Thứ sáu, 29/03/2024 00:31 (GMT+7)

Khởi nghiệp nông nghiệp không cần đất: Họ đã làm điều đó thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 26/08/2019 11:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện thực hóa các ứng dụng công nghệ vào trong lĩnh vực nông nghiệp chính là những đặc điểm chung của các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp mà không cần phải có đất canh tác.

Các câu chuyện thành công từ Châu Phi

FarmDrive là một startup được thành lập bởi Peris Bosire và Rita Kimani tại Kenya, cung cấp nền tảng công nghệ cho phép nông dân theo dõi các hoạt động canh tác của họ bằng điện thoại di động. Đồng thời, các dữ liệu canh tác này còn giúp các hộ nông dân dễ dàng vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Điều này giúp cả 2 bên, nông dân và tổ chức tín dụng giảm rủi ro và nhận được nhiều lợi ích từ việc hệ thống hóa cũng như nâng cao hiệu quả canh tác của các nông trại nhỏ.

Ngoài ra, FarmDrive cũng sử dụng các dữ liệu trên để tìm hiểu nhu cầu cụ thể của từng nông dân và cung cấp thông tin phù hợp thông qua tin nhắn SMS. Điều này giúp hỗ trợ người nông dân nâng cao hiệu quả canh tác và tối đa hóa tiềm năng trang trại của họ. Được thành lập vào năm 2014, startup này mới chỉ được thử nghiệm ở 50 hộ nông dân ở Kenya và đang lên kế hoạch tăng lên đến 3 ngàn hộ vào cuối năm 2015.

Mifugo.trade và SokoNect là những startup kết nối trực tiếp người sản xuất và người mua các sản phẩm nông nghiệp như nông sản và gia súc. Mifugo.trade thiết lập một mạng lưới trực tuyến, sử dụng các nhân viên đánh giá được đào tạo và sử dụng điện thoại thông minh để tìm đến người bán thực hiện các đánh giá và đưa ra thông tin liên quan. Sau đó người mua có thể trả giá trực tiếp cho các sản phẩm được bày bán trên mạng lưới.

Trong khi đó, SokoNect là một startup được xây dựng dựa trên nền tảng kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán đồng thời cung cấp thông tin thị trường, thông tin chi tiết của thị trường thời gian và địa điểm trong khu vực. Nền tảng này cho phép nông dân truy vấn giá cả thị trường theo thời gian thực.

Các startup này được thiết lập để kết nối thương mại dựa trên nền tảng trực tuyến, mang lại lợi ích cho các bên, đồng thời giảm chi phí giao dịch truyền thống và tình trạng người mua ít thông tin hơn người bán gây ra tình trạng “hàng xấu đẩy hàng tốt” ra khỏi giao dịch trực tuyến như các nền tảng giao dịch cũ hiện nay.

WeFarm – một startup phát triển nền tảng chia sẻ kiến thức cho nông dân tương tự một mạng xã hội nông nghiệp, cho phép nông dân đặt câu hỏi qua tin nhắn và nhận được câu trả lời từ những người dùng khác đã đăng ký.

Đây là một nền tảng mở cho bất cứ ai, kể cả các chuyên gia và những người muốn mua bán với nông dân. Hiện có gần 50.000 câu hỏi trên mạng xã hội này và hơn 60% số thành viên đã đăng ký có hoạt động hàng tháng. Ra mắt vào tháng 10/2014, WeFarm đã đạt 22.000 người dùng, và đang có kế hoạch tăng gấp đôi vào cuối năm 2015 trong khi nhắm mục tiêu hơn 500.000 nông dân vào cuối năm 2016.

Trong khi đó, mPedigree lại là một giải pháp ứng dụng công nghệ để giúp người nông dân canh tác có hiệu quả dựa trên các sản phẩm đầu vào chất lượng. Doanh nghiệp này đưa ra nền tảng truy xuất nguồn gốc và dịch vụ kiểm tra trực tuyến cho các đầu vào sản xuất và hàng hóa.

mPedigree đã thiết lập được một mạng lưới rộng lớn các nhà sản xuất, cung cấp và phân phối giúp cho nông dân có thể biết tình trạng của nguồn cung và các tiêu chuẩn chất lượng một cách nhanh chóng và trực tuyến. Doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu 5 triệu nông dân và tạo ra giá trị 1 tỷ USD mỗi năm.

Startup cứu mạng hàng ngàn nông dân Ấn Độ

Trước thực trạng có khoảng 3.300 nông dân tại Ấn Độ tự tử trong 3 năm trở lại đây vì không có khả năng chi trả các khoản nợ do năng suất nông nghiệp quá kém (báo cáo của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ tháng 7/2015), một công ty non trẻ mang tên CropIn Technology đã mang lại một giải pháp hoàn toàn mới với mục tiêu giúp nhà nông Ấn Độ đáp ứng tiêu chí tốt nhất thế giới về canh tác.

CropIn Technology được thành lập dựa bởi Krishna Kumar, một kỹ sư chuyên nghiệp đã có bốn năm kinh nghiệm làm việc tại General Electric – người đang là một trong vài người được chọn để đào tạo lãnh đạo toàn cầu của tập đoàn GE – đã bỏ việc tại GE với mong muốn đem các nền tảng công nghệ áp dụng vào nông nghiệp Ấn Độ. Anh đã cùng các bạn mình là: Kunal Prasad, Chittaranjan Jena để khởi nghiệp và điều hành hoạt động của CropIn Technology.

CropIn Technology tạo ra một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp nông dân theo dõi hiệu quả của trang trại. Theo đó, người nông dân có thể kiểm soát được định mức đầu vào, xác định mức phân bón cần thiết hay phát hiện sâu bệnh phát sinh trong trang trại,…

Dựa trên những thông tin thu thập từ đồng ruộng, công nghệ điện toán đám mây phân tích chuyên sâu nhằm giúp người nông dân tăng năng suất cũng như khám phá ra các cơ hội mới. Thực tế cho thấy hệ thống này của công ty có thể giúp người dân tăng năng suất ít nhất từ 10% đến 15% so với trước đây trong khi chi phí sử dụng thấp hơn.

Đồng thời, ứng dụng này còn giúp người nông dân kiểm soát được quá trình canh tác của mình nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia khác nhau.

Chính nền tảng này đã giúp Kumar và các cộng sự của mình ký kết các hợp đồng quan trọng với các tập đoàn hàng đầu như Pepsi, Field Fresh và 4 tập đoàn đa quốc gia khác sau 2 năm thành lập. Cùng với việc kết nối với hàng triệu nông trang, công ty này còn ký kết hợp đồng với hơn 40 doanh nghiệp nông sản và các tổ chức tín dụng hình thành nên một mạng lưới lớn ngay từ khâu canh tác, chăm sóc, vận chuyển – lưu trữ đến tiêu thụ và dịch vụ hỗ trợ.

Kumar cho biết, nhờ mạng lưới kết nối rộng lớn giúp doanh nghiệp thu thập được các dữ liệu quý giá thông qua phân tích dữ liệu lớn (Big Data), nhờ đó, doanh nghiệp hiểu sâu sắc và có thể đưa ra các giải pháp cũng như phát hiện các cơ hội kinh doanh theo thời gian thực.

Tại Ấn Độ, câu chuyện thành công của CropIn đã trở thành hình mẫu về cơ hội khởi nghiệp bằng cách kết hợp công nghệ và nông nghiệp. Hiện nay, Ấn Độ có các dự án khởi nghiệp tương tự đã thành công với các sản phẩm như sữa, dừa và hồ tiêu.

Giacaphe.com và cơ hội cho startup nông nghiệp tại Việt Nam

Trang web giacaphe.com là một trong những dự án startup nông nghiệp dựa trên mô hình của thế giới và đã thành công. Được biết, đây là startup của chàng trai 8X - Nguyễn Thịnh hình thành tại khu vực trồng cà phê Lâm Đồng.

Startup này bắt đầu bằng một trang blog khá đơn giản dùng để cung cấp thông tin về giá café, đồng thời từng bước thực hiện cung cấp thông tin về giá cà phê theo tin nhắn điện thoại và thông qua thuê bao đến các hộ nông dân.

Với đặc điểm nhanh chóng và thuận tiện trong kinh doanh cà phê, ở giai đoạn cao điểm, có khoảng 30.000 lượt truy cập phiên bản website và một số lượng lớn nông dân sử dụng tiện ích SMS và thuê bao để cập nhật giá hàng ngày. Từ kết quả đó, startup này mở rộng sang các loại hàng hóa khác như hồ tiêu, ca cao, cao su,… và đã thiết lập thêm các diễn đàn trao đổi cùng nhiều tiện ích khác để tăng tính kết nối trong cộng đồng, xây dựng mạng lưới khách hàng trung thành.

Nhìn rộng ra có thể thấy, việc kết hợp công nghệ và nông nghiệp để thực hiện các dự án startup tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi dựa trên việc xem xét các khía cạnh về kỹ thuật – công nghệ, vốn, thị trường và khả năng chấp nhận công nghệ của nông dân.

Về công nghệ, đây là điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam nhưng đây cũng là một cơ hội lớn đối với các doanh nhân trẻ, người trẻ trong các ngành khoa học – công nghệ có thể thực hiện các dự án startup ở nông nghiệp.

Việc phát triển hay ứng dụng các nền tảng công nghệ mới của thế giới tại Việt Nam là khả thi (đi theo mô hình “copycat”). Nền tảng hạ tầng CNTT và trình độ nhân sự tại Việt Nam hoàn toàn thực hiện được các mô hình này. Quan trọng nhất trong khía cạnh này có lẽ chính là “ý tưởng” để áp dụng hợp lý các nền tảng bên ngoài vào Việt Nam, việc dựa hoàn toàn vào các nền tảng quốc tế không phải là một lựa chọn thông minh.

Về khía cạnh vốn – nhân sự, đây luôn là vấn đề gây đau đầu cho những người thực hiện các startup. Tuy nhiên, việc thực hiện các startup ứng dụng các mô hình CNTT hay xây dựng mạng lưới kết nối có chi phí vốn bỏ ra thấp hơn rất nhiều so với các loại hình startup khác. Thêm vào đó, nếu có được một đội ngũ cùng đam mê để đưa ra các chiến lược hợp lý và tiến trình từng bước thực hiện, các khó khăn về vốn và nhân sự có thể từng bước được giải quyết.

Ngoài ra, hiện nay các quỹ đầu tư mạo hiểm và phong trào startup tại Việt Nam là bệ đỡ tốt cho các ý tưởng startup trong nông nghiệp có thể tìm được đội ngũ nhân sự và vốn để thực hiện các dự án này.

Trên khía cạnh thị trường và khả năng “chấp nhận công nghệ” của nông dân, ví dụ về một dự án startup về cung cấp giá cà phê trên đây là một hình mẫu cho chiến lược đi từng bước và mô hình “copycat” trong nông nghiệp.

Theo Tri Thức Trẻ

Bạn đang đọc bài viết Khởi nghiệp nông nghiệp không cần đất: Họ đã làm điều đó thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.