Thứ năm, 28/03/2024 15:51 (GMT+7)

Quản lý Đô thị và Môi trường trong thời kỳ dịch bệnh (Corona virus)

MTĐT -  Thứ hai, 30/03/2020 14:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Corona virus là một bệnh truyền nhiễm bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại TPVũ Hán (Trung Quốc), cho đến nay đã trở thành đại dịch lan rộng đến hơn 100 quốc gia.

Đây là một loại dịch bệnh nguy hiểm vì có thể gây thiệt hại nhân mạng, nhưng lại khó xác định người truyền bệnh, các triệu chứng phổ biến của bệnh (như sốt, ho và khó thở) nhiều khi không xảy ra trong thời gian ủ bệnh (từ 2 đến 14 ngày), trong khi vẫn có thể gây truyền nhiễm trong thời gian này.

Bảng tính nguy cơ lan truyền dịch bệnh theo cấp số nhân, với giả định hệ số lây bằng 2 (Nguồn: Bảng tính của Lâm Minh Chánh, 2020)

Chính vì lý do đó, nên tuy mức độ tử vong không cao như cúm mùa, nhưng nguy cơ truyền nhiễm trên diện rộng lại có thể nhanh hơn nhiều, mặt khác lại rất khó phòng ngừa, nếu không kịp thời xử lý, cách ly các nguồn gây bệnh từ giai đoạn đầu, nguy cơ này sẽ nhanh chóng gia tăng theo cấp số nhân. Chính quyền các quốc gia sau đó buộc phải phong tỏa và tổ chức cách ly những khu vực nguồn có thể gây bệnh quy mô lớn, từ những khu phố với vài trăm dân, cho đến những vùng đô thị với vài chục triệu người. Điều này dẫn đến nhiều thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) tuyên bố đây là Đại dịch toàn cầu, vì đã xuất hiện tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mức độ nghiêm trọng.

Trong một tình huống khó khăn như vậy, việc thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp các nghiên cứu từ góc độ khoa học và đa ngành là điều rất quan trọng và cấp bách. Mỗi ngành có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp (bao gồm các ngành y tế, môi trường, khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội, thông tin truyền thông, giáo dục, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị, …) đều cần có những đóng góp phối hợp với nhau để kịp thời ứng phó trước nguy cơ.

Trên tinh thần đó, trên cơ sở một số thông tin đã được kiểm chứng cho đến nay về bệnh dịch Corona virus, bài viết này đóng góp góc nhìn về một số vấn đề quản lý đô thị và môi trường để góp phần giúp các nhà quản lý đô thị có thêm những góc nhìn đa ngành trong việc ứng phó với các tình huống.

Tầm quan trọng của việc cách ly nguồn gây bệnh càng sớm càng tốt

Trong tình hình thực tế chưa tìm ra được thuốc trị và chủng ngừa, việc cách ly nguồn gây bệnh từ sớm, ngay khi số lượng bệnh nhân chỉ chưa tới chục người, là một yêu cầu mang tính sống còn trong việc ứng phó với dịch bệnh, nhưng có lẽ nhiều đơn vị và cá nhân chưa hình dung được tầm quan trọng hàng đầu của việc này.

Sơ đồ minh họa tình hình lây nhiễm dịch bệnh Corona Virus COVID-19 tính đến ngày 12/3/2020 tại các khu vực ở Việt Nam và trên thế giới (Nguồn: Kompa group, dựa trên tổng hợp thông tin của WHO, CDC, NHC, DXY & Bộ Y Tế Việt Nam)

Để minh họa, chúng ta hãy tham khảo một mô hình lý thuyết, trong đó giả định với hệ số lây là 2, nghĩa là 1 người có thể lây bệnh cho 2 người trong 1 ngày, số bệnh nhân mới sẽ tăng lên theo ngày như sau:

  • Đầu ngày 1, một cá nhân bị bệnh;
  • Đầu ngày 6, có 243 người bị bệnh, tương đương dân số 1 khu phố;
  • Đầu ngày 8, có 2.187 người bị bệnh, tương đương dân số 1 phường quy mô trung tâm Quận 1 của TPHCM , và hơn gấp đôi ngưỡng 1000 bệnh nhân mà nhân lực ngành y tế tại TP HCM có thể đáp ứng việc chăm sóc cho các bệnh nhân của TP;
  • Đầu ngày 16, có 14.348.907 người bị bệnh, cao hơn dân số toàn TPHCM;
  • Đầu ngày 18, có 129.140.163 người bị bệnh, cao hơn toàn bộ dân số nước Việt Nam;
  • Đầu ngày 21, có 10.460.353.203 người bị bệnh, cao hơn toàn bộ dân số toàn thế giới.

Con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với mô hình lý thuyết nêu trên, cho nên các nhà quản lý đô thị cần thấy được nguy cơ rất khó lường về hậu quả dịch Corona virus có thể xảy ra trong thực tế, nếu như việc cách ly nguồn bệnh kém hiệu quả, trong đó yếu tố quyết định không chỉ là sự quản lý tốt của chính quyền, mà còn cần đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người dân.

Trong thực tế hiện nay, điều quan trọng của mỗi quốc gia là tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây lan theo cấp số nhân có thể xảy ra, cho đến khi tìm ra được thuốc trị bệnh và giúp ngừa bệnh. Quốc gia nào làm tốt hơn, thì sẽ ít bị thiệt hại hơn, và sẽ hồi phục nhanh hơn sau khi cơn đại dịch qua đi. Để làm được điều này, không chỉ cần vai trò bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh của các cơ sở y tế, và sự quản lý về cách ly các nguồn gây bệnh của chính quyền, mà cần sự hợp tác của nhiều ngành khác nói riêng, và của toàn dân nói chung.

Phân loại bốn nhóm cộng đồng dân cư trong thời kỳ có nguy cơ dịch bệnh

Các nhà khoa học NASA (Mỹ) ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị ở Trung Quốc được cải thiện rất nhiều. Mức độ ô nhiễm nitrogen dioxide (NO2) giảm tới 30%

Trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để ứng phó với bệnh dịch, việc phân loại thành phần dân cư là cơ sở quan trọng cần được xác định đầu tiên. Điều này khác với phân loại thành phần dân cư trong quy hoạch đô thị thông thường. Nói chung, trong thời kỳ có nguy cơ bệnh dịch lan rộng, có thể phân thành ba loại cộng đồng dân cư như sau:

Cộng đồng Bệnh dịch B

Cư dân chính là những người đang bệnh hoặc mang mầm bệnh.

Cộng đồng Cách ly C

Cư dân chính là những người khỏe mạnh đã từng tiếp xúc với người bệnh, đang phải sống cách ly với cư dân Cộng đồng B và K, để được kiểm tra có mang mầm bệnh, sau một thời gian (thường là 14 ngày) sẽ được phân loại đưa về nhóm Cộng đồng B hoặc K.

Cộng đồng Khỏe mạnh K

Cư dân chính là những người khỏe mạnh cần được bảo vệ trước nguy cơ lây bệnh từ cư dân thuộc Cộng đồng B và C. Đây cũng là hậu phương quan trọng có thể cung cấp những nhân viên khỏe mạnh, có nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bệnh nhân, hoặc các nhiệm vụ phục vụ khác.

Cộng đồng Miễn nhiễm M

Cư dân chính trong cộng đồng này, trên lý thuyết, thuộc loại an toàn nhất, hơn cả Cộng đồng K, vì người từng bị nhiễm khuẩn thường không bị bệnh lại, vì đã được miễn nhiễm do trong cơ thể đã có kháng thể. Nhưng trong trường hợp dịch Corona virus, thì có thể loại hình cộng đồng này có thể không hình thành được, vì nhiều trường hợp được ghi nhận trên thế giới cho thấy bệnh nhân đã khỏi bệnh, rồi sau đó vẫn bị lại.

Giải pháp quản lý Đô thị trong việc tổ chức cách ly chống dịch

  • Đảm bảo an ninh an toàn cho khu vực ranh giới giữa 4 nhóm cộng đồng, không để xảy ra tình trạng đi lại không phép và không an toàn giữa những người sống và làm việc trong từng khu;
  • Cố gắng hạn chế tối đa việc hình thành những khu vực cộng đồng B và C phân tán da beo trên khắp thành phố. Trong điều kiện có thể được, nên bố trí các khu tập trung cho Cộng đồng B và C ở khu vực ít dân cư và ở phía Bắc, và không nên ở gần những khu vực nhạy cảm về môi trường;
  • Cải thiện hệ thống thông tin và giáo dục để nâng cao ý thức tự giác và vận động sự tham gia hợp tác của toàn dân trong việc cùng nhau chống dịch;
  • Đưa ra những quyết định về quản lý đô thị một cách hiệu quả và nhanh chóng dựa trên cơ sở khoa học và tư vấn của chuyên gia, đồng thời với việc tham khảo ý kiến người dân. Ví dụ, việc cho phép học sinh – sinh viên đi học lại trong vùng dịch phải được nhà cầm quyền chịu trách nhiệm quyết định, sau khi cân nhắc (dựa trên phân tích các lợi ích chung tương ứng với nguy cơ, các nhu cầu của người dân, khả năng xử lý các tình huống của địa phương, và nguy cơ có thể bị vỡ trận trong công tác chống dịch), chứ không thể chỉ dựa trên đề xuất của các trường tư thục hoặc trưng cầu dân ý qua mạng;
  • Bên cạnh việc phòng ngừa và chữa bệnh, cần tạo điều kiện thuận tiện cho các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày trong nội bộ từng nhóm cộng đồng. Không chỉ tạo điều kiện cho nhu cầu sống và làm việc và tiếp tục đóng góp cho xã hội của Cộng đồng K, mà cả cho Cộng đồng C và M, vì đa số cư dân trong đó vẫn là người khỏe mạnh, có thể làm việc được;
  • Đưa ra giải pháp cho các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt cho khu vực của nhóm Cộng đồng K và M, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, vì đây là hậu phương rất quan trọng trong việc cung cấp tài lực, vật lực, và nhân lực phục vụ cho Cộng đồng B và C;
  • Hạn chế các nguy cơ có thể tạo mầm mống cho việc lây lan tạo thành nhiều cộng đồng B và C rải rác trong đô thị, ví dụ như việc tiếp nhận và thanh lọc những người đến từ các vùng dịch trong nước và nước ngoài.

Chất lượng không khí trong và ngoài nhà trong đại dịch Corona virus

Tuy việc lan truyền dịch bệnh Corona virus là một nguy cơ lớn đang được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới, quá trình ứng phó với nguy cơ này cho thấy những cơ hội tạo ra một số tác động tích cực khác cho đô thị thời kỳ hậu dịch bệnh.

Thứ nhất, do yêu cầu phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau, nhiều cơ quan đơn vị và cơ sở giáo dục phải chuyển hướng sang làm việc và giao tiếp online. Những đô thị có mạng lưới quản lý thông minh và hệ thống internet kết nối liên ngành tốt, là những nơi ít bị ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế hơn. Đây cũng là điều sẽ kích thích đô thị ở các nước đang phát triển lưu tâm phát triển theo hướng thông minh trong thời kỳ hậu dịch Corona virus.

Thứ hai, chất lượng không khí ngoài nhà ở những nơi có nguy cơ dịch hiện nay đang được cải thiện đáng kể trong những tháng bệnh dịch tăng cao. Điển hình là ở Trung Quốc, các phân tích nghiên cứu từ không ảnh cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị giảm tới 30%. Điều này cho thấy nếu một đô thị được thiết kế theo định hướng giảm thiểu nhu cầu đi lại hàng ngày, ví dụ như quy mô đô thị gồm nhiều khu cộng đồng nhỏ liên kết với nhau, tổ chức các cơ sở làm việc và dịch vụ hạ tầng các loại gần với nơi ở để có thể đi bộ, thì môi trường đô thị trên thế giới có thể thay đổi khả quan theo hướng tích cực.

Thứ ba, khả năng lây lan qua đường không khí của Corona virus là rất thấp, và không phải là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng nhiều đến chất lượng không khí trong và ngoài nhà.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Thứ nhất, là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp. Thứ hai, là lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh. Và thứ ba, là lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.

Những không gian sinh hoạt đóng kín và chỉ sử dụng thông thoáng nhân tạo là những không gian dễ gây lây nhiễm hơn nhiều so với những không gian có thông thoáng tự nhiên và môi trường không khí trong lành. Cho dù nhiều chuyên gia cho rằng Corona virus không lây trực tiếp qua đường không khí, nhưng một nghiên cứu y tế khác từ Trung Quốc cho biết: Corona virus có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và có thể di chuyển trong khoảng cách 4,5 m. Do đó, vẫn chưa nên chủ quan trong việc quản lý các không gian công cộng với thông thoáng nhân tạo.

Khi có nguy cơ dịch bệnh, trong thành phố, các không gian công cộng đóng kín và chỉ sử dụng thông thoáng nhân tạo, từ khoang hành khách trên máy bay, cho đến phòng vệ sinh ở sân bay, … cho đến những cao ốc bọc kính và chủ yếu sử dụng thông thoáng nhân tạo (như cao ốc văn phòng Bitexco và cao ốc khách sạn và căn hộ Times Square ở Tp HCM), là những không gian cần được đặc biệt quan tâm làm vệ sinh và khử trùng thường xuyên, đặc biệt là khi chúng nằm trong khu vực có nguy cơ bệnh dịch.

Nói chung các không gian có thông thoáng tốt, nhiều cây xanh, như những khu đô thị sinh thái, và những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, thiết kế với thông thoáng và ánh sáng tự nhiên, đảm bảo có đủ không gian xanh mặt nước cần thiết và ánh sáng mặt trời, không những là không gian tốt để sinh sống, mà còn là nơi giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng cho con người.

Tóm lại, trong giới hạn thông tin khoa học về nguy cơ bệnh dịch Corona virus còn khá hạn chế, và cho đến nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa bệnh hoặc thuốc chủng ngừa, các nhà quản lý đô thị cần nhanh chóng tiến hành nghiên cứu để chuẩn bị cho những kịch bản ứng phó và hướng dẫn cho các đơn vị cũng như người dân cách ứng xử trong mọi tình huống, không chỉ đối phó với dịch bệnh Corona virus, mà còn cả ứng phó với việc làm sao duy trì hoạt động kinh tế xã hội trong thời kỳ khó khăn này một cách an toàn. Ngoài ra còn cần chuẩn bị cho công tác kích thích sự hồi phục nhanh về kinh tế xã hội đô thị sau khi dịch bệnh qua đi.

* TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Theo Tạp chí Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Quản lý Đô thị và Môi trường trong thời kỳ dịch bệnh (Corona virus). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.