Thứ bảy, 20/04/2024 07:54 (GMT+7)

Phú Thọ: Nhân rộng mô hình xây hầm biogas để giảm ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 26/03/2014 11:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mô hình hầm khí biogas do dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Phú Thọ triển khai bước đầu đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSAEP-BD) tỉnh Phú Thọ, cho biết: Chương trình khí sinh học được thực hiện đã hỗ trợ rất lớn cho chăn nuôi quy mô lớn phát triển.

Ngoài mục đích xử lý môi trường, chương trình còn giải quyết vấn đề chất đốt, tiết kiệm chi phí cho hộ gia đình và hạn chế phá rừng mang lại lợi ích cho xã hội. Nếu một hộ đầu tư công trình biogas từ 15-20 triệu đồng, chỉ vận hành trong hai năm là thu hồi toàn bộ vốn thông qua sử dụng chất đốt khí gas.

Do thấy được tác dụng của công trình khí sinh học nên 3 năm qua, việc đầu tư xây dựng hầm biogas ở Phú Thọ phát triển khá mạnh. Nếu như năm 2010, tỉnh phải tích cực vận động cả tỉnh mới thực hiện được trên 400 hầm thì trong 3 năm (2011-2013) tỉnh đều vượt kế hoạch, mỗi năm xây trên 1.000 hầm. Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 3.700 hầm, vượt chỉ tiêu, kế hoạch dự kiến của cả giai đoạn dự án 2010 - 2014, các công trình sau nghiệm thu đưa vào sử dụng đều đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Chị Đặng Thị Thu Hà, khu 9, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, cho biết: Trước đây khi chưa xây hầm biogas, nước thải trong chăn nuôi không có chỗ thoát, không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều hộ xung quanh đều phải chịu mùi khó chịu.

Năm 2011, được cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền, đồng thời tự tìm hiểu qua báo, đài thấy nhiều gia đình giải quyết chất thải bằng hầm biogas, nên gia đình chị đã xây hầm 10 m3 với chi phí khoảng 15 triệu đồng. Chị Hà cho biết thêm, với hơn 20 kg chất thải xả ra mỗi ngày tận dụng làm biogas, mỗi tháng gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng.

Ông Phạm Duy Công, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Giã, cho biết: Từ khi dự án QSEAPBD triển khai xây dựng hầm khí biogas, nhiều hộ đã sử dụng và mang lại hiệu quả lâu dài. Đặc biệt, một số hộ được hỗ trợ kinh phí từ dự án QSEAPBD với mức 1,2 triệu đồng/hầm, dự kiến từ năm nay mức hỗ trợ sẽ tăng lên nên sẽ khuyến khích nhiều hộ tham gia. Ngoài ra, các hộ có thể làm thủ tục để được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay vốn với lãi suất thấp để xây hầm biogas. Xử lý chất thải bằng hầm biogas đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi ở địa phương phát triển, hạn chế phần nào dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, nguồn chất thải từ hầm biogas được tận dụng làm phân bón cho cây trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Việc sử dụng biogas đã góp phần rất lớn trong xử lý môi trường tại chỗ ở nông thôn, hạn chế ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo tính toán, mỗi hộ sử dụng biogas có thể tiết kiệm từ 200.000 đến 250.000 đồng/tháng chi phí cho chất đốt.

Theo kế hoạch chương trình QSAEP-BD sẽ kết thúc sau hơn một năm nữa, nhưng với kết quả đã thực hiện 3 năm qua đã có tác động rất lớn, không chỉ gần 3.700 hộ đã được dự án hỗ trợ mà có nhiều hộ tự bỏ vốn đầu tư xây và tương lai các hộ có nhu cầu phát triển vẫn tăng lên. Nhiều xã đã đưa chương trình khí sinh học gắn liền với phát triển chăn nuôi với yêu cầu các hộ chăn nuôi gia súc phải xây dựng công trình biogas để bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại Phú Thọ được đánh giá là tỉnh thực hiện có kết quả nhất trong số gần 30 tỉnh tham gia dự án. Năm 2014, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đưa tỷ lệ số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh lên 65%, trong đó có 35% số hộ xây dựng lắp đặt hầm Biogas.

 
Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Nhân rộng mô hình xây hầm biogas để giảm ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...