Thứ sáu, 29/03/2024 21:54 (GMT+7)

Thoát nước Nam Bộ: Đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật

MTĐT -  Thứ ba, 19/12/2017 21:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hệ thống cấp, thoát nước đô thị có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

1. Thực trạng ngập úng , ô nhiễm và thoát nước đô thị.

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam rất cao, đặc biệt khu vực phía Nam, trong đó điển hình là Đông Nam Bộ có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị các tỉnh Nam Bộ sẽ tăng lên tới 25 triệu người- tỷ lệ đô thị hóa 40-45%.

Cũng vì tốc độ đô thị hoá nhanh nên đã gây sức ép lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung đang ở tình trạng xuống cấp, việc đầu tư xây dựng mới còn chậm và chưa đáp ứng nhu cầu. Hệ thống thoát nước của các đô thị tại khu vực Nam Bộ thường chung cho tất cả các loại nước thải, nước mưa, hệ thống này hầu hết được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, chất lượng quy hoạch còn chưa cao, chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ trong đó có nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng thoát nước đô thị tại nhiều địa phương các tỉnh Nam bộ còn rất thấp, đặc biệt là các tỉnh miền Tây. Nhiều tuyến cống lại không đủ tiết diện thoát nước hay bị phá hỏng, xây dựng lấn chiếm không theo quy hoạch, đổ đất rác bừa bãi, san lấp ao, sông hồ... Bên cạnh đó công tác dự báo thiên tai và sự biến đổi bất thường của thời tiết gây lũ lụt cũng còn hạn chế gây khó khăn cho công tác phòng chống.          

Trong những năm qua, công tác quản lý môi trường đô thị khu vực Nam bộ đã có những bước tiến đáng kể, các chính sách, quy định pháp luật về BVMT đô thị được hoàn thiện; việc đầu tư, huy động các nguồn lực BVMT đô thị được tăng cường; nhiều dự án, chương trình cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm được triển khai; chất lượng môi trường không khí, nước tại một số đô thị có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức trong công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn tiếp tục xảy ra. 

Hiện nay, ở các đô thị khu vực Nam Bộ còn rất thiếu các trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên ở nhiều nơi, một số trạm xử lý nước thải đã được xây dựng lại hoạt động không hết công suất, do việc đầu tư không đồng bộ, thiếu cống thu gom nước thải nên không có nước thải chảy về trạm xử lý. Nhiều nơi do hạn chế, giảm thiểu chi phí, vận hành trạm xử lý không đúng chế độ thiết kế. Các vấn đề kết hợp giữa bể tự hoại với mạng lưới thoát nước chung, riêng hay hỗn hợp tổ chức thoát nước và xử lý nước thải tập trung hay phân tán, vấn đề tái sử dụng nước thải, xử lý và tái sử dụng bùn cặn, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, tối ưu hoá vận hành và bảo dưỡng các công trình trong hệ thống thoát nước là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Số lượng hệ thống thu gom và xử lý nước thải phân tán quy mô nhỏ phục vụ cộng đồng nhỏ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, cũng áp dụng đầu tư, quản lý hệ thống xử lý nước thải phân tán là các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư địa phương và chính quyền địa phương. Vận hành và bảo dưỡng bền vững là vấn đề chính của hệ thống xử lý nước thải phân tán, do những hạn chế trong kỹ năng bảo trì và quản lý hệ thống. 

Bên cạnh các sản phẩm nhập ngoại, đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ xử lý nước thải phân tán do các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển hay Việt Nam hoá như: các bể tự hoại kiểu mới bằng bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn (Cty Thoát nước đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu), bể xử lý kết hợp kỵ khí và hiếu khí chế tạo sẵn bằng vật liệu composite theo công nghệ Bastafat và Afsb (Viện khoa học và Kỹ thuật Môi trường,Trường Đại học xây dựng), các bể xử lý nước phân tán bằng bê tông cốt thép với công nghệ bùn hoạt tính, công nghệ lọc sinh học, bioten.… 

Công trình vệ sinh hộ gia đình phổ biến nhất ở các đô thị Nam bộ là bể tự hoại, chiếm trên 90% hộ gia đình. Trong khi các khu vực miền Tây thì công trình vệ sinh thường nằm trên kệnh rạch. Khu dân cư rải rác, phân bố trên diện rộng, sông rạch chằng chịt nên có nhiều hộ gia đình dù có nhà tiêu tự hoại nhưng lại không được đấu nối vào hệ thống cống chung do không có mạng lưới cống trong các ngõ. Kết quả là nước thải chảy vào các rãnh hở hoặc chảy ra xung quanh hoặc ngấm vào đất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống nguồn nước ngầm. Các bể tư hoại của các hộ gia đình nói chung thường có dung tích nhỏ, trong khi việc hút bùn không được thực hiện định kỳ. Nhiều hộ gia đình hàng chục năm không hút bể phốt, bể tự hoại của mình. Do vậy nước thải, có lẫn theo bùn từ các bể phốt bị rò rỉ và được xả vào các cống chung, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm tại các khu đô thị và khu đông dân cư. 

Nhiều thành phố như Vũng Tàu, TP. HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An đang gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích chôn lấp bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải. Cho đến nay việc thu hồi tài nguyên từ bùn chưa trở thành vấn đề quan tâm của các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị. 

Các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ hút phân từ bùn một cách tự phát, hầu hết đều đang thải bỏ phân bùn bừa bãi ra các bãi đất trống, vào mương, cống thoát nước hay trực tiếp ra sông, hồ,… gần nơi hút phân bùn để tiết kiệm chi phí vận chuyển mà không bị kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và lây lan dịch bệnh. 

Để kiểm soát ô nhiễm môi trường, cần kiểm soát tốt hệ thống thu gom nước thải. Trong khi tại hầu hết các đô thị Nam Bộ hiện nay, xả nước thải chung với hệ thống thoát nước mưa chống ngập của đô thị, kết hợp để thoát cả nước mưa và nước thải, gồm các kênh hở, ao hồ, cống bê tông, rãnh nước thải có nắp đậy. Hệ thống cống thoát nước riêng chỉ được xây dựng trong hàng chục năm qua nhưng cũng chỉ được thực hiện ở một số rất ít địa phương. Tại các đô thị lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Vũng Tàu hệ thống cống chung đã được xây dựng hàng chục năm, đã hư hỏng xuống cấp nhiều. Trong khoảng 15 năm qua, hệ thống cống thoát nước đô thị được đầu tư lắp đặt mới ở các dự án thoát nước, nâng cấp đô thị và giao thông, chủ yếu là các tuyến cống cấp 1 và 2.

  1. Xây dựng góp ý thể chế chính sách thoát nước

Được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như: ADB, WB... và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan, nhiều tỉnh thành khu vực Nam Bộ đã và đang triển khai tích cực nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường nói chung, thoát nước nói riêng tại các đô thị. Dự án Hợp tác Đức - Việt nâng cao năng lực cho ngành nước Việt Nam (DEVIWAS) thời gian qua cũng đã có nhiều hoạt động đào tạo và kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Đức và Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ vì một ngành nước Việt Nam phát triển bền vững, điển hình là các tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Tháp, TP. HCM và Long An 

Tại khu vực Nam Bộ, mới chỉ có Công ty Thoát nước và PTĐT Bà Rịa- Vũng Tàu và Công ty CP Nước- Môi trường Bình Dương là có đủ các chức năng: chủ đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống thoát nước trên toàn địa bàn tỉnh. Còn lại các công ty quản lý chuyên ngành thoát nước đô thị tại các tỉnh, kể cả thoát nước đô thị tại các đô thị lớn cũng chỉ thực hiện quản lý, vận hành một phần hệ thống thoát nước. Ngay như tại TP HCM, thành phố lớn nhất nước, mô hình quản lý thoát nước đô thị vẫn còn nhiều bất cập: có nhiều ban QLDA thoát nước trực thuộc nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Mạng lưới cống cấp 3 trở xuống do các quận quản lý, kênh rạch do sở NN & PTNT quản lý… 

Năm 2016, lĩnh vực hợp tác quốc tế được mở rộng, ngoài hợp tác đầy hiệu quả với Hội nước Đức, Chi hội Thoát nước Nam Bộ (Chi hội) tiếp tục có hợp tác thông qua các dự án với cơ quan Hợp tác phát triển Đức – GIZ. Chi hội đang thực hiện sự chỉ đạo của Hội cấp thoát nước Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy Hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước và Hội nước Úc cũng như một số Hội nước Asean, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan. Thời gian qua Chi hội cũng đã tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động tham gia đề xuất cải cách khung chính sách, khảo sát, đánh giá, thu thập ý kiến góp ý của Hội viên, kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền. Tham gia sửa đổi Nghị định 17, Luật Cung cấp nước sạch và các chính sách ngành nước. Nghiên cứu, góp ý, xây dựng một số định mức kinh tế, kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nước cũng như các quy hoạch và dự án lớn của ngành.

  1. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành:

Trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực : Trường Đại học Xây dựng Miền Tây tổ chức 6 khóa đào tạo liên kết từ Trung cấp đến Đại học ngành cấp thoát nước cho trên 300 học viên  thuộc các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp. Tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về lĩnh vực Cấp thoát nước. Công bố các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực cấp thoát nước trên Tạp chí khoa học chuyên ngành… Ngoài ra Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cũng phối hợp tố chức thi tay nghề ngành nước cho 437 học viên  của các Công ty cấp thoát nước Bến Tre, Đồng Tháp An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh... 

Trong năm 2016 ,Chi hội phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Dự án Hợp tác Đức - Việt nâng cao năng lực cho ngành nước Việt Nam (Deviwas) tổ chức các lớp tập huấn về quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, tập huấn về xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải, bồi dưỡng Kỹ năng lãnh đạo… thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia. Phối hợp tổ chức hội thảo : “Khởi động hợp tác GIZ-GWP-VWSA kết nối năng lực cho ngành nước Việt Nam” và phối hợp tổ chức lễ khai trương Trung tâm năng lực ngành nước tại Vũng Tàu. Các hoạt động đào tạo và kết nối được triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Đức và Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ vì một ngành nước Việt Nam phát triển bền vững. 

  1. Đổi mới công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

+ Ứng dụng tiến bộ KHKT : Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ ứng dụng hệ thống quản lý, giám sát ghi chỉ số nước bằng điện thoại thông minh, áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền nước, Công ty Xây dựng công trình Hùng Vương áp dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại của Ý, Đức vào sản xuất cống thoát nước và đang triển khai áp dụng phần mềm quản trị ERP trong toàn hệ thống, Công ty CTN Cần Thơ với việc áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến như PMIS (về nhân sự), WWMS (về quản lý tài sản), TGO (xử lý dữ liệu) và cập nhật hệ thống thoát nước từ máy đo GPS... Ngoài ra, hầu hết các đơn vị hội viên Chi hội thoát nước Nam Bộ đều áp dụng và duy trì tốt hệ thống quản lý  chất lượng ISO 9001-2008. Công ty CP Nước -Môi trường Bình Dương với việc áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến kết hợp với hệ thống điều khiển vận hành tự động SCADA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Công ty Thoát nước Đô thị TP.HCM đã triển khai xây dựng và ứng dụng thành công phần mềm truyền tải thông tin ngập (UDI Maps), sau ba tháng kể từ ngày ra mắt cộng đồng thông qua cửa hàng Google Play (CH Play) dành cho dòng điện thoại chạy hệ điều hành Android, UDI Maps đã thu về được rất nhiều phản hồi và đóng góp tích cực. Những ý kiến đánh giá này chính là cơ sở để đội ngũ nghiên cứu tìm ra phương án cải tiến và nâng cấp UDI Maps nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết thực của người dùng. Hiện nay,để mở rộng đối tượng sử dụng, Công ty Thoát nước đô thị TP. HCM đã nghiên cứu và kịp thời cho ra mắt phiên bản ứng dụng trên App Store dành cho các khách hàng của Apple. Hy vọng trong thời gian tới, UDI Maps sẽ có thể trở thành bạn đồng hành thân thiết, hỗ trợ đông đảo người dân thành phố di chuyển an toàn qua khỏi mùa mưa.

+ Sáng tạo. sáng kiến cải tiến kỹ thuật : Công ty Môi trường đô thị An Giang chế tạo thành công máy thông lòng cống; Công ty Môi trường đô thị Cà Mau sản xuất thùng rác, cơ giới hóa để dần thay thế lao động thủ công; Công ty CP Cấp nước & MTĐT Đồng Tháp từ năm 2015- 2017 đã có 53 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào hoạt động dịch vụ, sản xuất, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM đã triển khai lắp đặt 338 hệ thống ngăn mùi bằng van kiểu mới tại TP.HCM trên các tuyến đường Lê Văn Thọ – Gò Vấp, Trương Định – Quận 3 và Vĩnh Khánh – Quận 4.

+ Nghiên cứu phát minh, đổi mới công nghệ : Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT với rất nhiều công trình nghiên cứu chế tạo các  loại sản phẩm dùng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Điển hình là các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu  khoa học công nghệ của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (Busadco) đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong xây dựng hệ thống thoát nước đô thị ở Việt Nam. Hiện Busadco có 35 công trình khoa học công nghệ; Cục sở hữu trí tuệ cấp 21 bằng độc quyền, 62 quyết định công nhận sáng chế và giải pháp hữu ích.49 bằng độc quyền và 79 quyết định chấp nhận kiểu dáng công nghiệp. Bộ KHCN nâng cấp 14 tiêu chuẩn cơ sở Busadco thành tiên chuẩn quốc gia: 15 sản phẩm (TCVN); 9 chứng nhận công nghệ phù hợp, 7 chứng nhận hợp chuẩn; 6 kỷ lục Việt; 7 giải thưởng VIFOTEC, 18 giải thưởng quốc tế (4 giải WIPO, 1 giải thưởng xuất sắc chất lượng châu Á Thái Bình Dương); Cuối năm 2015 Busadco được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt. Đặc biệt đầu năm 2017, ông Hoàng Đức Thảo – AHLĐ, Chủ tịch kiêm TGĐ Busadco, Chủ tịch Chi hội Thoát nước Nam Bộ đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh giành cho cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Các sản phẩm của cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được sản xuất ứng dụng công nghệ vật liệu mới : dùng sợi polypropylen thay thế cho cốt thép trong bê tông.

  1. Hình thức và phương thức quản lý thoát nước tại các địa phương

Cho đến nay, trong cả nước mới chỉ có 7 tỉnh, thành phố có công ty thoát nước đô thị hoạt động độc lập là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Bà Rịa –Vũng Tàu, Thái Nguyên, Quảng Bình, Đà Nẵng. Còn lại các đô thị khác thường là công ty quản lý đô thị, công ty môi trường đô thị hoặc công ty cấp thoát nước.vv…vv. Vấn đề phân cấp nguồn vốn và phương thức quản lý mỗi địa phương cũng khác nhau. 

Nhiều đơn vị hội viên Chi hội đã chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang Công ty cổ phần như : Công ty cổ phần CTN Cần Thơ, Cty CP Cấp nước & MTĐT Đồng Tháp, Cty CP CTN & Công trình đô thị Hậu Giang, Cty CP Nước- Môi trường Bình Dương, Cty CP Cấp thoát nước Bến Tre…Bước đầu hoạt động ở loại hình mới cũng có những khó khăn,lúng túng, tuy nhiên, nhìn chung các đơn vị hội viên của Chi hội hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch được giao, thực hiện tốt các quy định pháp luật Nhà nước, đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, cố gắng duy trì hoạt động hội nghề nghiệp. Nhiều đơn vị hội viên đạt thành tích trên các mặt hoạt động, điển hình như : Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT, Cty Môi trường đô  thị An Giang, Công ty CP CTN MTĐT Hậu Giang, Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, Công ty Môi trường đô thị Cà Mau, Công ty CP CTN & MTĐT Đồng Tháp, Công ty xây dựng công trình Hùng Vương….

Nhà máy nước Cần Thơ 1. Ảnh: TL.

  1. Khó khăn, thuận lợi:
  1. Nhóm Công ty vận hành hệ thống thoát nước:

Những năm gần đây, nhằm cải thiện khâu thu gom, vận chuyển nước thải cũng như xử lý nước thải (XLNT) trước khi xả vào môi trường, mạng lưới thoát nước riêng ở các tỉnh Nam bộ bắt được xây dựng, đặc biệt là ở các đô thị mới hoặc ở một phần đô thị cũ cũng được cải tạo, mở rộng. Các nhà máy xử lý nước phân tán tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn cũng đã và đang được quan tâm xây dựng. 

Tuy nhiên, Chính sách về thu phí thoát nước chưa thống nhất: Người dân vẫn coi việc đầu tư cho thoát nước là việc của chính quyền đô thị vì thế họ không nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ hệ thống thoát nước, thậm chí còn gây ảnh hưởng, lấn chiếm hành lang an toàn thoát nước. Công tác thu gom nước thải cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở khâu đấu nối giữa các hộ thoát nước với HTTN và xử lý bùn cặn từ bể tự hoại. Về công nghệ XLNT đô thị đang được áp dụng thì hiện nay, đại đa số các nhà máy XLNT đều sử dụng phương pháp sinh học với các công nghệ như công nghệ bùn hoạt tính, công nghệ sinh học, công nghệ hồ sinh học và xử lý cơ học. Một số vấn đề hạn chế trong công tác thiết kế, vận hành ở các nhà máy XLNT, đó là: Trong tính toán xác định công suất lựa chọn công nghệ XLNT, các đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước thiên về quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn xả thải cao. Tâm lý này dẫn đến lãng phí và hiệu quả sử dụng thấp. 

Trong mùa mưa bão năm nay, công tác phòng, chống úng ngập tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hệ thống thoát nước ở nhiều khu vực vẫn trong quá trình vừa vận hành, vừa cải tạo. 

Tại TP.HCM, một đô thị lớn nhất cả nước, tình trạng này cũng không khả quan hơn. Nguyên nhân ngập úng chủ yếu là mạng lưới tuyến cống quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu đồng bộ, và không được duy tu, sửa chữa kịp thời. Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức phân cấp quản lý hệ thống thoát nước hiện nay chưa được thống nhất. Thực tế, công tác duy tu, bảo dưỡng cũng như xây dựng mới mạng lưới tuyến cống thoát nước không được thực hiện đồng bộ. Về công tác quản lý hệ thống cốt nền xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt chưa chặt chẽ, từ đó không có sự khớp nối giữa hạ tầng kỹ thuật của các khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính với hệ thống thoát nước hiện có. Công tác bảo vệ, duy trì diện tích các hồ hiện có nhằm tận dụng khả năng trữ nước của hồ và việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ hệ thống tiêu thoát nước cũng còn nhiều hạn chế.

  1. Nhóm hoạt động về dịch vụ môi trường:

Theo đó dịch vụ môi trường (DVMT), sản xuất thiết bị môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường là ba lĩnh vực phát triển chủ đạo của nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành rất nhiều các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển DVMT, với việc nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp DVMT thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư. quy định nguồn vốn đầu tư và ưu đãi đầu tư trong xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ. 

Nghị định số 80/2014/NĐ-CP có quy định về các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp....

-Về năng lực cung ứng dịch vụ:

Hiện nay các doanh nghiệp DVMT của Việt Nam hoạt động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nước thải và rác thải. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các tổ chức DVMT nhưng về cơ bản mới chỉ xử lý được một phần rất nhỏ chủ yếu là hoạt động thu gom và xử lý sơ bộ so với nhu cầu của ngành, nhiều dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như xử lý khí thải… thì các doanh nghiệp DVMT hầu như chưa đáp ứng được. Cho đến nay, năng lực ngành DVMT mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.Về phát triển nguồn nhân lực: các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực công nghệ và quản lý môi trường vốn vừa thiếu lại vừa yếu của thị trường nhân lực trong nuớc.

-Về năng lực công nghệ:

 Khả năng công nghệ của các doanh nghiệp đang ở mức rất thấp, các công nghệ sử dụng không hiện đại. Một trong những lý do là tỷ suất lợi ích/đầu tư trong lĩnh vực DVMT chưa cao cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ chưa hẳn rõ ràng, ưu đãi lớn để có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Về nguồn vốn: Thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành DVMT còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội, chủ yếu dựa vào kinh phí cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị. Doanh nghiệp còn hạn chế về khả năng tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi khoa học công nghệ tiên tiến, cũng như thông tin và khả năng tiếp cận thị trường so với doanh nghiệp nước ngoài. Về chính sách hỗ trợ phát triển: Hệ thống văn bản pháp lý có liên quan đến phát triển DVMT vẫn còn rất thiếu, chưa đồng bộ, một số chưa có những văn bản hướng dẫn thực thi. Chẳng hạn, Việt Nam chưa có danh mục phân loại chi tiết về DVMT cũng như mã ngành trong phân ngành các sản phẩm. Ngoài ra, một số các văn bản pháp lý có liên quan quy định về ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường lại thiếu các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để so sánh, phân loại và xác định đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

  1. Nhóm sản xuất vật tư thiết bị ngành nước:

Được sự quan tâm của Nhà nước cùng với một loạt những chính sách mở cửa tạo điều kiện cho một nền kinh tế hội nhập, đã như một luồng gió mới vừa có tác dụng thu hút nguồn vốn vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyên ngành nước của Việt Nam học hỏi, tiếp thu công nghệ mới từ các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, các công ty đầu đàn trong sản xuất vật tư, thiết bị, phụ tùng chuyên ngành nước như Công ty Xây dựng công trình Hùng Vương, Công ty Nhựa Bình Minh … và các cơ sở sản xuất khác đã đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ và sản xuất các sản phẩm như ống nhựa, ống gang dẻo, ống bê tông cho thoát nước, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tương đương với các sản phẩm xuất xứ từ các nước trong khu vực châu Á. Nhiều sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn đấu thầu quốc tế với giá thành thấp hơn, góp phần giảm nhập khẩu. Khả năng sản xuất hiện nay có thể đáp ứng khoảng 80% các loại ống truyền dẫn và ống phân phối, van vòi có đường kính dưới 200 bằng kim loại không rỉ trong hệ thống cấp thoát nước. Với các sản phẩm vẫn còn phải nhập khẩu, các công ty kinh doanh thiết bị, vật tư ngành nước đã tìm tòi, khai thác các thị trường khác nhau để tìm ra các sản phẩm chuyên ngành vừa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, vừa có giá cả tương ứng theo từng loại chất liệu với chế độ bảo hành cởi mở đã mở rộng tầm nhìn và đa dạng hóa trong chọn lựa để đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống. 

Từ thực trạng sản xuất, kinh doanh vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước hiện nay so với mục tiêu đề ra trong Định hướng phát triển Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta thấy còn rất nhiều khó khăn, điển hình trên một số vấn đề sau :  Về vốn đầu tư, những năm tới chủ trương Nhà nước vẫn ưu tiên dành ODA cho phát triển hạ tầng, trong đó có cấp thoát nước. Nhưng nguồn ODA không còn dồi dào và nhiều ưu đãi như thời kỳ trước vì Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách những nước nghèo.  Sản xuất, kinh doanh vật tư - thiết bị trong nước có điều kiện phát triển và cạnh tranh bình đẳng khi tham gia các tổ chức quốc tế (WTO, AFTA...), nhưng cũng lo vì huy động vốn như thế nào, giá cả, chất lượng có thắng nổi hàng nhập ngoại không ?!

- Suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp bởi khó khăn về vốn, về thị trường tiêu thụ và mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

- Những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là hiện hữu. Dự báo từ các kết quả nghiên cứu của thế giới và trong nước đều nhận định Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với tác động của nước biển dâng, triều cường và lũ lụt... những biện pháp ứng phó trong lĩnh vực cấp thoát nước như thế nào để hạn chế tác hại là những vấn đề không dễ giải quyết.

  1. Nhóm các công ty tư vấn thiết kế:

Vai trò của tư vấn thiết ngành cấp thoát nước ngày càng tăng do các chính sách, các đầu tư  của Chính phủ cho ngành cấp thoát nước ngày càng lớn. Các chiến lược đầu tư, các hoạt động đầu tư chiều sâu về vốn, nhân lực, tiếp nhận khoa học công nghệ mới ngày càng được mở rộng. Trong điều kiện hiện nay, khi đầu tư chiều sâu là vấn đề khó đối với các đơn vị tư vấn trong nước hạn chế về tiềm lực vốn, tích lũy vốn. Với các tư vấn xây dựng công trình trong nước, sự hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư chiều sâu là hết sức cần thiết để vươn lên, trong điều kiện phải cạnh tranh với các tư vấn quốc tế lớn. 

Thực tế, khi đặt một ống cấp hay thoát nước xuống lòng mương nằm trong khu dân cư, phố xá khu nội thành cũ... gặp rất nhiều khó khăn. Đó chính là vấn đề mặt bằng và những trở ngại tiềm ẩn khi tư vấn thiết kế. Thực tế trong những năm qua, đối với các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường kể cả những dự án lớn của nước ngoài tài trợ Dự án ODA, dự án vay vốn của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Á Châu, hoặc các của các nước, các tổ chức tài trợ quốc tế..., các tài liệu khảo sát mặt bằng, công trình ngầm... đều rất thiếu, thậm chí có nơi, có chỗ còn thiếu nghiêm trọng, để lại hậu quả to lớn. Các tài liệu thiết kế cả thuyết minh và bản vẽ đều được làm từ lâu. Đến khi thi công thì đã lạc hậu đến vài năm, có tài liệu lạc hậu từ 5 đến 10 năm hoặc hơn nữa. Do vậy trên tuyến thiết kế phát sinh nhiều công trình mới, hoặc thay đổi cả địa hình địa vật. Làm thế nào để cân bằng hài hòa giữa lợi ích kinh doanh đồng thời giảm thiểu tối đa các tác động tới thiên nhiên và môi trường là vấn đề khá nan giải, đòi hỏi người thiết kế phải có tầm nhìn, sự am hiểu văn hóa xã hội, lịch sử bản địa cũng như quyết tâm bảo vệ quan điểm thiết kế của mình trước nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

--

  1. Một số giải pháp

Hệ thống cấp, thoát nước đô thị có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Những mô hình quản lý và chính sách hiện hành liên quan đến vấn đề thu phí, quyền sở hữu, những phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, tính tự chủ và trách nhiệm của các công ty cấp, thoát nước... cần phải thay đổi theo hướng cập nhật nhất quán nhằm khuyến khích, động viên các công ty cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả. Theo mô hình mới mà Chính phủ đặt ra là về cơ chế, chính sách cho lĩnh vực cấp nước, sẽ huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Thành lập Quỹ quay vòng cấp nước tạo nguồn tài chính hỗ trợ, đầu tư các dự án phát triển cấp nước tại các khu đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước vùng. Kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, cải tạo và đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, phát huy hết công suất thiết kế và giảm tỷ lệ thất thoát nước.

Dịch vụ thoát nước và vệ sinh môi trường tiếp tục là vấn đề nóng bỏng và cực kỳ bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam nói chung, khu vực Nam bộ nói riêng. Nó đang đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ và toàn ngành nước, trong đó có Chi hội Thoát nước Nam Bộ. Do hệ thống thoát nước ở hầu hết các đô thị chung cho cả thoát nước thải và nước mưa, vì vậy việc thu gom nước thải để xử lý hầu như chưa làm được. Thể chế và tài chính của các công ty thoát nước, công ty môi trường đô thị cũng như các công ty cấp nước chưa đủ mạnh. Đây chính là một thách thức lớn về năng lực trong việc giải quyết những vấn đề của vệ sinh đô thị. Việc thiết lập cơ chế hoạch toán lỗ lãi để cung cấp các dịch vụ tới khách hàng và dựa trên doanh thu là cần thiết và có thể thuê khối tư nhân thực hiện một số công việc lựa chọn.

Từ thực trạng trên, vấn đề đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước, đặc biệt là công tác thu gom nước thải và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trước khi thải vào hệ thống chung, tiếp tục là thách thức, là đòi hỏi của các hội viên Chi hội Thoát nước Nam Bộ. Mặc dù chi hội của chúng ta nói chung còn hạn chế về năng lực chuyên môn và tài chính nhưng những đề tài đề xuất trên đây nếu đem lại kết quả thì sẽ là một đóng góp đáng khích lệ cho đất nước, cho xã hội, đồng thời là cơ hội để nâng cao vị thế của mỗi thành viên, tự khẳng định vai trò và vị trí của mình trong sự nghiệp quản lý đô thị ở khu vực Nam Bộ và trên cả nước.

Một số vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn tới gồm:

+Trong lĩnh vực công nghệ thoát nước:

– Nghiên cứu cơ sở lý luận, ảnh hưởng các yếu tố tự nhiên và điều kiện thực tế áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học ở Việt Nam.

– Nghiên cứu chế tạo các trạm xử lý nước thải công suất nhỏ 10÷20 m3/giờ để áp dụng cho các bệnh viện, xí nghiệp công nghiệp…

– Nghiên cứu thiết kế và chế tạo các thiết bị xử lý nước thải (như các loại thiết bị khuấy, cào bùn, xử lý bùn…) để thay thế các thiết bị nhập ngoại.

– Nghiên cứu xử lý các dạng nước thải đặc biệt như nước thải chứa các chất độc hại như phenol, xyanua, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu…

– Nghiên cứu tái sử dụng nguồn nước thải cho các mục đích khác nhau (tưới trong nông nghiệp, tưới đường cây xanh trong thành phố, bổ cập nguồn nước ngầm…).

+Trong lĩnh vực nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ cấp thoát nước:

– Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực tổ chức quản lý và tư vấn cấp thoát nước” với sự tài trợ của nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ tư vấn thiết kế và trang bị các phòng thí nghiệm hoàn chỉnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu những vấn đề lớn trong lĩnh vực thoát nước và giải quyết những vấn đề phức tạp do thực tế đặt ra hiện tại cũng như trong tương lai.

– Các Hội viên chủ động xây dựng và mở rộng quan hệ với nước ngoài để thực hiện một số dự án nhỏ về khoa học và công nghệ thuộc phạm vi ngành.

– Xây dựng trạm thí nghiệm xử lý nước thải đồng bộ có công suất nhỏ phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo./.

AHLĐ Hoàng Đức Thảo

Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty thoát nước và PTĐT Bà Rịa - Vũng Tàu

Chủ tịch Chi hội thoát nước Nam Bộ

Bạn đang đọc bài viết Thoát nước Nam Bộ: Đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới