Thứ sáu, 29/03/2024 03:42 (GMT+7)

Mẹ đơn thân ở Sài Gòn chăm đàn heo “khủng” nuôi con ăn học

MTĐT -  Thứ năm, 07/02/2019 16:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhờ phát triển đàn heo từ 4 con thành trăm con mà chị Nguyễn Thị Mai (47 tuổi) ở “vùng đất thép” Củ Chi (TP.HCM) đã có thể một mình nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Đến ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi hỏi chị Nguyễn Thị Mai thoát nghèo nhờ nuôi heo không ai là không biết. Chị Mai nổi tiếng ở trong ấp vì từng có đàn heo hơn trăm con xuất bán liên tục, nhờ vậy mà nuôi được con ăn học nên người.

Thoát nghèo nhờ nuôi heo

Năm 27 tuổi, sau khi chia tay chồng, chị Mai gửi con nhờ mẹ ruột chăm sóc rồi đi Bình Phước làm công nhân. Được gần 10 năm, vì không thể chịu được cảnh để con xa mẹ nên chị nghỉ làm về quê để có thời gian chăm sóc con trai. Số tiền bảo hiểm nghỉ việc chị dồn hết để mua 4 con heo để khởi nghiệp và nấu rượu đi bỏ mối ở quận 12.

Thời gian đầu nuôi heo, chưa có kinh nghiệm nên 4 con heo của chị thay phiên nhau “đổ bệnh”, còi cọc và ốm yếu. Lo sợ nếu lỗ vốn sẽ không biết vay tiếp vốn ở đâu nên chị chạy hỏi tới lui những người có kinh nghiệm trong ấp.

Chị Mai từng có đàn heo 200 con. Ảnh: Lê Nam.

Chị Mai chia sẻ: “Hồi đó mẹ con tôi ở cái nhà tre thôi à, vách thì không có. Rồi ở trong đó nấu rượu, nuôi heo. Từ từ nhà nước hỗ trợ cho 30 triệu mình xây lên cái nhà tình thương vỏn vẹn nhiêu đó chứ không có dư ra, vốn thì để đầu tư nuôi heo. Cái nhà không có chỗ nấu ăn hay đi vệ sinh gì hết, chỉ có chỗ ngủ riêng tư, còn lại nhờ bên bà già”.

Chị Mai từng có đàn heo tới 200 con, thu nhập ổn định, kinh tế phát triển, nhờ vậy mà chị thoát nghèo...

Năm 2010, chị được địa phương xây tặng căn nhà tình thương để hai mẹ con có chỗ che mưa, che nắng. Sau khi được sự giúp đỡ của Hội nông dân, chị tiếp tục phát triển đàn heo của mình bằng cách xây thêm các chuồng để chăm heo theo từng giai đoạn như: chuồng heo sắp sinh, chuồng heo con, chuồng heo nái, chuồng heo cai sữa…

Thời điểm làm ăn được nhất, đàn heo gồm cả heo nái và heo con của chị lên đến hơn 200 con. Từ tiền lời có được, chị mua thêm bò để tiếp tục phát triển kinh tế của gia đình.

Nhờ vậy mà chị có thu nhập để nuôi con ăn học nên người. Đến nay con trai chị đã 23 tuổi và đang chờ ngày ra trường.

Chị Mai kể: “Hồi đó heo nái thì 20 con, heo mẹ nuôi con thì 2 - 3 con, chửa thì 5 - 10 con, cai sữa bao nhiêu con, có đủ loại trong đó: heo cai sữa, heo thịt, heo con mới đẻ, nói chung nhiều loại lắm, chuồng nào cũng có heo hết, mấy trăm lận chứ không có ít, hai chục nái lận mà nó tua ra một lần vậy rất là nhiều heo”.

Cũng theo chị Mai, khoảng thời gian chị làm ăn được đó là ở trong xã hầu như nhà nào cũng nuôi heo nên mỗi lần họp hành mấy chị em hội phụ nữ lại ngồi với nhau để nói chuyện…vỗ béo cho heo.

Chị cho biết, chị nuôi heo không sợ heo bệnh tật hay dịch gì hết vì có chích ngừa đầy đủ, chỉ sợ heo bị rớt giá. Có thời gian, Vietgap yêu cầu truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đăng ký bán heo chị cũng đăng ký và ghi sổ sách đầy đủ nên đầu ra luôn ổn định.

Tiếc đàn heo…

Đến khoảng năm 2016, heo bị rớt giá, nhiều hộ trong ấp Lào Táo Trung bỏ chuồng trống, chỉ còn một số ít hộ là cố gắng cầm cự để tiếp tục nuôi. Còn chị Mai vì nghĩ heo chỉ rớt giá một thời gian rồi sẽ lên nên chị cố giữ lại đàn heo con để nuôi đợi được giá mới xuất bán.

Vậy nhưng 5 - 6 tháng sau heo vẫn không lên giá nên chị phải bán dần dần gần hết đàn heo của mình để trả nợ tiền cám và vốn. Hiện tại, chị Mai đang nuôi đàn bò 9 con, cùng gà, vịt và đàn chó để giữ nhà.

“Bắt đầu khởi nghiệp là tôi nấu rượu, nuôi heo, từ cái nguồn heo đó là nguồn chính, nuôi heo là heo nuôi tất cả, nuôi người. Rồi từ đồng vốn đó ra nuôi gà, nuôi vịt. Nói chung toàn bộ là nhờ con heo hết. Nghĩ lại thời có cả trăm con heo mà tôi thấy buồn. Giờ tôi còn đàn bò 9 con. Nhưng mà còn 9 con heo thì “ngon” hơn 9 con bò. Heo bây giờ bán rất là dễ còn bò thì mình nuôi chứ mình không chọn giá được”, chị Mai tâm sự.

Chị Dương Ánh Nguyệt cũng từng có đàn heo quy mô như hàng xóm của mình, nhưng vì khoảng thời gian heo rớt giá nên tới nay chị cũng chỉ còn 9 con heo nái.

Chị Mai giờ chỉ còn đàn bò 9 con... Vũ Phượng.

Dù có nhiều tiếc nuối và đàn heo bây giờ chỉ còn duy nhất một con heo nái nhưng chị Mai cũng luôn mong muốn sẽ xoay sở được vốn để gầy dựng lại đàn heo của mình như ngày nào.

Tuy nhiên, theo chị 9 con bò không thể bằng được 9 con heo...

Theo Thanh Niên

Bạn đang đọc bài viết Mẹ đơn thân ở Sài Gòn chăm đàn heo “khủng” nuôi con ăn học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.