Thứ ba, 19/03/2024 17:21 (GMT+7)

“Dị nhân xóm núi” bỏ 2 trường đại học về quê để 'sống xanh'

MTĐT -  Thứ hai, 30/03/2020 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước khi trở thành ông chủ của trang trại Hón Mũ, chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường, Lê Xuân Hà (Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) từng bỏ ngang hai trường đại học.

Nỗi nhớ rừng của "dị nhân"

Từ đường chính của xã Tân Thành vào nhà Lê Xuân Hà chỉ khoảng 3-4 cây số, nhưng phải mất khá nhiều thời gian tôi mới vào được đến nơi. Sau đợt mưa nhỏ kéo dài, con đường núi vốn đã gập ghềnh, lại càng thêm khó đi bởi đất đá trở nên lầy lội.

Vào đến chân núi Hón Mũ, thấy lấp ló ngôi nhà sàn của gia đình Hà nằm bên kia suối. Ra đón tôi là chàng ngăm đen, quần áo giản dị nhưng trông rất đặc biệt với mái tóc dài đến ngang eo. Anh chính là Lê Xuân Hà, ông chủ trẻ của trang trại Hón Mũ.

Chàng "dị nhân" Lê Xuân Hà (ngồi giữa) giới thiệu các sản phẩm của nông trại.

Cơ ngơi của Hà đơn sơ, với ngôi nhà sàn nằm trên một vùng đồi đã được quy hoạch gọn gàng. Hỏi về biệt danh Hà “điên” mà cả xóm đặt cho, Hà chỉ cười: “Ở xóm này, mọi người đều mong ra phố để tìm việc làm, thoát khỏi cảnh sống khó khăn, buồn tẻ, còn tôi thì lần lượt bỏ hai trường đại học để về quê. Có lẽ cách suy nghĩ của mình hơi khác người, nên dân làng thấy lạ”.

Tại xóm Hón Mũ - một khu vực khó khăn của xã miền núi Tân Thành, không nhiều bạn bè cùng trang lứa có thành tích học tập tốt như Lê Xuân Hà. Tốt nghiệp THPT, anh thi đậu chuyên ngành Kế toán, Đại học Hồng Đức, nhưng theo học chỉ 2 năm rồi quyết định bỏ ngang.

Sau đó, vì chiều theo ý người thân, Hà tiếp tục thi vào đại học Bách Khoa Hà Nội và đỗ. Song, học được 2 năm, một lần nữa, Hà lại…bỏ học, vì cảm thấy những ngành nghề đã chọn không phù hợp với ước mơ của mình. Gác lại đèn sách, anh lăn lộn đủ nghề kiếm sống, từ vận chuyển ga, phục vụ quán ăn, cho tới việc kinh doanh cửa hàng bánh xèo...

Lê Xuân Hà luôn nung nấu khát vọng được sống với thiên nhiên.

Sau vài năm bươn chải, Hà nhận ra bản thân mình thực sự không phù hợp với chốn thị thành. Trong thâm tâm của anh, nỗi “nhớ rừng”, muốn sống gần gũi với thiên nhiên, muốn làm giàu từ những cánh rừng quê hương luôn thôi thúc. Anh quyết định trở về.

Quyết định "điên rồ"

Quê Hà - xã Tân Thành, huyện Thường Xuân vốn là nơi có khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để tre luồng phát triển. Đây là giống cây đặc trưng của miền Tây Thanh Hóa, không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn có độ che phủ tốt, góp phần bảo vệ đất đai… Lê Xuân Hà nhìn thấy tiềm năng khởi nghiệp ngay trên những tán rừng gần nhà ấy.

Rừng luồng của Lê Xuân Hà không chỉ cung cấp nguyên liệu sản xuất mà còn góp phần che phủ đất trống, bảo vệ đất đai.

“Những ngày đầu mới trở về quê, tôi sống khá ẩn dật. Thỉnh thoảng lại lang thang trong rừng để nghiên cứu đất đai và khả năng sinh trưởng của tre luồng. Có lẽ, biệt danh Hà “điên” chính thức ra đời từ dạo ấy. Lúc đầu, chính tôi cũng hoang mang, nghĩ có khi mình “điên” thật, vì mình sống khác người quá”- Lê Xuân Hà vui vẻ chia sẻ.

Sau khi nghiên cứu kỹ, anh thuyết phục gia đình chặt bỏ 10 ha mía để trồng tre luồng. Đây là một quyết định, theo nhiều người là “điên rồ”, bởi 10 ha mía đang cho thu nhập ổn định. Lý do mà Hà đưa ra, là trồng mía có thể khiến đất đai bị bạc màu, việc canh tác không thực sự bền vững. Hơn nữa, tre luồng còn cung cấp nguồn nguyên liệu quý, giúp Hà khởi nghiệp.

Thông thường, các ý tưởng khởi nghiệp ra đời đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Thế nhưng với Lê Xuân Hà, hành trình khởi nghiệp của anh bắt đầu với ước mơ về một cuộc “sống xanh”. Có lẽ bởi thế, anh đã quyết định chọn việc sản xuất ra những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, đem lại lợi ích cho sức khỏe con người.

Công đoạn tạo ra sản phẩm đều được làm bằng tay.

Năm 2018, Lê Xuân Hà đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị như máy cưa, máy xẻ, máy mài, lò sấy… , chính thức bắt tay vào thực hiện các sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường như đũa, muôi, ống hút, thìa, bút viết… Tre, luồng sau khi thu hoạch, sẽ được cắt, gọt đẽo, mài bóng để tạo thành sản phẩm. Sau đó, các sản phẩm này được đem đi sấy khô, tiệt trùng. Tất cả quy trình đều được làm hoàn toàn thủ công, và không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong quá trình bảo quản.

Đặc biệt, với phương châm không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nên có những thời điểm, nhu cầu thị trường tăng đột biến, Lê Xuân Hà vẫn không vội vàng áp dụng máy móc công nghiệp để có thể sản xuất đại trà và giảm giá thành sản phẩm, vì không muốn việc sản xuất theo hướng công nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường.

Nguyên liệu được sấy hoàn toàn thủ công.

Khi được hỏi, việc sản xuất thủ công khiến sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh với thị trường, có khiến Hà lo lắng, anh chia sẻ: “Ngay từ đầu tôi đã quyết, làm cái gì cũng phải nghĩ đến môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Không thực hiện được mục đích ấy, việc trở về với rừng của tôi cũng vô nghĩa. Nếu như một ngày, sản phẩm mình làm ra không còn được chào đón nữa, tôi sẽ dừng lại, chứ nhất định không áp dụng mô hình sản xuất làm ảnh hưởng đến môi sinh”.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, anh đào tạo thêm nhân lực, mở rộng việc sản xuất ra các hộ gia đình trong khu vực, nhờ đó, vẫn giữ được lối sản xuất thủ công truyền thống. Hiện tại, Lê Xuân Hà đã góp phần tạo được công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành; và quan trọng hơn hết, anh truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên cùng ý thức bảo vệ môi trường đến người dân địa phương.

Hiện tại, các sản phẩm làm từ tre, luồng… của Lê Xuân Hà đã có mặt tại một số tỉnh, thành của Việt Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đặt mua mặt hàng của anh để xuất sang các nước châu Âu. Nguồn thu nhập ổn định giúp Lê Xuân Hà có cơ hội đầu tư vào việc tái trồng rừng, mua sắm thêm thiết bị phục vụ sản xuất.

Một số sản phẩm của Lê Xuân Hà.

Bà Nguyễn Thị Vinh, mẹ của Hà cho biết: “Trước đây, khi cháu bỏ học đại học, rồi người trong xóm nói ra nói vào, tôi cảm thấy rất buồn, nhiều lần muốn Hà thay đổi suy nghĩ. Nhưng bây giờ, nhìn thành công bước đầu của cháu, tôi hạnh phúc, và nghĩ rằng Hà đã đi đúng hướng”.

Trước khi chia tay, biết Hà rất giỏi thổi sáo, tôi đề nghị anh thổi tặng mình một bài. Hà vui vẻ đồng ý. Trong buổi trưa cuối xuân, dáng Hà ngồi thổi sáo bên thang gác nhà sàn với giai điệu dìu dặt “sống trong đời sống cần có một tấm lòng….” để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Trang trại xanh của dị nhân xóm núi.

Không nhiều trong số những người trẻ như Hà còn giữ trong mình khát vọng được sống hòa mình với thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên. Đem theo khát vọng ấy vào hành trình khởi nghiệp, đường đi của Lê Xuân Hà chắc chắn sẽ khó khăn, gập ghềnh hơn, nhưng cũng bền vững và giàu ý nghĩa.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết “Dị nhân xóm núi” bỏ 2 trường đại học về quê để 'sống xanh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...