Thứ sáu, 29/03/2024 06:07 (GMT+7)

Sử dụng túi nilon ở Việt Nam: Hệ quả và một số giải pháp

MTĐT -  Thứ ba, 11/12/2018 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nilon là một hợp chất cao phân tử, một loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài, hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục.

Nilon được phát minh vào năm 1935 bởi nhà khoa học người Mỹ Wallace Hume Carothers – tác giả của hơn 100 bằng sáng chế và 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới. Việc sử phát minh và sử dụng túi ni lông từng được xem là một bước tiến trong văn minh nhân loại, tuy nhiên việc lạm dụng túi ni lông trong đời sống thường nhật của người dân trên khắp thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, đến ô nhiễm môi trường, đến hệ sinh thái... gây ra nhiều quan ngại cho thế giới về mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước khác nhau đặt ra.

Khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội. Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam,từ lâu việc sử dụng túi ni lông trong cuộc sống của người dân đã trở thành thói quen, đi vào nếp sống vì tính tiện ích mà nó mang lại. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất 01 túi ni lông và thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3-6 túi ni lông /ngày.Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông[1], con số này không ngừng tăng lên. (Năm 2000 cả nước một ngày xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường. Ðến nay, con số đó là 25.000 tấn/ngày). Kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 vùng, miền cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi ni lông /hộ/ tháng. Và ở châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.[2] Đấy là những con số biết nói, phản ánh thực trạng của việc sử dụng túi ni lông ở nước ta hiện nay.

Một số siêu thị đã sử dụng túi nilon tự hoại để bảo vệ môi trường.Ảnh minh họa

Đối với môi trường, sức khỏe con người túi ni lông gây ra hàng loạt những hậu quả, cụ thể:

Thứ nhất là xói mòn đất đai, bao ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loại thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn đất đai.

Thứ hai là tàn phá hệ sinh thái, túi ni lông nằm trong đất khiến cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng. Cây trồng trên đất đó không phát triển được vì không thể chuyển nước và chất dinh dưỡng cho cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái.

Thứ ba là gây ngập úng lụt lội, bao bì ni lông bị vứt xuống cống, hồ, đập thoát nước làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước thải làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị vào mùa mưa.

Thứ tư là hủy hoại sinh vật, bao bì ni lông bị trôi xuống hồ, biển làm chết các vi sinh vật khi chúng nuốt phải. Nhiều động vật đã chết do ăn phải những hộp nhựa đựng thức ăn thừa của khách tham quan vứt bừa bãi.

Thứ năm là gây tổn hại sức khỏe, đặc biệt bao bì ni lông mầu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi bao bì ni-lông bị đốt, các khí thải ra đặc biệt là khí đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, ho ra máu ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

Thứ sáu là ô nhiễm môi trường, sự lạm dụng các sản phẩm ni lông cùng với sự bừa bãi, vô ý thức của con người khiến cho nó trở thành thứ rác bị vứt bừa bãi, không chỉ làm mất mỹ quan đường phố mà còn là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ô nhiễm môi trường.

Thứ bảy và đây là tác hại nguy hiểm nhất, túi ni lông gây ung thư, biến đổi giới tính, bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi ni-lông có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia chứa trong túi ni-lông sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó. Nếu sử dụng túi ni lông để đựng các thực phẩm chua có tính a-xít như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi ni lông sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, a-xít lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại thành muối thủy ngân có thể gây ung thư.

Với những hệ lụy tiêu cực đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người do thực trạng sử dụng túi ni lông như ở nước ta hiện nay việc hạn chế dần hướng tới một xã hội không còn sử dụng túi ni lông là sự cần thiết phải thực hiện. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần thiết phải thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, cần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân

Với thực trạng như trên đã chỉ ra, có thể khẳng định sử dụng túi ni lông là một thói quen đi vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân trên khắp đất nước. Việc thay đổi thói quen này không thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, có hiệu quả ngay mà nó là kết quả của sự tổng hợp nhiều biện pháp từ công tác tuyên truyền vận động của các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương; công tác giáo dục về những tác hại của túi ni lông mang lại đối với môi trường, đối với sức khỏe con người đến với các tầng lớp nhân dân; việc tự hành động, tự nêu gương của những cá nhân có uy tín, vị thế trong xã hội...

Việc thay đổi thói quen của người dân cần phải có sự chung tay của chính các tiểu thương, người bán hàng tại các chợ, của các siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng tăng cường sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi ni lông. Thực tế quan sát ở các chợ buôn bán, kinh doanh thực phẩm ăn uống hiện nay việc mỗi loại hàng hóa khi bán đều được đựng trong một túi ni lông riêng biệt. Đây là sự lãng phí lớn về mặt của cải bởi việc sử dụng chung túi ni lông cho nhiều mặt hàng tương đồng là phù hợp đồng thời nó còn là biện pháp hạn chế việc dùng túi ni lông của người dân. Các siêu thị cũng cần tăng cường sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, có giá trị sử dụng lâu dài để hướng tới thay thế sử dụng túi ni lông.

Thứ hai, tăng thuế đối với việc sản xuất, tiêu dùng túi ni lông trên phạm vi toàn quốc

Việc đánh thuế, tăng thuế đối với sản xuất,tiêu dùng túi ni lông sẽ mở đường cho việc phát triển và phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường. Theo Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã đưa túi ni lông vào danh mục thuộc diện chịu thuế bao gồm là các sản phẩm loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp, có hình dạng túi, có miệng túi, thành túi và đựng sản phẩm trong đó. Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, cùng với mặt hàng xăng dầu thì túi ni lông cũng là mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh tăng mạnh khung thuế bảo vệ môi trường với mức tăng có thể gấp 4 lần lên 200000 đồng/kg. Với mức thu như hiện nay là 40.000 đồng/kg tương đương khoảng 200 - 400 đồng/túi (1kg túi có thể có từ 100 - 200 túi), mức thuế này chưa có nhiều tác dụng thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi ni lông.

Việc tăng thuế đối với mặt hàng túi ni lông là thiết yếu trước yêu cầu của việc bảo vệ môi trường, đồng thời cũng cần yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng để khuyến khích tái sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần… tiêu biểu như các doanh nghiệp Envi Green, công ty Phúc Lê Gia, công ty bao bì Vafaco, công ty cổ phần Alta Tân Bình, công ty Nhựa Tiến Thành... Tuy nhiên, những sản xuất những sản phẩm này nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài từ máy móc, công nghệ cho đến các chất phụ gia để sản xuất nên giá thành luôn cao hơn nhiều so với túi ni lông thông thường. Do đó, cả các đơn vị sản xuất lẫn các cửa hàng, siêu thị vẫn cân nhắc( vì tính sinh lời)trong quá trình đưa vào sử dụng. Từ đó, cần thiết phải có những sự hỗ trợ về mặt kinh phí, tài chính của Nhà nước, của các địa phương nhằm tạo ra nhiều hơn các sản phầm thân thiện với môi trường

Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tổ chức thu gom và tái chế rác ni lông

Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện, túi ni lông tự phân hủy việc có các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn xã hội hóa và sự chung tay của cả xã hội đối với các doanh nghiệp tổ chức thu gom và tái chế rác từ ni lông cũng là việc quan trọng cần được sự quan tâm của Nhà nước. Bởi tại Việt Nam lượng rác thải nhựa hàng năm là khoảng 18.000 tấn/ ngày, nhưng số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải[3]. Hiện Việt Nam chỉ mới có luật, nghị định và văn bản liên quan đến quản lý và tái chế chất thải rắn mà chưa có luật, nghị định, văn bản nào dành riêng cho quản lý và tái chế chất thải nhựa[4]. Song song với đó là công nghệ trong phát triển nghành nhựa, tái chế rác thải nhựa chưa thực sự đồng bộ và tiên tiến là những khó khăn trong việc thu gom, tái chế rác thải nhựa, rác thải ni lông.

Những bức xúc, hệ lụy tiêu cực của từ chất thải túi ni lông khó phân hủy chưa được quản lý tốt đang nóng lên trên tất cả các địa bàn khắp cả nước, đặc biệt là những nơi đông cư dân sinh sống. Việc nhận diện những tác hại của chất thải túi ni lông là quan trọng và giải quyết vấn đề chất thải túi ni lông cần được tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ như trên đã chỉ ra là sự bức thiết cần được sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan từ Trung ương tới địa phương./.

TÀILIỆU THAM KHẢO:

  1. Cổng thông tin điện tử chính phủ Thủ đô Hà Nội: Giảm thải túi ni lông: trách nhiệm của cả cộng đồng. Truy cập ngày 19/9/2018
  2. Khương Trung: Cảnh báo “Ô nhiễm trắng”: Thảm họa mới của môi trường, http://baotainguyenmoitruong.vn (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường) truy cập ngày 20/9/2018
  3. Linh Chi: Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông: cần nhiều hơn những dự án tái chế. Báo Tài nguyên và Môi trường (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường) truy cập ngày 20/9/2018
  4. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
  5. Văn Hào: Nan giải thu gom và tái chế chất thải nhựa. Báo tintuc.vn (truy cập ngày 20/9/2018)

[1] Cổng thông tin điện tử chính phủ Thủ đô Hà Nội: Giảm thải túi ni lông: trách nhiệm của cả cộng đồng. Truy cập ngày 19/9/2018

[2]Khương Trung: Cảnh báo “Ô nhiễm trắng”: Thảm họa mới của môi trường, http://baotainguyenmoitruong.vn (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường) truy cập ngày 20/9/2018

[3] Linh Chi: Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông: cần nhiều hơn những dự án tái chế. Báo Tài nguyên và Môi trường (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường) truy cập ngày 20/9/2018

[4] Văn Hào: Nan giải thu gom và tái chế chất thải nhựa. Báo tintuc.vn (truy cập ngày 20/9/2018)

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng túi nilon ở Việt Nam: Hệ quả và một số giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.