Thứ sáu, 29/03/2024 07:11 (GMT+7)

RTN 10: Thay đổi hành vi, thói quen để giảm thiểu rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ hai, 28/10/2019 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tác giả Lê Thị Phương Lan - Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gửi bài viết dự thi cuộc thi viết "Nói không với rác thải nhựa" với nhiều sáng kiến độc đáo.

I.PHẦN MỞ ĐẦU

Rác thải nhựa hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả thế  giới, bao gồm cả Việt Nam. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa hệ sinh thái, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.

Tính đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải, tuy nhiên, chỉ 9% trong số đó có thể tái chế, 12% bị đốt và 79% nằm trong những bãi rác hoặc bị vứt bừa bãi khắp Trái đất, cả trên đất liền  và trên biển. Theo công bố của Liên Hợp quốc, hiện nay, số lượng rác thải nhựa tồn tại trong các đại dương ước tính khoảng 150 triệu tấn - nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá, và khối lượng rác thải chắc chắn sẽ nặng  hơn  cả khối lượng  cá vào năm 2050.

Trung bình một năm có khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển. Trong đó, châu Á thải ra 80% rác nhựa trên biển; Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka là 5 quốc gia thải nhiều rác ra biển nhất thế giới. Phần lớn sản phẩm nhựa mà con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần, sau đó thải bỏ (điển hình là trong các đồ dùng phục vụ sinh hoạt) và như vậy số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không  ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các  sản phẩm nhựa.

Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Đây là một thách thức lớn cho  môi trường bởi với đặc tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được. Ví dụ một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất  và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy cần từ 500 - 1.000 năm. Rác thải nhựa sẽ gây nên một thảm họa môi trường trong tương lai nếu không có cách giải quyết, đe dọa biến Trái đất trở thành “Trái nhựa” theo đúng nghĩa đen.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi nilon, là một trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất trên thế giới, ước tính khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Lượng nhựa tiêu thụ hằng năm tính trên đầu người ở Việt Nam vào năm 1990 chỉ có 3,8 kg, nhưng đến năm 2015 con số này đã tăng lên 35 kg. Thói quen dùng túi nilon, dùng đồ nhựa một lần của người dân ngày càng gia tăng; đa số người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilon tương đối phổ biến; nguy cơ từ các rác  thải nhựa  rất  lớn nếu chúng ta không có những hành động, biện pháp kịp thời.

Hưởng ứng cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động, tôi xin đề xuất một số ý tưởng, giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nhằm hạn chế các tác động của rác thải nhựa tới môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng bị bao vây bởi rác thải nhựa Nguồn: Baotainguyenmoitruong.vn

II.THỰC TRẠNG VÀ TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA

2.1. Thực trạng về rác thải nhựa

2.1.1.Trên thế giới

Cuộc cách mạng hóa học những năm giữa thế kỷ XX đã mang tới cho nhân loại nhiều sản phẩm mới, điển hình là sáng chế ra một loại vật liệu polyme sản xuất từ sản phẩm của dầu mỏ với nhiều đặc tính như rất nhẹ, bền trong môi trường, dễ chế tạo thành các loại hàng hóa theo nhu cầu cuộc sống và giá thành thấp so với các vật liệu khác..., đó chính là plastic hay còn gọi là nhựa. Nhựa đã nhanh chóng đi vào đời sống của con người ở mọi lĩnh vực như dùng  làm nguyên liệu chế tạo các máy móc, thiết bị, công trình xây dựng, bao bì, quần áo, dụng cụ gia đình, thiết bị điện tử... Đến nay thế giới đã sản  xuất khoảng 8,3 tỉ  tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải, tuy nhiên, chỉ 9% trong số đó có thể  tái chế, 12% bị đốt và 79% nằm trong những bãi rác hoặc bị vứt bừa bãi khắp Trái đất, cả trên đất liền và trên biển.

Theo công bố của Liên Hợp quốc, hiện nay, số lượng rác thải nhựa tồn tại trong các đại dương ước tính khoảng 150 triệu tấn - nặng gần bằng  1/5 khối lượng cá, và mỗi một dặm vuông (khoảng 2,6 km vuông) nước biển có khoảng 46.00phế phẩm từ nhựa trôi nổi. Con số này vẫn đang gia tăng một cách đáng sợ. Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong 40 năm qua, lượng phế thải nhựa gia tăng tới 100 lần. Và khối lượng rác thải chắc chắn sẽ nặng hơn cả khối lượng cá vào năm 2050. Trung bình một năm có khoảng 12,7 triệu tấn  rác thải nhựa bị đổ ra biển. Trong đó, châu Á thải ra 80% rác nhựa trên biển; Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka là 5 quốc gia thải nhiều rác ra biển nhất thế giới.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp  20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Phần lớn sản phẩm nhựa mà con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần, sau đó thải bỏ (điển hình là trong  các  đồ dùng phục vụ sinh hoạt) và như vậy số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa. Rác thải nhựa và túi nilon thải ra môi trường đang tăng lên theo cấp số nhân. Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Đây là một thách thức  lớn cho môi trường bởi với đặc tính bền trong môi trường tự nhiên,  phải mất  một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác  thải nhựa này mới có thể phân hủy được. Ví dụ một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất  và cần 1 giây để  vứt  bỏ, song để phân hủy cần từ 500 - 1.000 năm. Chúng đang từng ngày, từng giờ tàn phá, hủy  diệt  môi  trường sống của con người và cả thế giới động vật, đặc biệt là sinh vật biển. Rác thải nhựa sẽ gây nên một thảm họa môi trường trong tương lai nếu không có cách giải quyết, đe dọa biến Trái đất trở thành “Trái nhựa” theo đúng nghĩa đen.

2.1.1. Tại Việt Nam

-Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa rất nghiêm trọng

Rác thải nhựa hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng  đối với cả thế  giới,  bao gồm cả Việt Nam. Theo các chuyên gia  trên thế giới,  tỉ  lệ  chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon  thải ra  tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có lượng phế phẩm nhựa thải ra môi trường ước tính hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm; là một trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất trên thế giới, ước tính khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Lượng nhựa tiêu thụ hằng năm tính trên  đầu người ở  Việt Nam vào năm 1990 chỉ có 3,8kg, nhưng đến năm 2015 con số này đã tăng lên 35kg.

-Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới

Cùng với sự tăng lên của rác  thải nhựa  từ trong nước, lượng phế liệu nhựa từ các quốc gia trên thế giới đổ vào Việt Nam cũng đang ở mức đáng báo động. Có tới 90% doanh nghiệp ngành nhựa không chủ động được  nguồn nguyên liệu vì nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15 - 20% và chủ yếu là  tái  sinh từ chất thải nhựa, còn hạt nhựa nguyên sinh phải nhập khẩu hoàn toàn nên hằng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu một số lượng lớn phế liệu nhựa để trộn với nhựa nguyên sinh nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000  tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá  trị thấp) chiếm  19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành  phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu  quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một  lần  ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

2.2.Tác hại của rác thải nhựa

2.2.1.Ảnh hưởng tới môi trường

-Ảnh hưởng đến môi trường nước: Rác thải nhựa bị vứt bừa bãi xuống ao hồ, sông ngòi, cống, rãnh... sẽ gây tắc nghẽn, ứ đọng nước thải và ngập úng. Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực, làm giảm diện tích ao hồ, giảm khả năng tự làm sạch của nước. Hậu quả dẫn đến hệ sinh thái nước trong các ao hồ  bị huỷ diệt.

Nếu không kịp thời hành động, rác thải nhựa và túi nilon sẽ phá hủy môi trường sống. 

-Ảnh hưởng đến môi trường đất: Rác thải nhựa sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn và làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất... do đó làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Khi rác thải nhựa được đưa vào môi trường và không được xử lý thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất như: giun, vi sinh vật, nhiều loài động vật không xương sống, ếch nhái,… làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt các túi nilon tạo thành các bức tường ngăn cách trong đất làm hạn chế mạnh quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng,  làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.

-Ảnh hưởng tới môi trường không khí: Rác thải nhựa trộn lẫn với rác hữu cơ dễ phân huỷ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn làm ô nhiễm môi trường không khí và phát sinh nhiều chuột, ruồi, muỗi, gián và các  loại vi trùng  gây bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình và lây lan gây thiệt hại lớn.

-Ảnh hưởng đến cảnh quan: Rác thải nhựa vứt bừa bãi, chất động lộn xộn, không thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý,… làm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan.

2.2.2.Ảnh hưởng tới hệ sinh thái

Rác thải từ nhựa tác động nguy hiểm đối với hệ sinh thái, sự sống của các sinh vật trên đất liền và cả trong lòng đại dương, vì các loài sinh vật không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ  nhựa. Một  khi nhựa xâm nhập  vào môi trường đại dương, tính mạng và sự an toàn của các sinh vật  biển sẽ bị đe  dọa do chúng vô tình ăn phải hoặc bị mắc kẹt bởi các sản phẩm làm từ nhựa. Những đồ vật nhựa có kích thước lớn  có thể  mắc  kẹt  trong cổ họng của động  vật, gây tắc nghẽn hoặc hư hại thành ruột, làm hỏng dạ dày, làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của sinh vật, chúng chiếm vị trí trong dạ dày khiến các sinh vật nuốt phải nhựa không thấy đói, lâu dần sẽ suy kiệt và chết.  Nhiều sinh vật  biển  bị mắc kẹt trong các sản phẩm nhựa còn bị biến dạng và sống lay lắt. Do thời  gian phân hủy rất lâu nên khi rơi xuống biển, rác thải nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô  hấp  được. Ngoài ra, khi các sinh vật biển như cá ăn phải nhựa, cơ thể chúng sẽ bị nhiễm độc từ nhựa và con người khi tiêu thụ hải sản sẽ lại tiêu thụ chính những chất độc đó. Trong một nghiên cứu về cá ở Bắc Thái Bình Dương cho thấy, trung bình có 2,1 mảnh nhựa trong mỗi con cá. Việc nhầm lẫn nhựa với thức ăn cũng được ghi nhận ở các động vật bậc cao hơn như rùa, chim, động vật có vú, đã có nhiều trường hợp gây ra tử vong liên quan đến việc ăn nhựa. Chim hải âu nhầm lẫn mảnh nhựa có màu đỏ với mực, rùa biển nhầm lẫn túi nilông với sứa… Các mảnh nhựa trôi nổi cũng cung cấp “phương tiện di chuyển” cho các sinh vật làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến hệ sinh thái.

Rác nhựa bám trên cây tại khu rừng ngập mặn ở Thanh Hóa khi nước rút. Nguồn: AFP

Bên cạnh đó, rác thải nhựa còn làm tăng nguy cơ ảnh hưởng từ  các chất  phụ gia trong nhựa. Những chất phụ gia này là chất độc,  chất xúc  tác  sinh học tác động đến môi trường. Một số chất trong sản xuất nhựa như nonylphenol, phthalates, bisphenol A (BPA) và monome styrene có thể tác động tiêu cực lên sinh vật. Các tác động của những chất này liên quan đến  hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể sinh  vật. Nhưng nguy hiểm hơn là hạt vi nhựa. Hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ nguồn do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển, qua đó nhiễm vào và phá hủy tế bào trong cơ thể người khi ăn cá và các  loại sinh vật  biển.  Các  chất này có tác dụng làm gián đoạn nội tiết tố sinh sản, tăng tần suất đột biến trong phân bào dẫn đến nguy cơ ung thư. Các sinh vật biển ăn phải các hạt vi nhựa sẽ làm tăng nguy cơ các sinh vật bậc cao (bao gồm cả con người) có thể bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, dẫn đến nhiều  bệnh  lý  như vô sinh, ung thư… Đối với hệ sinh thái, nhựa siêu vi có thể làm mất sự đa dạng sinh học, gây biến dị cho sinh vật hoặc làm mất đa dạng sinh học do  các sinh vật nuốt phải nhựa khiến chúng khó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho môi trường.

Mới đây, môt nhóm các nhà khoa hoc thuộc Đại học California(Mỹ) và Đại học Inđônêxia đã thu gom những con cá đươc bán ở các chợ thuộc viṇh Half Moon và Princeton (bang California, Mỹ) và biển Makassar (Inđônêxia) về để phân tích. Họ  phát hiện ra rằng, ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển đươc lấy mâu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài đôṇg vật biển đươc lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…). Xác một con cá nhà táng vừa được phát hiện tại Indonesia, trong dạ dày nó có chứa 115 ly nhựa, 25 chiếc túi nhựa, 4 chai nhựa, 4 đôi dép kẹp và hơn 1000 mảnh nhựa.

Một con rùa biển mắc kẹt trong một chiếc lưới nhựa bị vứt bỏ dưới đáy biển, và cái chết là không thể tránh khỏi.

2.2.3. Ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Không chỉ tác động tới môi trường, hệ sinh thái, rác thải nhựa còn tác động xấu tới sức khỏe con người. Nhựa phân rã thành vi nhựa, những  vi nhựa này được hấp thụ bởi các loài khác nhau qua chuỗi thức ăn và con người nằm ở đỉnh chuỗi thức ăn này. Đại diện thường trực của Na Uy tại Liên Hợp  quốc  Mari Skare phát biểu: “Cá ăn nhựa và con người ăn cá, vì vậy chúng ta có một vấn đề”. Nếu con người ăn cá mỗi bữa cơm thì số lượng hạt vi nhựa chúng ta ăn là

11.500 hạt/ năm; trong mỗi con nghêu/ hàu chứa tối thiểu 8 hạt vi nhựa ở phần thịt; ở cấp tế bào, mỗi một tế bào trong lòng đại dương chứa khoảng 8 phân tử nhựa; độc tố từ nhựa được nhiễm vào mô mỡ của các loài động vật mà chúng ta ăn hàng ngày, và đương nhiên con người cũng chịu ảnh hưởng tương tự.

Với kích thước nhỏ, vi hạt nhựa có thể ảnh hưởng tới phổi, gây ra các  vấn đề hô hấp. Nếu như hấp  thụ một lượng lớn vi hạt  nhựa từ thức  ăn, các chất này sẽ đi qua màng tế bào, lọt vào máu lên não hoặc xuống nhau thai.  Từ đó có thể dẫn đến hiện tượng kích ứng oxy hóa, tổn hại tế bào, viêm và suy yếu các chức năng phân bổ năng lượng, một số loại nhựa có chứa hóa chất gây ung thư như DEHP (Diethylhexyl phthalate) hoặc BPA (bisphenol-A). Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp  sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất  và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Bên cạnh đó, việc dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Nhựa sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 - 8000C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể con người. Những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, vàng chứa các kim loại như chì, cadimi; các kim loại nặng trong phụ gia tạo màu và các chất hóa học độc hại như PCBs nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Chúng ta đang hằng ngày đưa vào cơ thể những chất độc hại bằng việc sử dụng đồ nhựa.

Rác thải nhựa cùng với rác thải rắn không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ  con người sống xung quanh. Các bãi rác công cộng là những nguồn mang dịch bệnh, những người tiếp xúc thường xuyên với rác như những người làm công việc thu  nhặt các  phế  liệu từ bãi rác dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, bệnh ngoài da...

Tiện tay vứt rác nhưng thực ra chúng ta đang ăn rác thải nhựa mỗi ngày.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật và con người, rác thải nhựa để lộ thiên cũng góp phần ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình biến đổi khí hậu. Dù phải mất thời gian rất lâu từ hàng trăm đến hàng ngàn năm để rác nhựa phân hủy dưới tác động của tự nhiên và ánh Mặt trời. Và theo một nghiên cứu mới đây từ Đại học Hawaii, quá trình này sẽ tạo ra methane và ethylene - 2 loại khí nhà kính.

Các chuyên gia đã xét nghiệm một số loại nhựa như polycarbonat, acrylic, polypropylene, PET (polyethylene terephthalat), HDPE, LDPE và  polystyrene. Các loại nhựa thông dụng, thường được dùng trong ống nước, túi bọc  thức  ăn,  túi nylon và sợi nhựa trong ngành dệt. Trong số này, polyethylene (dùng trong các loại túi nylon) là rác thải phổ biến nhất trên phạm vi toàn thế giới. Và đồng thời đây cũng là nguồn thải ra methane và ethylene lớn nhất, tác động thẳng đến quá trình Trái đất nóng lên như những gì carbonic đã làm.

Được biết, các chuyên gia phát hiện ra tác hại này khi theo dõi khí thoát ra  từ quá trình phân hủy nhựa. Thời gian càng lâu, bề mặt nhựa càng bị bào  mòn,  và lượng khí thoát ra càng nhanh. Các vi hạt nhựa có  tốc  độ phân  hủy  nhanh hơn, và đồng thời sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ sản sinh khí nhà kính hơn. Các loại nhựa sẽ là nguồn sản sinh khí nhà kính rất đáng kể, nhất là khi sản  lượng nhựa đang tăng lên, và ngày càng nhiều rác tập kết thẳng ra môi trường.

Chính vì vậy, rác thải nhựa góp phần gây biến đổi khí hậu, làm nước biển dâng lên, nhiệt độ toàn cầu tăng cao, gây hạn hán, xói mòn và lũ lụt.

2.2.4. Gia tăng sự nóng lên của Trái đất, gây biến đổi khí hậu

Không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật và con người, rác thải nhựa để lộ thiên cũng góp phần ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình biến đổi khí hậu. Dù phải mất thời gian rất lâu từ hàng trăm đến hàng ngàn năm để rác nhựa phân hủy dưới tác động của tự nhiên và ánh Mặt trời. Và theo một nghiên cứu mới đây từ Đại học Hawaii, quá trình này sẽ tạo ra methane và ethylene - 2 loại khí nhà kính.

Các chuyên gia đã xét nghiệm một số loại nhựa như polycarbonat, acrylic, polypropylene, PET (polyethylene terephthalat), HDPE, LDPE và polystyrene. Các loại nhựa thông dụng, thường được dùng trong ống nước, túi bọc thức ăn, túi nylon và sợi nhựa trong ngành dệt. Trong số này, polyethylene (dùng trong các loại túi nylon) là rác thải phổ biến nhất trên phạm vi toàn thế giới. Và đồng thời đây cũng là nguồn thải ra methane và ethylene lớn nhất, tác động thẳng đến quá trình Trái đất nóng lên như những gì carbonic đã làm.

Được biết, các chuyên gia phát hiện ra tác hại này khi theo dõi khí thoát ra từ quá trình phân hủy nhựa. Thời gian càng lâu, bề mặt nhựa càng bị bào mòn, và lượng khí thoát ra càng nhanh. Các vi hạt nhựa có tốc độ phân hủy nhanh hơn, và đồng thời sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ sản sinh khí nhà kính hơn. Các loại nhựa sẽ là nguồn sản sinh khí nhà kính rất đáng kể, nhất là khi sản lượng nhựa đang tăng lên, và ngày càng nhiều rác tập kết thẳng ra môi trường.

Chính vì vậy, rác thải nhựa góp phần gây biến đổi khí hậu, làm nước biển dâng lên, nhiệt độ toàn cầu tăng cao, gây hạn hán, xói mòn và lũ lụt.

2.2.5. Ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội

Rác thải nhựa tác động trực tiếp tới những hoạt động kinh tế  - xã hội của  con người. Trong đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục.

Tác động rõ nhất với ngành thủy sản là những hỏng hóc, tổn thất do rác thải nhựa lên các thiết bị như lưới đánh cá bị cuốn vào chân vịt, rác chặn các cửa hút nước hoặc rác vướng vào lưới đánh cá; đồng thời, rác thải nhựa trên biển cũng là nguyên nhân của các vụ hỏng hóc trên biển của các chân vịt tàu thủy. Tổn thất do rác thải nhựa trên biển đến ngành công nghiệp đánh cá Scotland trung bình khoảng từ 15-17 triệu USD/năm, tương đương 5% tổng doanh thu.

Rác thải nhựa gây phát sinh tổn thất trong việc dọn dẹp các bãi biển du lịch và luồng hàng hải. Rác thải nhựa cũng tạo hình ảnh không tốt cho công chúng về các địa điểm du lịch. Thu nhập du lịch của địa phương, quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hình ảnh rác thải nhựa trên bờ biển. Trên thực tế, sự tấn công của rác thải nhựa đã lan tới hầu hết các khu du lịch và làm ảnh hưởng ít nhiều đến ngành du lịch của Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực  đối  với kinh tế, xã hội, du lịch cũng đem lại những tác động nhất định đến  môi trường. Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, tiêu chí bảo  vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, xếp hạng 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường.

III.ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA

Để giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần, cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, thường xuyên của cả hệ thống, từ Chính quyền, các nhà quản lý các cấp - Cộng đồng dân cư - Các cơ quan, đơn  vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn,… và sự góp sức của Truyền thông. Và phải cần một khoảng thời gian từ một vài năm để thay đổi thói quen, ý thức của mỗi người. Chính vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu rác thải nhựa là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi hành Vi, thói quen  ứng xử với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Tôi xin đề xuất một số ý tưởng, giải pháp sau:

3.1.Nhóm giải pháp đối với chính quyền, các nhà quản lý các cấp

3.1.1.Xây dựng hệ thống giám sát rác thải nhựa

Mục tiêu: Cung cấp thông tin cập nhật và chính xác về hiện trạng rác thải nhựa phục vụ công tác đưa ra quyết định quản lý cuối cùng.

Nội dung: Thu thập các điểm phát thải rác theo công nghệ GIS, mô hình phản hồi rác thải trên hệ thống điện thoại thông minh, qua đó xác định chính xác điểm phát thải, số lượng, ngày giờ cần xử lý. Cụ thể:

-Thu thập dữ liệu hiện trạng rác thải nhựa thông qua thiết bị thông minh, được sử dụng rộng rãi và thuận tiện.

-Tích hợp ứng dụng bản đồ số được xây dựng các thuộc  tính  chi tiết  tại  khu vực, bản đồ tương tác với các chức năng định vị của điện thoại thông qua phần mềm CarryMap Observer.

-Sử dụng phần mềm Google Earth để hiển thị dữ liệu, đây là phần mềm miễn phí chạy ổn định và có tính ứng dụng cao, giao diện thân thiện.

Các công cụ phân tích, hiện thi ̣và lưu trư:

-Cơ sở hạ tầng: Máy tính, điện thoại thông minh hệ điều hành Android, iOS: Môi trường hoạt động của các phần mềm nhằm tương tác bản đồ số.

-Các thuộc tính của cơ sở dữ liệu: Các dữ liệu nền (ảnh viễn thám), dữ liệu về lâm phần (ranh giới, giao thông, địa hình, thủy văn, cơ sở hạ tầng,…), dữ liệu về hiện trạng rác thải nhựa.

-Phần mềm:

+ Phần mềm ArcGIS Deskop: Xây dựng cơ sở dữ liệu, biên tập bản đồ.

+ Phần mềm Carrymap tích hợp phần mềm ArcGIS: Trích xuất  dữ  liệu  sang dạng file chạy tích hợp điện thoại thông minh.

+ Phần mềm Carrymap Observer: Cài đặt trên các điện thoại thông minh để vận hành ứng dụng bản đồ số, định vị GPS, tìm kiếm nâng cao và truy xuất dữ liệu sang định dạng của Google Earth. CarryMap Observer là một  ứng  dụng  miễn phí được cung cấp để làm việc với các  bản đồ di động ngoại tuyến được biên tập trong phần mềm ArcGIS (Esri). Bản đồ di động CarryMap có định dạng

*.cmf có thể được chuẩn bị trong ArcMap và xuất ra từ công cụ CarryMap tích hợp trong phần mềm ArcGIS for Desktop. Các bản đồ có thể được  tải lên  các thiết bị Android, Window và iOS. Đồng thời,  bản đồ di động có  thể được  nhập lại vào ArcGIS trên một máy tính khác với phần mở rộng ArcGIS và công cụ CarryMap.

+ Phần mềm Google Earth: Để hiển thị dữ liệu và truy xuất thông tin. Phần mềm Google Earth được cài đặt trên máy tính và điện thoại thông minh, nhận dữ liệu định dạng *kml, *kmz hoặc tọa độ đối tượng từ bản đồ số. Đồng thời, phần mềm cũng truy xuất dữ liệu với các định dạng trên đưa vào bản đồ số tích hợp trên máy tính và điện thoại thông minh. Phần mềm được tích hợp các dữ liệu số về ranh giới, giao thông, địa hình, thủy văn, cơ sở hạ tầng,…  của khu  vực  để phục vụ công tác định vị, xác định thông tin.

Thành phần hệ thống:

-Thiết bị đa năng (điện thoại thông minh, máy tính bảng - thay  thế  cho  máy GPS cầm tay, la bàn, máy ảnh tích hợp GPS, bản đồ giấy, phiếu thực địa dạng giấy) để thu thập dữ liệu. Thiết bị đa năng được tích hợp bản đồ số, được thành lập dưới dạng cơ sở dữ liệu máy tính trên cơ sở xử lý số liệu GIS, ảnh viễn thám, toàn bộ thông tin về các đối tượng được mã hóa thành dữ  liệu số và  lưu giữ bằng định dạng file hệ thống. Thông tin trong bản đồ số được  tổ  chức quản  lý theo các lớp, tập hợp các dữ liệu có cùng thuộc tính (vùng, đường, điểm, chữ) về các đối tượng cùng loại, thể hiện một nội dung của bản đồ tổng thể. Các lớp thông tin có thể được hiển thị trên màn hình với tỉ lệ  tùy chọn.  Để sử dụng bản đồ số cần cài đặt phần mềm CarryMap, phần mềm được tải về miễn phí qua cửa hàng online Appstore của các hệ điều hành.

 -Thiết bị thu nhận dữ liệu: Thiết bị thu nhận dữ liệu là máy tính hoặc điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm Google Earth để nhận dữ liệu, hiện thị và truy xuất. Phần mềm Google Earth với tính năng vượt  trội,  hình ảnh  trực  quan và thông tin chính xác với phiên bản cho máy tính và cho điện thoại thông minh.

Quy trình hoạt động:

-Thiết bị truyền dữ liệu: Các thành phần trên của hệ thống tương tác với nhau thông qua dịch vụ mạng Wifi, 3G, 4G và cả sóng điện thoại.

-Tích hợp cơ sở dữ liệu vào thiết bị thông minh: Các dữ liệu nền (ảnh viễn thám và địa hình 3D), dữ liệu về lâm phần (ranh giới, giao thông, địa hình, thủy văn, cơ sở hạ tầng,…) được thu thập thông qua thiết bị thông minh tích hợp bản đồ số.

-Thu thập dữ liệu: Từ bản đồ số tích hợp điện thoại thông minh người sử dụng lấy các điểm về thực trạng ở các điểm xả thải rác thải nhựa lưu dưới dạng điểm. Bên cạnh đó người dùng có thể miêu tả tình trạng của các điểm  đó một  các chi tiết. Các dữ liệu này được gửi đến máy chủ quản lý.

-Xử lý thông tin dữ liệu: Thông tin cơ sở về hiện trường được cập nhật và xử lý lưu trữ trong hệ thống thông tin địa lý.

-Báo cáo: Các dữ liệu được tiếp nhận báo cáo trực tiếp đến người quản  lý cấp cao thông qua mạng internet, điện thoại và hiển thị dưới dạng bản đồ. Người quản lý dựa vào các thông tin để đưa ra quyết định quản lý cuối cùng.

3.1.2.Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon và các sản  phẩm nhựa dùng một lần

Tháng 4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý chất  thải và  phế liệu. Sau đó, tháng 11/2016, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó áp dụng mức xử phạt hành chính cho hành vi không phân loại rác từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng. Và gần đây nhất, từ tháng 01/2019, Chính phủ tăng mức thuế  môi trường đối với túi nilon từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/1 kg. Tuy nhiên, mức thuế này còn quá ít để thuyết phục người dân hạn chế sử dụng túi nilon, vì vậy đề xuất Chính phủ tăng mạnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, như tăng lên 500.000  đồng/1 kg và đánh thuế mạnh  đối với các doanh nghiệp sản xuất nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ có những quy định, khuyến  khích các doanh nghiệp tái chế nhựa, như miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp tùy thuộc vào tỷ lệ tái chế nhựa của họ.

3.1.3.Ban hành quy định, hình thức xử phạt thật nghiêm khắc

Nếu Chính phủ ban hành những quy định, hình thức xử phạt thật “mạnh tay”, quyết liệt, đủ sức răn đe đối với những cá nhân, tổ chức có  hành  vi vi phạm, xả thải rác thải nhựa bừa bãi ra môi trường thì hoàn toàn có thể  giảm  thiểu được túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần (trước đây đã có những quy định áp dụng thành công trong toàn dân như quy định về bắt  buộc  người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm; quy định về cấm đốt, mua bán, tàng trữ pháo; hay gần đây nhất là Quy định xử phạt  đối với hành  vi uống rượu bia khi lái xe (theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ  về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), dùng biện pháp xử phạt rất nặng để răn đe người vi phạm sẽ mang  lại hiệu quả cao).

Những hành vi vi phạm, xả thải rác thải nhựa ra môi trường sẽ bị xử  phạt rất nặng, chính quyền địa phương mỗi khu vực sẽ thành lập  đội tuần tra,  giám sát để thu thập bằng chứng và xử phạt, hoặc bất kỳ cá nhân nào có bằng chứng (chụp ảnh, quay video) tố giác người vi phạm sẽ được thưởng ½ số tiền từ người nộp phạt. Người vi phạm ngoài nộp tiền còn bị bắt đi lao  động công ích (quét rác, dọn vệ sinh, trồng cây) và bị đăng hình ảnh, video của mình  lên  báo, dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo. Bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm, đội tuần tra sẽ viết phiếu phạt tại chỗ và tiền phạt phải được thanh toán ngay. Nếu không nộp phạt, người vi phạm có thể bị truy tố hoặc triệu tập ra tòa. Nếu tái phạm,  mức phạt sẽ tăng gấp đôi và tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, tài xế  xe  cũng phải chịu trách nhiệm nếu người ngồi trong xe ném rác ra ngoài cửa xe. Sau một vài lần phạt nặng và nêu gương, chắc chắn thói quen sử dụng và xả thải rác thải nhựa sẽ được cải thiện.

Ví dụ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải nhựa (dưới 0,2 kg) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối  với  hành  vi  vứt, thải, bỏ rác thải nhựa (dưới 0,5 kg) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải nhựa vào hệ thống ao, hồ, cống, rãnh ở khu vực nông thôn.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải nhựa trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống  thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị…

Giải pháp này hoàn toàn có thể sử dụng “Hệ thống giám sát rác thải nhựa” như đề xuất ở mục 3.1.1 để góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương, đội tuần tra, giám sát thu thập bằng chứng và xử phạt thông qua cách nhập thông tin, dữ liệu, hình ảnh người vi phạm lên phần mềm để lưu  trữ và báo cáo người quản lý cấp cao.

Tiền từ các trường hợp xử lý vi phạm sẽ được sử dụng cho các hoạt động tuyên truyền, hoặc hỗ trợ cho các dự án, mô hình sản xuất xanh… hoặc dùng số tiền này để tổ chức các chương trình đổi rác nhựa lấy quà (người dân có thể đem các chai nhựa đổi các bình thủy tinh/ túi tái chế/ túi vải/ làn nhựa đi chợ/ cây xanh… tùy thuộc vào số lượng chai nhựa đem đến đổi). Toàn bộ rác  thải nhựa này sau đó được tập trung đến các cơ sở tái chế, và điều quan trọng hơn  là  qua các hoạt động này để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần cho người dân và hạn chế được nguy cơ thải ra ngay từ nguồn.

3.1.4. Xây dựng mô hình “lưới bẫy rác” trên các ống thoát nước ở các  con sông, suối

Để hạn chế rác thải trôi nổi trên sông, đề xuất  lắp  đặt các “lưới bẫy rác”  trên các ống thoát nước ở các con sông, suối. Các lưới bẫy rác được  lắp  đặt tại các đầu ra của đường ống thoát nước. Rác thải sau khi được thu gom từ các bẫy rác sẽ vận chuyển vào các cơ sở phân loại, xử lý. Tại đó các chất thải xanh, các vật liệu có thể tái chế và không thể tái chế sẽ được tách ra riêng biệt  để xử  lý. Mô hình này đã áp dụng thành công và đem lại hiệu quả cao tại khu vực thành  phố Kwinana - Úc. Tháng 3/2018, thành phố này đã lắp đặt hai lưới thoát nước trong Khu bảo tồn Henley hay còn gọi là những chiếc “bẫy rác”. Lưới được thiết kế để ngăn chặn các chất thải rắn nói chung và rác  thải nhựa nói riêng  được cuốn theo nước mưa từ hệ thống đường xá ở địa phương chảy vào khu bảo tồn thiên nhiên.

Biện pháp này rất đơn giản nhưng đánh giá cao vì dự án lưới lọc rác đã trở thành một dự án cực kỳ thành công. Các động vật hoang dã địa phương cũng  được hưởng lợi ích từ những lưới lọc này - được sống trong một khu vực  sạch hơn và các “bẫy rác” không gây nguy hiểm cho chúng, cho đến nay  không có con vật nào bị mắc vào lưới. Ban đầu, thành phố lắp đặt 2 hệ thống lưới như vậy  và chỉ trong vòng vài tuần, những túi lưới này đã thu gom được hơn 362 kg rác thải, trong đó có rất nhiều rác thải nhựa là những túi đựng đồ ăn hay vỏ chai lọ nhựa. Lưới lọc rác không chỉ làm sạch nước, hệ thống còn giúp giảm chi phí cho nhân lực thu gom rác thủ công, hệ thống “lưới bẫy rác” này cũng rất rẻ, vào khoảng 20.000 USD, bao gồm cả chi phí sản xuất, lắp đặt và nhân công theo dõi, bảo trì. So với các loại lưới trước đây, hệ thống mạng lưới bẫy rác này vừa  rẻ  vừa tiện dụng cho công nhân vệ sinh môi trường của thành phố, vì họ không cần phải thu rác bằng tay nữa. Khi các túi “lưới bẫy rác” đầy rác, chúng sẽ được cần cẩu kéo lên, làm sạch lại, và thay thế bằng tấm lưới khác

3.2.Nhóm giải pháp đối với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị hành chính nhà nước

-Trang bị máy lọc nước và các bình thủy tinh để thay thế nước uống đóng chai dùng một lần: Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là  các  chai nước nhựa dùng một lần, đề xuất các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị hành chính nhà nước hạn chế chai nhựa sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày và tại các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp, thay vào đó bằng cách trang bị máy  lọc  nước uống và dùng các bình đựng nước bằng thủy tinh được sử dụng nhiều lần, không thanh toán các khoản chi liên quan đến nước uống đóng chai trong tất cả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Về lâu dài,  giải pháp  này vừa góp phần hạn chế rác thải nhựa từ các chai nước dùng một lần, vừa tiết kiệm một phần kinh phí  cho các cơ quan, đơn vị khi không còn chi tiền mua nước hàng tháng và chi tiền mua nước trong các cuộc hội họp. Hành động này giúp hình thành thói quen hạn chế dùng các sản phầm nhựa một lần cho mỗi cá nhân, sau đó tới gia đình mỗi người và lan tỏa tới cộng đồng.

- Cam kết không sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần tại trụ sở cơ quan, đơn vị: Đề xuất các cơ quan, đơn vị có cam kết không sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình và  đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; không sử dụng các bì nhựa đựng tài  liệu  cho các cuộc  hội họp, thay vào đó là dùng các bì tài liệu bằng giấy… Các  cơ quan, đơn vị tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị mình để có các mức xử phạt hoặc khen thưởng xứng đáng nhằm tạo thói quen mới, thay đổi hành vi và ý thức mỗi người.

-Thay thế việc sử dụng phông, bạt, miếng xốp dán chữ trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo bằng việc sử dụng  máy chiếu: Đề xuất  các cơ quan,  đơn vị nên sử dụng máy chiếu để thay thế cho các phông, bạt và miếng  xốp dán chữ trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo nhằm hạn chế  rác  thải  nhựa  ra  môi trường. Mặt khác, giải pháp này vừa giúp chúng ta tiết kiệm một phần kinh phí  khi không còn in ấn các phông chữ và giúp tiết kiệm thời gian (có  thể thay đổi nội dung nhanh chóng và linh hoạt trên máy chiếu).

3.3.Giải pháp đối với các nhà bán lẻ

Áp dụng mô hình “Mượn chai nước”: Mỗi khi mua một chai nước bằng nhựa, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm một khoản phí (khoảng 10.000 đồng hoặc thêm gấp đôi giá bán chai nước). Khi uống nước xong, người tiêu dùng sẽ được hoàn tiền khi trả chai nước tại cửa hàng mà mình mua (khách hàng có thể đem nước về nhà uống và trả chai sau hoặc đem chai tương tự đến đổi). Ngoài ra, đề xuất các chương trình tặng tiền và điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng để khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

3.4Nhóm giải pháp đối với cộng đồng dân cư

-Phát động phong trào dùng giỏ nhựa đi chợ: Đề xuất chính quyền địa phương tại mỗi xã/ thôn/ xóm vận động các hộ dân dùng giỏ nhựa đi chợ cũng như sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên như lá chuối, lá môn, giấy, báo, các sản phẩm khác thân thiện với môi trường để gói thực phẩm thay vì sử dụng túi nilon như hiện tại (có thể trích tiền từ các nguồn thu của địa phương hoặc  kêu gọi sự  hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn… để mua giỏ tặng các hộ dân sử dụng và có các đoàn kiểm tra, giám sát việc sử dụng giỏ ở cổng chợ); không dùng túi nilon trong trường hợp có thể thay thế được khi đi mua hàng tại chợ, tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ, khi đi mua thức ăn…

-Triển khai các mô hình trồng cây lấy lá gói thực phẩm thay thế túi nilon: Ngoài việc vận động người dân sử dụng giỏ nhựa đi chợ, phát động các hộ dân triển khai các mô hình trồng cây lấy lá như lá chuối,  lá dong, lá sen, lá môn,…  vừa có tác dụng cung cấp thực phẩm cho con người và động vật, vừa tạo nguồn  lá để gói thực phẩm thay thế túi nilon. Mô hình này rất dễ áp dụng,  đặc biệt  là với các khu vực miền núi, nông thôn có đất rộng, màu mỡ, các hộ dân vừa trồng  để sử dụng vừa có thể bán lại cho các vùng khác như ở các thành thị, những nơi không có điều kiện trồng. Sử dụng các loại lá này không những thân thiện với môi trường, hạn chế số lượng lớn túi nilon xã thải ra môi trường mà còn có lợi cho sức khỏe.

-Thiết kế các pano tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa: Đề xuất thiết kế các pano tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đặt ở  các khu  vực  đông dân cư như ở chợ, nhà văn hóa, trường học, ga tàu, bệnh viện,  cửa hàng,  các  điểm du lịch... với những nội dung, thông điệp cụ thể.

-Miễn hoặc giảm phí chợ đối với các tiểu thương không sử dụng túi nilon  để bán hàng: Vận động tiểu thương không sử dụng túi nilon khi bán hàng; dùng lá chuối/ lá môn, giấy, báo, các sản phẩm thân thiện với môi trường để gói thực phẩm thay vì sử dụng túi nilon. Đề xuất UBND xã/ chính quyền địa phương các khu vực miễn hoặc giảm phí chợ đối với các tiểu thương  không  sử  dụng  túi nilon để bán hàng và thành lập đoàn kiểm tra hường xuyên theo  dõi sát sao  để đạt được hiệu quả và hình thành thói quen cho cộng đồng.

-Đưa tiêu chí không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vào xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa vào cuối năm: Đề xuất chính quyền địa phương các xã/ thôn/ xóm đưa tiêu chí không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vào xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa vào cuối năm. Mặt khác, cần hỗ trợ, biểu dương cá nhân, tập thể không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

3.5.Nhóm giải pháp đối với các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn

-Thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các vật liệu thân  thiện với môi trường: Ngoài việc vận động các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn giảm thiểu túi nilon và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như dùng các bình nước lớn, cốc, ly, chén bằng thủy tinh hoặc sứ, dùng lá chuối để bày, bao gói thức ăn…; đề xuất vận động các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê nói không với ống hút  nhựa,  cần  thay toàn bộ các ống hút nhựa bằng ống hút tre, ống hút inox, ống hút bằng các loại bột có thể tự tiêu hủy (như ống hút gạo, ống hút bằng bã mía…

Muốn thay đổi những thói quen này cần một khoảng thời gian tương đối dài vì nó đòi hỏi sự đầu tư ban đầu tương đối lớn và không tiện dụng. Ống hút nhựa gọn, nhẹ, giá thành rẻ, dùng xong có thể vứt luôn. Trong khi các loạt vật liệu  khác  có giá  thành cao, khó vệ sinh, dễ hư hỏng. Chính về thế, cần phải có giải pháp về tuyên truyền để người dân hiểu và cùng hành động, hướng tới một sản phẩm du lịch  bền vững.

-Thay thế những sản phẩm cỡ nhỏ thành cỡ lớn: Các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn có thể thay thế sữa tắm, dầu gội, xà phòng dạng túi nhỏ thành  các chai cỡ lớn hoặc dạng bánh để sử dụng nhiều lần. Đối với các bánh xà phòng thừa khách bỏ lại, cần gom đến cơ sở tái chế để nấu và chế tạo lại, tránh sự lãng phí.

-Hạn chế vật dụng cá nhân dùng một lần ở các nhà hàng, khách sạn: Đề xuất vận động các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn không để sẵn các đồ dùng cá nhân, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn lạnh, lược chải đầu,  dao cạo râu, chai nước nhỏ trên bàn hoặc ở vị trí thuận lợi mà đề xuất  để ở  sảnh khách sạn hoặc để ở góc tủ/ phòng để khách tự lấy nếu có nhu cầu và có thông  báo trước cho khách (có thể dán thông báo ở sảnh khách sạn với nội dung giảm thiểu rác thải nhựa) vì có nhiều khách trước  khi đi du  lịch thường chuẩn bị sẵn đồ dùng riêng của mình, không cần sử dụng những vật dụng cá nhân do khách  sạn cung cấp.Giải pháp này vừa giúp giảm thiểu dùng đồ nhựa một lần; vừa giúp tiết kiệm chi phí cho các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn; vừa góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho khách.

IV.KẾT LUẬN

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilon và các  sản phẩm nhựa  dùng  một lần đã trở thành vấn đề cấp bách không chỉ của Việt Nam mà của cả thế  giới. Chính vì vậy, để hạn chế rác thải nhựa cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp và mỗi cá nhân chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta phải hành động mạnh mẽ  và quyết liệt  ngay  từ bây giờ.

Tôi tin rằng, với sự quan tâm, với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, cộng đồng, chúng ta sẽ thực hiện thành công, hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”. Tôi hi vọng những giải pháp của mình sẽ được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm, biến thành hành động cụ thể, thiết thực. Các giải pháp mà tôi đề xuất dễ thực hiện, hoàn toàn có thể áp dụng cho  các  nhóm đối tượng và đem lại hiệu quả cao, vừa nâng cao ý thức cho cộng đồng về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của rác thải nhựa; làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể của mỗi người về việc hạn chế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần thay bằng các sản phẩm dễ tiêu hủy, thân thiện với môi trường; vừa  giúp chúng ta giảm thiểu chi phí mua sắm các đồ nhựa, chi phí xử lý rác thải nhựa;  giảm  thiểu các tác động của rác thải nhựa đến cảnh quan, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta sẽ thay đổi được hành động của bản thân và hạn chế, tiến tới xóa bỏ rác thải nhựa. Chính vì  vậy,  mỗi cá nhân, tập thể, các ban, ngành, đơn vị, địa phương chúng ta phải có ý thức  và  hành động cụ thể, thiết thực, phải thay đổi hành vi và thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, ngay từ hôm nay và ngay bây giờ./.

Tác giả: Lê Thị Phương Lan

Đơn vị công tác: Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Số điện thoại: 0977.303.064

Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết RTN 10: Thay đổi hành vi, thói quen để giảm thiểu rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.