Thứ sáu, 29/03/2024 12:21 (GMT+7)

Chàng trai Mông và giấc mơ “lạ” ở Mù Cang Chải

MTĐT -  Thứ tư, 17/04/2019 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhắc đến La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải là người ta thường nghĩ tới những kiệt tác ruộng bậc thang ở điểm cao 1.000m, nơi đất trời giao thoa.

Ở xứ đó, vượt qua những định kiến và hủ tục, Giàng A Dê - chàng trai người Mông bản địa đã vẽ lên đỉnh đồi những mộng ước của chính mình.

Hello Mù Cang Chải!

Giàng A Dê sinh năm 1989, là chàng trai hiếm hoi trong số những người Mông ở La Pán Tẩn được học hành đến nơi, đến chốn. Anh theo học ĐH Kinh tế Thái Nguyên và tìm được một công việc ổn định tại chi nhánh Viettel Mù Cang Chải. Rồi anh lấy vợ, sinh con như bao người Mông khác ở cái xứ đầu trời cuối đất này.

Thế nhưng, có lẽ cơ duyên đặc biệt nhất đến với Giàng A Dê là khoảnh khắc anh thấy những du khách nước ngoài cắm trại ngủ lại bên cạnh bờ suối giữa cơn mưa rừng khắc nghiệt của miền cao. Anh vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc đó: “Hôm ấy, sau khi đi làm từ huyện về, mưa rừng đổ tới tấp, mình đi qua bờ suối để trở về nhà, thì vô tình thấy một đoàn khách nước ngoài đang ngủ lại ở bờ suốt. Mình nghĩ trong bụng, nếu đêm mà có lũ về thì chẳng biết sao nữa. Thế là đêm ấy về, trong đầu mình cứ trăn trở đến việc làm thế nào phải xây dựng cho được một nơi ăn, chốn nghỉ cho những vị khách đến thăm vùng quê của chính mình. Ngay đêm hôm đó, hàng loạt ý tưởng trong đầu ra đời”.

Giàng A Dê tâm sự về hành trình khởi nghiệp đầy vất vả. Ảnh: Huy Hoàng.

Biết để thực hiện được thì khó khăn trăm bề nhưng trong anh luôn vững tin “chắc chắn mình sẽ làm được”. Giàng A Dê đứng trước lựa chọn đánh đổi: Công việc ổn định, hay bắt đầu những thử thách mới. Chưa đầy một tháng, anh đã có quyết định của mình. Anh kể: “Hôm đó bàn với vợ, thật may mắn vì được vợ ủng hộ và quyết cùng mình thực hiện. Cuối năm 2017, mình nghỉ việc ở Viettel để thực hiện mong muốn đó từ con số không”.

Khi bắt đầu thực hiện mới thấy mọi thứ thật sự rất khó khăn, những vấn đề liên tiếp xuất hiện: Chọn đất xây dựng nhà nghỉ ở đâu, huy động vốn thế nào? Làm cách nào để có thể phát triển dịch vụ mà không tách rời phong tục của người Mông bản địa? Trong đó, thứ khiến anh trăn trở nhất là: “Đất đồi thì nhiều, tour gắn với cuộc sống đồng bào cũng có thể nghĩ ra nhưng nguồn vốn đầu tư là điều khiến mình có ý định bỏ cuộc không dưới một lần”.

Một góc homestay “Hello Mù Cang Chải”.

Anh đi vay tiền, lãi cao, lãi thấp đều có. Cái lý do để thuyết phục mọi người cho anh vay tiền thật chẳng dễ dàng. Bởi ở La Pán Tẩn, số người biết rõ tiếng Kinh bằng tuổi anh còn đếm trên đầu ngón tay làm sao hiểu được homestay là gì. Nhưng trong cái cực lại có cái may mắn. Với người Mông, vốn thật thà và chất phác thì chỉ cần ưng cái bụng, sống tình nghĩa với bản, với làng là họ dốc lòng hỗ trợ mà chẳng cần biết mục đích. Thế là vay mượn nội ngoại, làng xóm bước đầu cũng tạm đủ để khởi sự. Giàng A Dê bắt đầu với hành trình đi tìm đất, chọn chỗ xây dựng nhà nghỉ.

Sau cả tháng lăn lộn, anh mua được một quả đồi nhỏ mà theo như anh nghĩ thì: “Đứng ở quả đồi này, khách du lịch có thể nhìn thấy hết La Pán Tẩn. Thấy được tường tận người dân trồng lúa, tỉa ngô, bắt cá, thấy trẻ con đến trường đi học. Mình nghĩ đây là điểm hợp lý nhất”.

Vậy là với 570 triệu đồng vay mượn được, anh đã bắt đầu hành trình xây dựng của mình. Chị Vàng Thị Lỳ (SN 1992, vợ anh Giàng A Dê) mỉm cười đầy xúc cảm khi nhớ về những ngày đầu cùng chồng khởi sự: “Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng phần nhiều là tự làm lấy: Tự làm đường lên, tự vác vật liệu, cải tạo đồi, trồng thêm cây cối. Đến chỗ nào không hiểu thì hai vợ chồng lại lên Internet xem các homestay khác họ làm thế nào để mình theo. Vất vả lắm nhưng cứ nghĩ đến thành quả là lại có động lực để tiếp tục”.

ừ năm 2017, sau đúng một năm, với nhiều thử thách, homestay mà vợ chồng Giàng A Dê mong đợi đã được hoàn thiện. Tên gọi của homestay đó cũng thật đặc biệt, “Hello Mù Cang Chải”. Chúng tôi hỏi anh về lý do chọn tên gọi này. Anh nói thật hồn nhiên như chính lý do anh xây dựng nó vậy: “Khách Tây đến đây ở “Hello Mù Cang Chải” cho thân thuộc. Người dân cũng hiểu mà du khách cũng vui”.

Khi giấc mơ đã thành hình

Xây dựng được homestay đã khó nhưng để vận hành được nó lại là một quãng đường gian nan nữa của vợ chồng Giàng A Dê. Anh chị vẫn còn nhớ từng chi tiết trong cuộc đón đoàn khách du lịch đầu tiên đó. Giàng A Dê và vợ cứ thế “tranh” nhau kể vể “sự kiện” ấy: “Đoàn khách đầu tiên đến với bọn mình là người Hồng Kông. Khách đến đúng lúc nhà mình hết vốn chẳng còn đủ tiền mà mua chăn màn nữa. Thế là hai vợ chồng lại chạy khắp bản mượn cho được đủ số chăn màn cho 5 vị khách đầu tiên đó”. May sao, khi “khai thật” về sự trục trặc đó, đoàn khách không hề phàn nàn mà còn rất thông cảm và quyết định ở thêm một ngày cùng với anh chị.

Khách nước ngoài đến La Pán Tẩn ngày một đông hơn mà khổ nỗi, anh chị chẳng hề biết tiếng Anh. Nhận thức được rõ sự cản trở ngôn ngữ khi giao tiếp, thế là anh chị lại quyết định “mạo hiểm”. Anh ở nhà tiếp tục cải tạo và xây dựng cảnh quan cho homestay, còn chị ngược lên Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ thế đứt đoạn bởi chốc chốc chị lại phải trả lời một câu hỏi bằng tiếng Anh của một vị khách ngoại quốc nào đó.

Sau 5 tháng ở Sa Pa, chị đã có vốn giao tiếp cơ bản. Ngày chị trở về cũng là ngày thật đặc biệt. Anh Giàng A Dê vẫn nhớ rõ cái đêm ấy: “Hôm đó trời mưa lớn, có một vị khách người Đức đến gõ cửa nhà mình, người thì đang run cầm cập vì rét và đói. Thế là vợ chồng mình đốt lửa, nấu ăn cho anh ấy”.

Sáng hôm sau, vị khách ấy đi khắp nhà và chụp ảnh rồi xin nói chuyện với vợ chồng anh. Vị khách ấy tình nguyện dành 3 ngày ở lại căn nhà của vợ chồng anh để hướng dẫn cho anh chị cách tiếp cận khách du lịch nước ngoài. Từ việc đăng ký các kênh du lịch trực tuyến, đến việc xây dựng trang web, tạo trang Facebook. Vốn có sẵn nhiệt huyết, lại sáng dạ, chỉ mấy tháng sau những hướng dẫn của “anh khách Tây, đẹp trai, tốt bụng” đã được Giàng A Dê triển khai gọn lẹ.

Những đoàn khách cứ thế lần lượt kéo đến, vào mùa lúa chín lẫn cả ngày thường, homestay của vợ chồng anh luôn trong tình trạng “cháy phòng”. Giàng A Dê cũng không khỏi bất ngờ: “Đợt ấy, khách gọi mình xuống thị trấn đón lên. Đi đường mà cứ cười thầm vì vui, vì hạnh phúc. Khách đến ở, họ chính là người thầy của mình. Họ dạy mình cách nấu những món ăn theo kiểu nước ngoài, dạy mình tiếng Anh và cho mình cả niềm vui nữa”.

Chị Lỳ đang trao đổi về những hoa văn thêu trên áo với các vị khách nước ngoài.

Hai năm nay, ngoài phục vụ cho khách du lịch nước ngoài, anh chị còn dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ con ở La Pán Tẩn. Lúc đầu, người Mông vốn chẳng dám cho con đi học. Họ thấy chị Lỳ suốt ngày cứ dẫn mấy ông Tây to cao lực lưỡng đi suối bắt cá, xuống ruộng cấy mạ lại càng ngại. Thế nhưng, khi anh chị được nhiều người ủng hộ hơn, thấy thu được kinh tế từ du lịch là người dân tin ngay. Lớp tiếng Anh cũng từ đó mà có học sinh đi học đều đặn, còn thầy cô giáo thì đến từ đủ mọi quốc tịch. Có khách còn tặng cả một tủ sách cho anh chị.

Nói về cuộc sống của người Mông ở La Pán Tẩn, anh Giàng A Dê vẫn còn lắm những trăn trở: “Khó khăn lớn nhất của người Mông ở đây là ngại thay đổi. Họ chỉ muốn sống với những gì vốn có. Nên cái khó, cái nghèo cứ đeo đẳng. Họ sống mòn trên chính di sản mình gây dựng”.

Giữa lưng chừng những thửa ruộng ngàn đời, anh Giàng A Dê vẫn ngày ngày gieo những ước mơ lớn. Chị Vàng Thị Lỳ dạy người nước ngoài thêu váy hoa. Còn những đứa trẻ người Mông đã được đến trường, được biết tiếng Anh để kể cho thế giới biết về câu chuyện của chính mình. Vợ chồng Giàng A Dê cho rằng thành công của họ là sự may mắn nhưng chúng tôi lại nghĩ, đó là món quà xứng đáng cho quyết tâm dám nghĩ khác, làm đến cùng của anh chị. Từng giọt cà phê vẫn rơi tý tách, lóng lánh dưới ánh nắng sớm mai như lắng đọng hồn đất, hồn người nơi đây gửi gắm đến những vị khách của homestay Giàng A Dê - Vàng Thị Lỳ.

Theo giadinh.net

Bạn đang đọc bài viết Chàng trai Mông và giấc mơ “lạ” ở Mù Cang Chải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới