần lượt là 10,4%, 12,8% và 9,6%). Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đã đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế.

Còn xét về quy mô và độ quan trọng của nền kinh tế, trong hai năm 2017 - 2018, khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm tỷ trọng 25,3 - 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỉ trọng 34,7 - 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).

Câu chuyện giờ đây cần bàn là làm thế nào để kinh tế tư nhân thuận lợi kinh doanh và phát huy được vai trò trụ cột để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành những thế lực mới trỗi dậy trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, để làm được trước hết việc cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cần phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và thực chất hơn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương nhằm giảm chi phí giao dịch và tạo dựng một “sân chơi” thực sự công bằng, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận thị trường và tiếp cận các nguồn lực, cho đầu tư và kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Còn nếu không, giấc mộng hùng cường sẽ vẫn xa vời.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ cần sớm nội luật hóa các quy định của EVFTA để “yểm trợ” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề các điều kiện kinh doanh kiểm tra chuyên ngành… “Các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng thị trường, cần tìm ngay bạn hàng chiếm lược. Doanh nghiệp cần tái cấu trúc năng lực sản xuất, công nghệ, quản trị để đáp ứng được yêu cầu mới đồng thời xây dựng được hệ thống phòng ngừa rủi ro”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Các nhà kinh tế lo lắng hơn là vui khi kinh tế tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.