Thứ năm, 28/03/2024 22:54 (GMT+7)

Ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản Tây Nguyên

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 14:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với dự án “Đồ lưu niệm từ đá núi lửa, rơm rạ, thổ cẩm”, em Trần Cẩm Ly, học sinh lớp 11 Trường THPT Krông Nô (Đắk Nông) đã đạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi HS, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

Tạo không gian riêng

Ly cho biết: Đây là dự án nhằm tạo ra không gian riêng của núi rừng Tây Nguyên, bày bán những mặt hàng đặc trưng, giới thiệu những giá trị tốt đẹp về thiên nhiên, cảnh sắc văn hoá và con người Krông Nô, Đắk Nông đến các du khách trong và ngoài nước.

Công viên địa chất Đắk Nông là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Krông Nô. Nơi đây sở hữu lượng lớn đá núi lửa, là nguồn nguyên liệu tại chỗ, cước phí vận chuyển thấp. Sản phẩm làm từ đá núi lửa là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, cùng với đó chúng nhẹ hơn so với các loại đá khác, giá thành rẻ hơn, nhỏ gọn dễ mang theo trong quá trình di chuyển.

Các sản phẩm đồ lưu niệm, đồ dùng dạy học được làm từ rơm rạ cũng có giá thành rẻ, cước phí vận chuyển thấp vì có nguồn nguyên liệu tại chỗ từ những cánh đồng dưới chân núi lửa.

Ước tính, tổng diện tích các cánh đồng Buôn Choanh (Nâm Nđir, Đức Xuyên) là khoảng 1.200 hécta, là nguồn nguyên liệu phong phú cho ý tưởng khởi nghiệp.

Ly và các bạn trong quá trình thực hiện dự án. Ảnh: Vân Anh.

Ngoài ra, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của các dân tộc Êđê, M’nông đã có từ lâu đời nhưng chưa được khai thác. Việc tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm góp phần giữ gìn nghề dệt truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào Êđê, M’nông.

Ly chia sẻ: Krông Nô đang xây dựng kế hoạch để biến lợi thế thành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử và du lịch mạo hiểm. Do đó, dự án ra đời với mục đích sẽ tập trung khai thác bền vững tài nguyên của Công viên địa chất Đắk Nông nhằm giúp bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hoá của vùng đất này.

Tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ vào khoảng từ 80 - 100 triệu đồng. Dự kiến lợi nhuận sau khi trừ chi phí sẽ khoảng 15 - 20 triệu đồng. Thời gian hoàn vốn từ 12 - 15 tháng. Khả năng tăng trưởng doanh thu đạt 50% vào các tháng du lịch, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4/9.

Dự án sẽ đem lại cho khách du lịch giá trị tinh thần, rũ bỏ bộn bề cuộc sống để hoà mình với thiên nhiên. Trẻ em sẽ được vui chơi thỏa thích tại trang trại rơm. Các em sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn làm các sản phẩm đơn giản với các dụng cụ cũng như đồ chơi làm hoàn toàn bằng rơm rạ.

Du khách có thể học cách chế tác đá, làm các sản phẩm từ rơm hay đan kết những đồ lưu niệm nhỏ xinh bằng thổ cẩm từ những người thợ thủ công ở các xưởng chế tác.

Sau khi kết thúc chuyến du lịch, du khách có thể mua các sản phẩm lưu niệm về tặng bạn bè, người thân. Du khách còn được tham quan các xưởng dệt thổ cẩm, để hiểu được các công đoạn tạo thành một sản phẩm từ thổ cẩm.

Giúp học sinh khai thác tiềm năng của quê hương

Đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, cô Lê Thị Chung- Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô cho biết: Trong những năm gần đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã công bố thông tin ban đầu về một số hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô. Đây là phát hiện lớn nhất về mặt khoa học và có giá trị về du lịch tại Tây Nguyên.

Hang động núi lửa khu vực Krông Nô cùng với các danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên sẽ tạo ra điểm đến rất hấp dẫn cho du khách cũng như cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc tuyên truyền cho những giá trị của Công viên địa chất Đắk Nông đang được địa phương rất quan tâm.

Huyện Krông Nô đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền trong người dân, các đơn vị trên địa bàn hiểu rõ về tầm quan trọng của Công viên địa chất Đắk Nông. Từ đó, Trường THPT Krông Nô cũng đã có những hình thức tuyên truyền sâu rộng trong học sinh và phụ huynh của nhà trường.

Thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh đã được nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giúp học sinh hiểu và tự hào hơn khi được sống trên mảnh đất có một không gian Công viên địa chất tiềm năng cần được đánh thức và khai thác.

Cẩm Ly thuyết trình về ý tưởng khởi nghiệp của mình. Ảnh: Vân Anh.

Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường luôn lồng ghép tuyên truyền, thông tin và cập nhật cho học sinh những kiến thức liên quan đến Công viên địa chất. Cổng trường, các dãy lớp học đều dán pano, áp phích về những hình ảnh liên quan đến Công viên địa chất. Giáo viên và học sinh còn xây dựng các đề tài liên quan đến khai thác, bảo vệ các giá trị Công viên để tham gia các Cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Dấu ấn đậm nhất trong công tác tuyên truyền của nhà trường là việc tổ chức cuộc thi “Khám phá Công viên địa chất núi lửa” cho học sinh toàn trường. Qua cuộc thi, học sinh đã tham gia với nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo.

Có thể kể đến các ý tưởng thành lập các điểm dừng chân và thưởng thức cà phê sạch; xây đường vòm và thả thuyền cho du khách hái sen dọc tuyến sông; thiết kế trang phục cách tân từ chất liệu thổ cẩm và các loại vải hiện đại; làm đồ lưu niệm bày bán ở khu du lịch.

Nhiều học sinh còn đề xuất các giải pháp trong bảo vệ và khai thác theo hướng bền vững, phát huy giá trị Công viên địa chất như: Hình thành tuyến đi bộ, tuyến đi xe đạp thân thiện với môi trường; lắp các thùng rác thông minh; tôn vinh những hành động đẹp trong bảo vệ môi trường; lắp camera giám sát.

Dự án Đồ lưu niệm từ đá núi lửa, rơm rạ, thổ cẩm của Trần Cẩm Ly là đề tài xuất sắc nhất trong các ý tưởng của học sinh Trường THPT Krông Nô. Do Trần Cẩm Ly còn nhỏ nên dự án này vẫn chưa chính thức đi vào kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn thử nghiệm, sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ cao từ khách hàng vì tính độc đáo cũng như mang nét văn hóa đặc trưng của Đắk Nông.

Theo Giáo dục thời đại

Bạn đang đọc bài viết Ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.