Thứ sáu, 29/03/2024 20:32 (GMT+7)

Người biến vỏ trái cây thành nước tẩy rửa

MTĐT -  Thứ ba, 07/04/2020 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3e Bùi Thị Bích Ngọc, nhiều thứ bỏ đi đó lại quý như vàng khi được “phù phép” thành nước tẩy rửa sinh học,

Theo quan niệm của nhiều người, rác thải chỉ là những thứ bỏ đi, thậm chí gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, với CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3e Bùi Thị Bích Ngọc, nhiều thứ bỏ đi đó lại quý như vàng khi được “phù phép” thành nước tẩy rửa sinh học, vừa mang lại lợi nhuận kinh doanh cao, vừa bảo vệ môi trường.

Trăn trở với... rác thải!

Bùi Thị Bích Ngọc sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất nhì miền Bắc. Chứng kiến mỗi ngày có hàng chục tấn vỏ dứa đổ bỏ ra môi trường, số rác này nếu không được xử lý sẽ phân hủy, gây ra mùi khó chịu, hòa vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân, Ngọc đã luôn trăn trở tìm hướng giải bài toán môi trường và cũng là để nâng cao giá trị quả dứa ở địa phương.

Trong quá trình tìm tòi, cô tình cờ được biết đến nghiên cứu của Tiến sĩ Rosuko người Thái Lan có 30 năm nghiên cứu về Eco enzyme. Bằng phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, đem đến những sản phẩm sinh học, xanh cho trái đất, sạch cho môi trường, tốt cho sức khỏe cộng đồng.

“Tôi nhận ra dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa” – Ngọc tâm sự.

Từ ý tưởng đó, Ngọc đã quyết tâm khởi nghiệp với việc nghiên cứu, thực nghiệm ra một loại nước tẩy rửa sinh học từ vỏ dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi...

“Mặc dù chẳng biết gì về công nghệ sinh học nhưng tôi vẫn cố theo đuổi dự định. Tôi tìm đọc tất cả các loại tài liệu liên quan, rồi mang rác về âm ủ đủ cách. Nhiều người còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, viển vông” – Ngọc giãi bày. Sau 2 năm với hàng chục lần nghiên cứu thử nghiệm thất bại, đầu năm 2019, Ngọc đã chính thức đưa đứa con tinh thần của mình ra thị trường, với 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzyme mang thương hiệu Fuwa3e. Đây đều là những sản phẩm tẩy rửa an toàn lành tính, vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa không để lãng phí nguồn rác thải hữu cơ. Đáng nói là ý tưởng khởi nghiệp này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh doanh mà còn giải quyết được những vấn đề môi trường, xã hội.

Đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh

Chất tẩy rửa nói chung và nước tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày nói riêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm tẩy rửa này đều được sản xuất theo phương pháp công nghiệp với thành phần là các chất hóa học tổng hợp gây ô nhiễm môi trường.

Một số loại nước tẩy rửa có nguồn gốc hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài hay sản xuất trong nước cũng có giá thành khá cao nên ít được người dân lựa chọn. Sản phẩm của Fuwa3e ra đời đã đón đầu được xu thế xanh, lại có giá thành thấp hơn những sản phẩm cùng loại nên được khách hàng đón nhận.

Hiện tại, các sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa-3e đã lên kệ ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và cửa hàng uy tín ở một số tỉnh, thành như Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng... Công ty cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo. Trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Ngọc cho biết, công ty sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm từ dứa mang thương hiệu Fuwa3e. Cùng với đó, sẽ phổ biến rộng rãi công nghệ enzyme tới cộng đồng, xã hội hóa trong sản xuất để giúp người dân trong vùng có thêm thu nhập. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu tái chế thêm một số loại rác thải, biến rác thải thành sản phẩm có giá trị cho cộng đồng, trái đất.

Hiện, sản phẩm nước tẩy rửa thương hiệu Fuwa3e đã được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Theo Kinh Tế đô thị

Bạn đang đọc bài viết Người biến vỏ trái cây thành nước tẩy rửa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.

Tin mới