Thứ tư, 24/04/2024 16:15 (GMT+7)

Tiếp lửa cho khởi nghiệp

MTĐT -  Thứ ba, 17/09/2019 11:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Hà Nội hiện có khoảng 260.000 doanh nghiệp, đứng thứ hai trên cả nước. Trung bình trong 3 năm gần đây, Hà Nội có khoảng trên 20.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn TP đã có những bước phát triển mạnh, năng lực cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp được nâng cao; đã hình thành nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế, đóng góp tích cực cho thu ngân sách TP.

Tổ chức Recsports Việt Nam đi đầu trong khởi nghiệp với thể thao giải trí. Ảnh: Phương Nga

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, TP luôn chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khởi nghiệp, TP đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, ban hành hàng loạt các Đề án hỗ trợ, nhằm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xứng tầm và mang bản sắc của Hà Nội. Có thể kể đến như Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”, Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”.

Gần đây nhất, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển mạng lưới hỗ trợ startup của TP để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, TP sẽ hỗ trợ thêm từ 3 – 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Nội dung tập trung vào hỗ trợ hoạt động truyền thông cho startup và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí để xây mới, cải tạo, nâng cấp một số cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung, không gian khởi nghiệp trên địa bàn TP…

Giúp doanh nghiệp vươn xa

Bước ra từ cuộc thi Techfest Việt Nam 2018, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Thương mại Appa Group Nguyễn Hữu Việt khá bỡ ngỡ và gặp trở ngại do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm quản trị nhân sự. “Rất may là tôi được giới thiệu tham gia một lớp học khởi nghiệp của Hàn Quốc, sau đó là một vườn ươm của Nhật Bản tại Hà Nội.

Nhờ những kiến thức được trang bị từ hai khóa học đó, tôi mới có thể có được ngày hôm nay”. Theo ông Việt, chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo của TP là rất hợp lý, thiết thực với giới khởi nghiệp.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Kawaii Việt Nam Nguyễn Bình Nguyên cho rằng, thay vì tập trung hỗ trợ về tài chính, việc tạo ra những không gian việc làm miễn phí, tạo điều kiện làm việc, nghiên cứu lý tưởng là cần thiết nhất. Từ đó, hình thành nên một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp.

“Theo nội dung đề án thì TP sẽ hỗ trợ thêm 3 – 5 vườn ươm hỗ trợ một không gian khởi nghiệp cho các bạn muốn bắt đầu. Đồng thời xây dựng một bộ phận đào tạo để hỗ trợ startup trong cách kinh doanh, tiếp cận thị trường ở những bước đi đầu còn chập chững. Tôi hy vọng, sau khi Đề án được triển khai sẽ góp phần nuôi dưỡng, chắp cánh giấc mơ khởi nghiệp cho các bạn trẻ” - ông Bình Nguyên kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, thực tế cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều cấp nhưng thủ tục hành chính vẫn còn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm.

Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, đây là những điểm nghẽn khiến nhiều startup không mạnh dạn đầu tư, sáng tạo.

“Tuy nhiên tôi tin rằng, sau khi Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2018 – 2025 đi vào thực tế, sẽ tiếp thêm lửa, nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp của giới startup và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn TP lớn mạnh, vươn xa” – ông Tuấn tin tưởng.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án startup, 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

TheoKTĐT

Bạn đang đọc bài viết Tiếp lửa cho khởi nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.