Thứ năm, 18/04/2024 19:09 (GMT+7)

Có gì đặc biệt trong công nghệ quan trắc nước mới vào Việt Nam?

PHẠM TRANG (THỰC HIỆN) -  Thứ sáu, 15/09/2017 22:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phương pháp phân tích nước bằng công nghệ huỳnh quang – hấp thụ đồng thời được giới thiệu và hy vọng sẽ sớm được đưa vào Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về công nghệ quan trắc mới này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với tiến sĩ Adam Gilmore – chuyên gia ứng dụng từ Mỹ của HORIBA Scientific.

Thưa ông Adam Gilmore, theo ông, việc áp dụng một phương pháp mới trong lĩnh vực phân tích nước sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi nào trong việc phát triển công nghệ môi trường ở Việt Nam?

Việc áp dụng phương pháp phân tích nước bằng công nghệ huỳnh quang, hấp thụ đồng thời của tập đoàn HORIBA Scientific sẽ là bước cải tiến lớn trong công nghệ môi trường tại Việt Nam.

Phương pháp này được gói gọn trong một thiết bị có khả năng phân tích những hóa chất, chất hữu cơ phát huỳnh quang và tất cả tác nhân có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước có tên Aqualog. Bên cạnh đó, thiết bị này cũng được sử dụng để theo dõi sự thay đổi của những tác nhân đó đối với môi trường nước hay sử dụng cho những đối tượng nước cần nghiên cứu hoặc kiểm tra.

Điểm độc đáo của phương pháp mới này nằm ở chỗ nó sử dụng một thiết bị không cần các thao tác chuẩn bị mẫu, cũng không phải sử dụng hóa chất nên có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiết kiệm tiền cho việc đầu tư.

Đặc biệt, tại Việt Nam, có rất nhiều tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là tình trạng ô nhiễm nước đang ở mức báo động. Chính vì thế, nếu không có giải pháp để kiểm tra nhanh chóng, kiểm soát những tác nhân gây hại, rất có thể gây ra tác động nguy hại tới môi trường.

Tiến sĩ Adam Gilmore – chuyên gia ứng dụng từ Mỹ của HORIBA Scientific trao đổi với PV.

Ông đánh giá nguyên lý họat động của Aqualog như thế nào?

Aqualog là một thiết bị phân tích dựa trên phương pháp quang phổ huỳnh quang và hấp thụ đồng thời. Khi bạn cho một mẫu nước cần phân tích vào một cuvet nhỏ, và đặt vào buồng mẫu của máy, nó sẽ sử dụng một nguồn sáng xenon kích thích vào mẫu đấy, khi đó, sẽ cho ra các tương tác và các chất cần kiểm tra có hiệu ứng huỳnh quang sẽ tạo ra các bước sóng đặc trưng của chất đó. Như là dấu vân tay định danh chất, thông qua bộ đầu thu CCD và phần mềm xử lý, kết quả sẽ cho biết chất đó là chất gì.

Khi đã xây dựng được giản đồ định lượng, bạn sẽ xác định được nồng độ trong mẫu là bao nhiêu? So với các phương pháp hiện tại như GC hay HPLC, giá trị đầu tư ban đầu của thiết bị này rẻ hơn, do khi muốn phân tích một mẫu sẽ phải mất thời gian chuẩn bị mẫu và tiêu hao nhiều hóa chất, chi phí hoạt động vì vậy sẽ đắt hơn nhiều so với công nghệ này.

Khi đưa vào ứng dụng tại Việt Nam, HORIBA Scientific sẽ tập trung khai thác vào những đối tượng nào?

Chúng tôi muốn đưa Aqualog đến với tất cả các đơn vị có hoạt động liên quan đến nguồn nước, bao gồm cả việc theo dõi, quan trắc, hay muốn biết sự thay đổi của nguồn nước đó như thế nào.

Ví dụ, các đơn vị cung cấp nước sinh hoạt hoặc nhà máy xử lý nước có thể dùng thiết bị này để tiết kiệm hóa chất xử lý khi đã biết được quy trình xử lý đang gặp phải vấn đề nào đó, khi đó, ngay lập tức họ có thể điều chỉnh lại ngay, thời gian điều chỉnh gần như đồng thời.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan đến quan trắc sông ngòi, nước hồ, nước biển, theo dõi sự ô nhiễm của nguồn nước, các viện nghiên cứu và các trường đại học nghiên cứ cho sự thay đổi môi trường nước cũng rất cần đến thiết bị tối ưu này.

Thưa ông, phương pháp phân tích nước trên nguyên lý huỳnh quang đã được đưa vào sử dụng ở Mỹ từ thời gian nào? Công nghệ này áp dụng ở Việt Nam thời điểm hiện tại có phải đã chậm so với bên ngoài hay không, thưa ông?

Phương pháp này được áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ là năm 2011, cho đến nay có khoảng 300 thiết bị đã được lắp đặt ở Mỹ, ngoài ra, một số quốc gia khác như Canada, Australia, Singapore, gần đây là Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng thiết bị này.

Theo tôi, không phải là quá muộn khi đến thời điểm này Việt Nam mới biết đến Aqualog. Ở Mỹ, khi HORIBA giới thiệu thiết bị này lần đầu tiên, họ đã tìm kiếm đến những khách hàng là các viện nghiên cứu và các trường đại học với mục đích nghiên cứu là đầu tiên. Thời gian gần đây mới bắt đầu đưa vào sử dụng cho các đối tượng mang tính ứng dụng. Đây là một cơ hội Việt Nam có thể tiếp nhận được những công nghệ mới, có đầy đủ tất cả những thông tin mới đã được đúc kết trong quá trình sử dụng tại Mỹ hoặc nhiều nước phát triển khác.

Với tôi, đây sẽ trở thành  một lợi thế của Việt Nam chứ không phải là bất lợi.

Được sử dụng ở Mỹ trong một khoảng thời gian dài, phương pháp này đã đem đến những đổi thay như thế nào đối với công nghệ môi trường của Mỹ?

Chúng tôi đã thu thập rất nhiều xác nhận từ khách hàng khi sử dụng thiết bị. Tất cả khách hàng của chúng tôi đều nhận định, từ trước đến nay, không có một thiết bị nào có thể đo được đồng thời cả huỳnh quang và hấp thụ trong một lúc.

Đây là một phương pháp cải tiến vượt bậc so với các phương pháp trước đó. Nó có thể giải quyết được rất nhiều bài toán từ việc đo được nhiều hợp chất, hóa chất khác nhau chỉ trong một thiết bị. Đó là một điều khiến khách hàng của chúng tôi rất vui mừng và tin tưởng sử dụng.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Bạn đang đọc bài viết Có gì đặc biệt trong công nghệ quan trắc nước mới vào Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.