Thứ sáu, 29/03/2024 06:09 (GMT+7)

Xử lý ô nhiễm môi trường đất và nước bằng cỏ Vetiver

MTĐT -  Thứ năm, 21/02/2019 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cỏ Vetiver được gọi là cỏ Hương bài hoặc cỏ Hương lau, có tên khoa học là Vetiveria zizanioides L. Cỏ Vetiver còn được ứng dựng trong xử lý ô nhiễm môi trường.

Cỏ Vetiver là một loại thực vật có bộ rễ rất phát triển, mọc rất nhanh và ăn rất sâu, bám chắc vào trong lòng đất. Chúng có đặc tính là chịu hạn và chịu nước rất tốt, đặc biệt là chúng có thể sống và sinh trưởng được trong vùng ngập nước có mức độ ô nhiễm cao.

Rễ của chúng có thể ăn sâu vào trong lòng đất tới 3,6m trên nền đất tốt. Bộ rễ rất lớn và dài chính là điều kiện tốt cho sự phát triển và sinh trưởng của các loài vi khuẩn và nấm, giúp cho quá trình phân hủy và hấp thụ các chất hữu cơ, Nitơ, phốt pho, kim loại nặng...

Thân cỏ Vetiver mọc thẳng đứng, rất cứng, có thể đạt tới 3 m chiều cao, nếu trồng dày thì chúng tạo thành hàng rào sống, kín nhưng vẫn thoáng, khiến nước chảy chậm lại và hoạt động như một màng lọc, giữ lại bùn đất.

Cỏ Vetiver có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích như: chống sạt lở các công trình giao thông, xây dựng; giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng..., đặc biệt là cỏ Vetiver được sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm đất, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Cỏ Vetiver được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong việc cải tạo môi trường. 

Xử lý nước thải chăn nuôi

Trung Quốc là nước nuôi nhiều lợn nhất trên thế giới. Năm 1998, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông có tới 1.600 trại nuôi lợn, trong đó hơn 130 trại sản xuất hơn 10.000/trại con Lợn thịt mỗi năm. Mỗi trại lợn này xả ra 100 – 150 tấn chất thải mỗi ngày, kể cả phân lợn tập trung từ các lò mổ, chứa rất nhiều chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý nước thải ở các trại lợn là một trong những vấn đề bức xúc nhất ở những khu vực đông dân cư tại đất nước này. Vấn đề đã được giải quyết bằng việc sử dụng cỏ vetiver tạo ra các vùng đất ngập nước, chất thải được phân hủy phần lớn tại các đồng cỏ ngập nước này và chất lượng môi trường đã được cải thiện.

Chặn giữ bùn đất và các hóa chất nông nghiệp bị rửa trôi từ đồng ruộng

Ở Thái Lan, một số thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoàng gia Huai Sai (tỉnh Phetchaburi) cho thấy, cỏ Vetiver trồng thành nhiều hàng theo đường đồng mức trên đất dốc có tác dụng như một đập nước sống.

Sử dụng cỏ Vetiver trong xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm chất hữu cơ cao

Năm 1996, tại Ôxtrâylia, cỏ Vetiver lần đầu tiên được dùng để xử lý chất thải từ các nhà vệ sinh. Qua thực nghiệm cho thấy, 100 khóm cỏ Vetiver trên một diện tích khoảng 50 m2 có thể đủ để phân hủy hết lượng nước thải từ một khu vệ sinh ở một công viên. Cũng tại đây, người ta đã xử lý rất hiệu quả khối lượng lớn nước bằng cỏ Vetiver, tới 1,4 triệu lít nước thải/ngày tại một nhà máy chế biến lương thực và 1,5 triệu lít nước thải/ngày tại một lò mổ sản xuất thịt bò.

Xử lý nước rỉ từ bãi rác

Nước rỉ từ bãi chôn lấp rác thường có mức độ ô nhiễm chất hữu cơ và kim loại nặng rất cao. Ở Ôxtrâylia và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề này bằng cách trồng cỏ Vetiver trên các bãi rác và lấy luôn nước thải thấm rỉ để tưới. Kết quả thu được tốt tới mức đáng ngạc nhiên, mức độ ô nhiễm giảm hẳn trong khi cỏ Vetiver phát triển tốt.

Hấp thụ kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác

Cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ nhanh chóng các kim loại nặng và các chất dinh dưỡng khác trong nước và có thể chịu được những chất này dù ở hàm lượng rất cao. Tuy hàm lượng những chất này trong cỏ Vetiver nhiều khi không cao như ở một số giống cây siêu tích tụ khác, nhưng do nó phát triển rất nhanh và cho năng suất rất cao nên cỏ Vetiver có thể hấp thụ một lượng chất dinh dưỡng và kim loại nặng lớn hơn nhiều so với phần lớn các giống cây siêu tích tụ khác. Sự phân bố kim loại nặng trong cỏ Vetiver có thể chia làm 3 nhóm: Rất ít As, Cd, Cr và Hg do rễ hấp thụ được chuyển lên thân lá (1 - 5%); Một lượng vừa phải Cu, Pb, Ni và Se do rễ hấp thụ được chuyển lên thân lá (16 - 33%) và Zn được phân bố đồng đều ở thân lá và rễ (40%).

Tại Việt Nam, bước đầu đã thử nghiệm tại nhà máy chế biến hải sản. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng Nitơ tổng trong nước thải giảm 88% sau 48 giờ và giảm 91% sau 72 giờ, hàm lượng Phốtpho tổng giảm 80% sau 48 giờ và 82% sau 72 giờ.

Giống cỏ Vetiver đã và đang được trồng rộng rãi ở Việt Nam có nguồn gốc từ Phillippines hoặc Thái Lan. Vetiver là “trợ thủ” đắc lực cho người nông dân, tiết kiệm nước trong đất, giúp cho cây trồng chống hạn, sinh ra rơm phủ, làm cho đất tốt dần lên để người nông dân có thể xen canh nhiều loại cây.

Khi trồng Vetiver cạnh cây trồng, sự cạnh tranh dinh dưỡng là không nhiều và lượng dinh dưỡng, vi khoáng ở tầng sâu 4 - 5 mét, thậm chí 7 - 10 mét được Vetiver khai thác bằng sinh khối thân, lá và trả chúng lại cho đất mặt. Điều này có ý nghĩa như việc chúng ta đảo đất, đảo sâu tới 7 - 10 mét. Vetiver với bộ rễ khổng lồ, nhiều sợi nhỏ cũng giúp đất đai tơi xốp, không khí lưu thông. Khi có mưa, bộ rễ cũng giống như miếng bọt biển thu giữ nước, đưa nước thấm sâu vào đất.

Từ cuối năm 1990, Vetiver được du nhập về Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã tiếp cận và bắt đầu tiến hành rất nhiều nghiên cứu.

Năm 2002, Vetiver đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải cho phép trồng ở Việt Nam. Suốt nhiều năm, các thử nghiệm về Vetiver đã được tiến hành, đánh giá, nghiệm thu. Tuy nhiên, đến nay, Vetiver vẫn chỉ được biết đến như một giải pháp phòng chống sạt lở và thuộc sở hữu của một số công ty xây dựng.

Được biết, tháng 5/2018, Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) đã trồng thử nghiệm Vetiver ở một số đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa nhằm giúp cho hệ sinh thái Trường Sa được cải tạo, ngăn mặn, tạo chất dinh dưỡng, thích hợp trồng cây và rau.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, ưu điểm của Vetiver là có bộ rễ xuyên sâu trở thành màng lọc tự nhiên khiến cho khu vực trong đảo trở nên gần giống đất liền hơn. Nhiều nước trên thế giới đã dùng cỏ Vetiver để chống sạt lở, ngăn mặn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý ô nhiễm môi trường đất và nước bằng cỏ Vetiver. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.