Thứ sáu, 19/04/2024 18:53 (GMT+7)

Tránh lặp lại sai lầm và trùng lặp nội dung khi Biên soạn Quốc chí

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 4/7, ĐH KHXH&NV và Viện Ngôn ngữ học (Viện hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp tổ chức tọa đàm “Cơ sở biên soạn tập ngôn ngữ và chữ viết bộ địa chí quốc gia Việt Nam”.

GS.TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (trái) và GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (phải) tại buổi tọa đàm

Theo GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Quốc chí). Nhiệm vụ do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN làm chủ nhiệm. “Trường chúng tôi vinh dự phụ trách 10 tập trong số 29 tập của Quốc chí, nhưng tôi nghĩ tập ngôn ngữ và chữ viết sẽ là tập đóng vai trò quyết định cho thành công của Quốc chí. Tôi biết đây là một trách nhiệm nặng nề, nhưng nếu thành công, đây sẽ là công trình được tra cứu, được tham khảo nhiều nhất.”
Đồng tình với ý kiến của GS Minh, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng ông mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tham gia đóng góp ý kiến của mình để hoàn thiện tập sách này.
Tập sách này, cũng như Bộ quốc chí được biên soạn nhằm mục đích xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội…
Theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, Phó tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (Hội ngôn ngữ học Việt Nam), ban biên soạn cần in một cẩm nang các quy định về hình thức, nội dung để người biên soạn và cộng tác viên tham gia biên soạn có thể nắm bắt được. Đó là những quy định tổng quát về cách trình bày, ngôn ngữ diễn đạt… để tránh các lỗi sai không cần thiết. Cuốn cẩm nang này cũng sẽ bao gồm những quy định về việc nên thêm tên ai vào cuốn sách, những trường hợp ngoại lệ,... điều này sẽ giúp ban biên soạn dễ dàng đưa ra phương án giải quyết hơn trước những vấn đề phức tạp.
Theo TS Nguyễn Tuấn Cường, thành viên Ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, dù thời gian gần đây đã có nhiều bộ địa chí ra đời, nhưng việc làm địa chí hiện đại ở Việt Nam vẫn chưa thống nhất, không phải bộ địa chí nào cũng đảm bảo các đặc trưng của thể loại địa chỉ. Ngoài ra, chúng ta cũng “chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở lý luận và phương pháp luận, lại thiếu sự đầu tư và sự chỉ đạo thống nhất, thiếu những quy chuẩn mang tính quốc gia, không có sự liên thông giữa các địa phương”. Những yếu tố trên đã làm giá giá trị thực tiễn của địa chí, không ít các công trình chất lượng chuyên môn chưa được cao như mong muốn của nhóm biên soạn.
Để tránh mắc lại những lỗi như trên, những người biên soạn tập sách mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong buổi tọa đàm này. GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Chủ nhiệm tập ngôn ngữ, chữ viết, cho biết. "Lực lượng tham gia trong ban biên soạn không nhiều, vốn những người nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã ít, mà có một số người đã tham gia vào viện soạn Bộ Bách khoa thư, Bộ Quốc sử rồi nên số người lại càng 'hẻo'."
Một trong những khó khăn lớn nhất của ban biên soạn đó là giữ được độ khách quan trong nội dung cuốn sách. Việc mô tả tiếng Việt, chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm, cho đến ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam là một việc phức tạp lẫn công phu, nhất là khi phải mô tả khách quan như nó hiện có. "Thêm vào đó, có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi cần phải hỏi thêm ý kiến của chuyên gia. Chẳng hạn như việc nên đưa tên của những nhà ngôn ngữ học nào vào trong tập sách, hoặc ý kiến đánh giá về những vấn đề gây tranh cãi…"
Có mặt tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Hồng Việt (Viện Ngôn ngữ học) cũng cho rằng nhóm biên soạn cần phải có một quy định chung về cách trình bày, quy định chính tả, thứ tự, nội dung… Nếu không thì toàn bộ Bộ quốc chí mỗi tập sẽ trình bày một kiểu, gây khó hiểu cho người đọc. Ngoài ra, “nhóm biên soạn nên kết hợp với Viện Tin để đưa lên mạng bản thảo tập sách để những ai quan tâm có thể cùng góp ý, cùng tham gia biên soạn tập sách”.
Đáng chú ý, ông cho biết, với tư cách là một trong những người đang tham gia biên soạn Bộ Bách khoa thư, ông cảm thấy có nhiều phần trong Bộ địa chí và Bách khoa thư dường như có những vấn đề trùng nhau, “cần phải có cơ chế phối hợp để hai bên có thể hỗ trợ cho nhau.”
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng ông khá hoang mang khi có nhiều phần trong Bộ địa chí trùng lặp với Bách khoa thư, hai bên nên có sự trao đổi để không phải tốn quá nhiều công sức, tiền của để làm lại những công việc của nhau.
Lắng nghe các ý kiến, GS.TS Vũ Đức Nghiệu chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi chỉ mới dự kiến cấu trúc tập sách. Còn ban biên soạn cho cả Bộ địa chí Quốc gia vẫn đang làm tập tài liệu quy chuẩn, cũng như lên kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn cho những người phụ trách các tập sách khác nhau. Còn về việc nội dung của tập sách trùng lặp với Bộ Bách khoa thư, bản thân chúng tôi cũng đã lường trước được. Tôi nghĩ việc này cũng như xây hai ngôi nhà, đều cần có một số nguyên liệu, một số bước giống nhau. Trong thời gian tới tôi sẽ làm việc với ban biên soạn Bách khoa thư để trao đổi phương án hợp lý”.
Kết thúc buổi tọa đàm, GS Vũ Đức Nghiệu cho biết đây mới chỉ là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động nhằm xây dựng nội dung tập sách, mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước để hoàn thiện tập sách quan trọng này.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tránh lặp lại sai lầm và trùng lặp nội dung khi Biên soạn Quốc chí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...