Thứ sáu, 26/04/2024 17:55 (GMT+7)

Việt Nam sắp thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 16:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giám đốc VABIOTEC (Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế), vừa cho biết vaccine ngừa Covid-19 do đơn vị này nghiên cứu và sản xuất đang hướng tới giai đoạn thử nghiệm trên người.

Ngày 30/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

TS Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam, cho hay tổ chức này đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: việc kiểm soát dịch bệnh (ở cả hai đầu chuyến bay đi - đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế; hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập.

Tại cuộc họp, đại diện WHO cho rằng thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vắc xin và muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19. Các đơn vị đã thử nghiệm trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người.

Mới đây, trao đổi với Zing, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc VABIOTEC (Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế), vừa cho biết vaccine ngừa Covid-19 do đơn vị này nghiên cứu và sản xuất đang hướng tới giai đoạn thử nghiệm trên người, dự kiến đầu năm 2021.

Cụ thể, đến nay, VABIOTEC đã có 2 đợt tiêm thử nghiệm trên chuột, trong đó, 4 lô chuột được tiêm có đáp ứng kháng thể.

"Chúng tôi hy vọng tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa, có thể thử nghiệm trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người. Sau đó, cần thêm 2-3 tháng tiếp để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vaccine ra sử dụng chính thức", ông Đạt nói.

Để vaccine ngừa Covid-19 này trở thành sản phẩm thương mại, cần phát triển để hiệu suất sản xuất tăng lên hàng triệu liều với chất lượng ổn định.

VABIOTECH là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vaccine dự tuyển Covid-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột.

Ông Đạt cho biết, khi có trình tự gene virus gây Covid-19 từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của VABIOTECH đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine Covid-19.

Đối với việc việc phát triển vaccine, có nhiều lựa chọn khác nhau với các công nghệ như vector virus, tổng hợp gene DNA và RNA. Công nghệ VABIOTEC đang sử dụng là sử dụng vector virus - hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.

Theo GS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, có 4 trong 8 lô chuột được tiêm ngừa vắcxin này hồi cuối tháng 4 vừa qua, đã được đánh giá là có đáp ứng kháng thể, có thể ngừa được COVID-19.

Theo ông Đức Anh, thế giới đang sử dụng 3 công nghệ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19. Thứ nhất là công nghệ sử dụng virus bất hoạt, đây là công nghệ Trung Quốc hiện đang làm và họ đã sản xuất được vắcxin.

Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm trên người ở giai đoạn ban đầu, kết quả có đáp ứng miễn dịch tương đối tốt nhưng cơ sở vật chất để sản xuất vắcxin cũng phải đáp ứng được yêu cầu, như phòng an toàn sinh học cấp 3, nếu sản xuất đại trà thì khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay.

Công nghệ thứ 2 VABIOTEC đang sử dụng, là sử dụng vector virus. "Chúng ta tìm kháng nguyên của virus corona và đưa vào một virus lành tính, tiêm vào chuột, bước đầu thấy kết quả như trên. Một số quốc gia đang sử dụng công nghệ này", ông Đức Anh giải thích.

Công nghệ thứ 3 mới hơn, công nghệ gen, Mỹ, Anh và một số quốc gia đang sản xuất vắcxin COVID-19 bằng công nghệ này. Họ cũng đã phát triển được vắcxin, tính cả khâu đánh giá trên người sẽ mất khoảng vài tháng nữa. "Còn Việt Nam, theo tôi khoảng 6-9 tháng nữa", ông Đức Anh cho biết.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam sắp thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới