Thứ sáu, 29/03/2024 02:52 (GMT+7)

Nông nghiệp Việt Nam phải áp dụng công nghệ cao và bền vững

MTĐT -  Thứ ba, 27/11/2018 11:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nền nông nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu với năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp; sức cạnh tranh trên thị trường còn kém.

Sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa vào hơn 10 triệu hộ tiểu nông đảm nhận trên 8 triệu ha đất nông nghiệp nhưng lại bị chia nhỏ thành gần 80 triệu mảnh ruộng nhỏ, nghĩa là bình quân mỗi hộ canh tác từ 5-10 mảnh rải rác trên các vùng đất, hạng đất khác nhau, thậm chí cá biệt có hộ có tới 30 mảnh.

Kết cấu hạ tầng nông thôn còn lạc hậu. Hiện còn 606 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 30% đường huyện, 50% đường xã không đi lại được trong mùa mưa. Hệ thống thủy lợi chỉ mới đảm bảo tưới được 80% đất trồng lúa, một tỷ lệ nhỏ hoa màu và cây công nghiệp. Hệ thống điện nông thôn mới bảo đảm được cho 70% số xã, nhưng chất lượng và hiệu quả dịch vụ thấp.

Năng suất, chất lượng nhiều loại sản phẩm còn thấp. Riêng lúa, mặc dù năng suất trong những năm qua tăng khá nhanh, bình quân hàng năm tăng khoảng 2%, nhưng mới chỉ bằng 65% năng suất lúa của Trung Quốc. Năng suất, chất lượng nhiều mặt hàng như chè, mía, rau, quả, sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… đều thấp ơn nhiều so với các nước là đối thủ cạnh tranh chính.

Giá thành một số loại sản phẩm sản xuất trong nước còn cao hơn cả giá bán trên thị trường quốc tế, như đường mía cao gấp hơn 2 lần, thịt lợn cao hơn 40%...

Công nghiệp chế biến kém phát triển, chúng ta mới chỉ có 60% sản lượng chè, 30% sản lượng mía, 5% sản lượng rau quả, 1% sản lượng thịt hơi, xấp xỉ 30% sản phẩm thủy sản… được chế biến công nghiệp.

Cho đến nay, thu nhập từ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn mới chỉ chiếm khoảng 25% GDP ở nông thôn, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực (ở Trung Quốc, thu nhập phi nông nghiệp chiếm 35% thu nhập của hộ nông thôn; Hàn Quốc năm 1995 đã đạt 50%...)

Khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu với người nghèo ở nông thôn ngày càng rộng; một bộ phận khá lớn cộng đồng dân cư ở nông thôn, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang ven biển đang sống trong tình trạng nghèo đói.

 Phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường cũng gây những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ô nhiễm môi trường nước là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại đối với ngành thủy sản; ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, đất gây ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và cây trồng. Những vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng tới đời sống người nông dân mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng tới vấn đề phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất tạo nạc, kích thích trong nông nghiệp rất phổ biến dẫn đến tình trạng ngộ độc do thực phẩm bẩn nặng nề. Hạn hán kéo dài, nhiều địa phương bị khô hạn, không có nước canh tác nhất là Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ.

Những vấn đề trên chính là lực cản, thách thức trong quá trình phát triển nền nông nghiệp với đòi hỏi năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng là thách thức với quá trình xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo phát triển bền vững.[1]

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Trong đó, nền tảng là ứng dụng công nghệ cao, giúp nông dân tiếp cận, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, ứng dụng này bước đầu giúp giảm chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Thành phố cũng đã thành công trong ứng dụng công nghệ cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đối với bò Australia. Kết quả đã tạo ra lứa bê đầu tiên có khả năng sinh sản và tốc độ sinh trưởng không thua kém ở nước bản địa…

Tuy vậy, những ứng dụng trên còn manh mún và việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn chưa thực sự được đầu tư bài bản. Đây được xem là thách thức lớn khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ là đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà còn là công nghệ trong quản lý và vận hành nền sản xuất nông nghiệp.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu chính là hướng đến sản phẩm chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao với sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (thu mua, phân phối) và các đơn vị hỗ trợ công nghệ. Để tạo cơ chế vận hành mô hình này, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ những rào cản trong việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong đó cần quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sao cho có sự gắn kết chặt chẽ. Theo đó khu nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, còn vùng nông nghiệp, công nghệ cao sẽ ứng dụng công nghệ đó và sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, cũng như mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể; xây dựng các chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang, nhằm tăng hiệu quả vận hành, quản lý chuỗi cũng như kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ban chỉ đạo Chương trình 02/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là ruộng đất manh mún, nhiều ô thửa nên khó thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC. [3]

Sau thành công của chương trình dồn điền đổi thửa, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đơn cử như huyện Đan Phượng đã hình thành một số dự án, mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp, chứng minh hiệu quả rõ rệt so với canh tác truyền thống. Trong đó, khu trồng hoa lan ứng dụng CNC tại xã Phương Đình là một ví dụ. Chủ nhân của khu này đã thực hiện toàn bộ các thao tác từ ươm giống, nuôi cấy, chăm sóc, thu hoạch hoa bằng dây chuyền đồng bộ. Với sự hỗ trợ của công nghệ, người trồng hoa có thể quyết định được màu sắc, chủng loại, kích thước hoa.[2]

Ứng dụng CNC vào sản xuất đem lại hiêu quả cao là điều không cần bàn thêm, nhưng để phát triển các mô hình này vẫn còn không ít trở ngại, khó khăn nhất là đất đai. “Để tích tụ ruộng đất có 2 nguồn: Đối với quỹ 2 (do xã quản lý) diện tích nhỏ lẻ, manh mún; khi chia ruộng cho nhân dân, những chỗ đất đẹp đã chia hết, chỗ xấu mới để lại làm quỹ 2; thời gian cho thuê đất quỹ 2 cũng chỉ trong 5 năm nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư lớn. Nguồn thứ 2 là quỹ đất 1 (đã chia cho các hộ), áp theo giá đền bù giải phóng mặt bằng của Hà Nội cao hơn nhiều so với các nông dân góp ruộng vào cùng sản xuất cũng không dễ bởi người dân “chín người mười ý”, “khó thống nhất”.

Dồn điền, đổi thửa là hướng đi tất yếu nhằm tạo những “cánh đồng mẫu lớn”, nâng cao giá trị canh tác… Thực tế, sau dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã “bứt phá”, đạt nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, để hiệu quả như kỳ vọng, vẫn còn nhiều việc phải làm về định hướng sản xuất vùng, miền; xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.183,1/75.980,1ha (đạt 104,2%), vượt 3.673,5 ha so với kế hoạch. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn (với 33.884ha), trong đó chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (đạt trên 13.500ha); tiếp đến là diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả (hơn 6.500ha), rau an toàn, hữu cơ (gần 3.000ha). Các huyện có diện tích chuyển đổi lớn nhất là: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… Qua dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung cho giá trị thu nhập tăng thêm 25 - 30%...[4]

Về định hướng, Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất cây, con đặc sản và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh… Ví như, với nông dân ở Ứng Hòa, khi triển khai các mô hình đa canh lúa - cá - vịt, cần tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển lúa chất lượng cao, vịt chăn nuôi theo hướng đặc sản, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ mới… chứ không khuyến khích phát triển rau hay các loại cây ăn quả… Ngược lại, với các vùng cây ăn quả đã được định hình tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng… sẽ tập trung đào tạo, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để tạo sản phẩm tốt nhất. Song hành, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, đặc biệt, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù từng địa phương.

Thời gian qua, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp rau xanh, thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn, nhằm đẩy mạnh khai thác sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay tỉnh có một số mặt hàng chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như cam, bưởi, mía, lợn bản địa, gà đồi, cá Sông Đà… Hiện tỉnh có 9.700 ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt trên 3 triệu tấn/năm ; sản lượng mía đạt 53 vạn tấn; 10.000 tấn cá lồng; 5,2 triệu con gà ta; 12.000ha rau xanh… Trong đó, gần 80ha sản xuất nông sản của tỉnh có chứng nhận VietGAP, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng thuốc sinh học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Hiện TP Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng chợ đầu mối quy mô lớn theo mô hình của Pháp. Theo đó, hàng hóa vào chợ chủ yếu là nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Chợ đầu mối này sẽ là kênh tiêu thụ rất tốt, tạo mô hình sản xuất ổn định lâu dài, giúp người dân các địa phương trong đó có tỉnh Hòa Bình nâng cao sản lượng, chất lượng, ổn định giá cả, tránh được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp quảng bá ngành hàng, kết nối giữa các bên. Đặc biệt, trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội vừa ra mắt website về nông sản an toàn Hà Nội tại đỉa chỉ http://nongsanantoan.gov.vn. Tại đây, những thông tin về nông sản an toàn được cập nhật đầy đủ, cung cấp cho người tiêu dùng kinh nghiệm nhận diện nông sản sạch, an toàn bằng mã truy xuất điện tử QR Code, giới thiệu các sản phẩm uy tín đã được kiểm nghiệm, từ đó kết nối các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ tại hai tỉnh, thành phố; quảng bá sản phẩm nông sản an toàn Hà Nội”, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình tiêu thụ sản phẩm.

Sau một thời gian ngắn ra mắt thị trường, sản phẩm gạo Hương lài sữa dẻo trồng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chế biến tại nhà máy chế biến và sản xuất gạo của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đặt tại tỉnh Đồng Tháp, đã lọt tốp 2 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018”.

Chương trình do Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có uy tín về sản phẩm và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tháng 4/2018, Tổng công ty Hapro đã tổ chức sự kiện “Hạt ngọc Đồng Tháp Mười”, giới thiệu sản phẩm gạo cao cấp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm ba nhãn hiệu: Gạo Japonica, gạo Hương lài sữa dẻo và gạo Hương chín rồng, được đóng bao 5kg tại nhà máy chế biến và sản xuất gạo Hapro tại tỉnh Đồng Tháp. Với những ưu thế về thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, “hạt ngọc” Đồng Tháp khi nấu chín dẻo, mang hương thơm đặc trưng của từng loại gạo và đặc biệt chứa hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội so với các loại gạo thông thường. Đặc biệt, ba sản phẩm gạo chất lượng cao nói trên được tiêu thụ rất tốt tại thị trường nước ngoài và được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao về chất lượng.

Thời gian tới, Hapro sẽ tiếp tục ra mắt thị trường ba dòng sản phẩm mới, với nhãn hiệu Gạo: Đài thơm, Đồng vàng, Nàng mây.

Ngày 20/11/2018, tại Hội thảo quốc tế Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TS Morihiko Hiramatsu, Chủ tịch danh dự, Ủy ban Trao đổi OVOP Quốc tế, “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trên thế giới, cho rằng, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế.

Ông Hiramatsu giới thiệu về một loại nấm do nông dân Nhật Bản trồng, với giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Ông đưa hình ảnh so sánh khá thú vị: Nếu thương hiệu đẳng cấp của công nghiệp xe hơi Nhật là chiếc xe Lexus nặng khoảng 2 tấn, giá hơn 2 tỷ đồng, tính ra chỉ 1 triệu đồng/kg. “Điều này cho thấy, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế. Và tôi tin nông dân Việt Nam được có thể làm được như nông dân Nhật” - ông nói.

Theo vị “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (bắt nguồn từ tỉnh Oita của Nhật), động lực để nông dân tham gia chính là giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm giúp họ tăng thu nhập. Ông nói rằng, có thời điểm, ở Nhật không có cửa hàng, siêu thị nào bán các sản phẩm từ các cơ sở không chuyên cả, bởi lo chất lượng không đảm bảo, vì làm bằng tay. Tuy nhiên, nông dân Nhật đã sử dụng kỹ thuật truyền thống trong chế biến, bảo quản thực phẩm như lên men, ủ chua, luộc, sấy khô, ép, chiên, hun khói… “Nhờ phương pháp này, người ta có thể tin tưởng được sự an toàn, sản phẩm được nông dân chế biến bằng nguyên liệu tươi ngon, và từ đó các sản phẩm OVOP có đến được người tiêu dùng”, chuyên gia Nhật nói.

Về triển khai chương trình OCOP ở Việt Nam, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới T.Ư (Bộ NN & PTNT), cho biết, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ Nhật Bản, Thái Lan và kết quả triển khai tại Quảng Ninh, hiện cả nước đã có 18 tỉnh phê duyệt đề án cấp tỉnh, 16 tỉnh phê duyệt đề cương, các tỉnh còn lại đang hoàn thiện dự thảo cuối cùng để phê duyệt.

Ông Hiramatsu cũng cho rằng, nếu sản phẩm tốt sẽ không lo thị trường tiêu thụ: “Điều đặc biệt là ở các điểm bán hàng, cửa hàng lưu động, nông dân được quyền định giá sản phẩm chứ không phải do thị trường”. Hơn 48.000 sản phẩm OCOP trong tháng 12 tới sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và dự kiến áp dụng từ năm 2019.

Theo ông Tiến, việc gắn sao sản phẩm từ 1 đến 5 sao, trong đó 3 sao trở xuống là cấp tỉnh, 4-5 sao là do T.Ư cấp. “Sản phẩm 4-5 sao, là có thể đưa lên kệ hàng và quốc tế. Tuy nhiên, để vươn tới 4-5 sao, ngay cả như tỉnh tiềm lực Quảng Ninh triển khai mô hình OCOP đã bốn năm nay, nhưng hiện cũng chỉ có 5 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Do vậy, khi chuẩn hóa, xếp hạng, cả nước có tầm 30 - 40 sản phẩm cũng quý lắm rồi”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, để triển khai chương trình OCOP, Ban chỉ đạo TW sẽ lựa chọn 10 tỉnh (mỗi tỉnh chọn 1 huyện) thí điểm để đánh giá, nhân rộng. “Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng nông thôn mới 8 năm na, chúng tôi tin, cả phía TW và địa phương đều có thể làm tốt thí điểm và diện rộng, từ đó điều chỉnh chính sách, tổ chức triển khai bài bản nhất” ông Tiến nói. [5]

Theo báo Hà Nội mới ngày 26/11/2018, đưa tin: Hà Nội đã ban hành “quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”:

- Chọn đất trồng rau sạch: Đất để trồng rau phải là đất cao, thoát nước tốt, thích hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của rau; tốt nhất là chọn đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình có tầng canh tác dày 20 - 30cm. Vùng trồng rau phải cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp nặng và bệnh viện ít nhất 2km; cách khu chất thải sinh hoạt của thành phố ít nhất 200m. Đất có thể chứa một lượng nhỏ kim loại nhưng không được tồn dư hóa chất độc hại.

- Kỹ thuật tưới nước trồng rau VietGAP: Trồng rau xanh, nước chứa hơn 90% nên việc tưới nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Người dân cần lưu ý nếu không có nước giếng, dùng nước ao, sông, hồ không bị ô nhiễm. Đối với các lại rau ăn quả giai đoạn đầu có thể sử dụng nước từ mương, sông, hồ để tưới rãnh.

- Chọn giống rau VietGAP: Người dân chỉ gieo những hạt giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không có mầm bệnh. Trước khi gieo trồng hạt giống phải được xử lý hóa chất hoặc nhiệt; khi trồng cây con xuống ruộng cần xử lý Sherpa 0,1% để phòng và trừ sâu bệnh.

- Phân bón: Mỗi loại cây có chế độ bón và lượng bón phân khác nhau, khi bón lót người dân có thể dùng 15 tấn phân chuồng và 300kg lân hữu cơ vi sinh/ha. Nông dân tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi và nước phân chuồng pha loãng tưới cho rau.

- Cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Người dân không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc I và II, khi thật cần thiết có thể sử dụng nhóm III và IV, nên chọn các loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc hại; kết thúc phun thuốc hóa học trước khi thu hoạch ít nhất từ 5 đến 10 ngày.

Nhằm nâng cao đời sống cho người trồng lúa, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng lúa chất lượng cao. Đặc biệt, việc khôi phục và phát triển mô hình trồng nếp cái hoa vàng - một trong những sản phẩm gạo đặc sản của Hà Nội đã giúp nhiều nông dân tăng cao thu nhâp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với hơn 3.800ha trồng bưởi, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có diện tích sản xuất bưởi lớn trên cả nước. Đặc biệt, bưởi Hà Nội có nhiều giống đặc sản chất lượng cao: Bưởi Diễn, bưởi Đường, bưởi Quế Dương… Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong sản xuất nên chất lượng, giá trị bưởi Hà Nội tăng cao; đặc biệt, bưởi được chọn là một trong 4 đặc sản trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội, chuyển đổi sang các cây trồng chất lượng cao, trong đó bưởi là cây trồng được nhiều địa phương chọn lựa. Thời gian tới, trên quy hoạch đã được phê duyệt, với nhiệm vụ được giao, Trung tâm phát triển cây trồng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng bưởi chất lượng cao; đồng thời, xúc tiến thương mại, xây dựng các mô hình sản xuất bưởi theo chuỗi khép kín, qua đó, ổn định đầu ra cho các vùng trồng bưởi. Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ kết hợp với doanh nghiệp tiến hành chế biến các sản phẩm từ bưởi và xuất khẩu trái bưởi tươi ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Lườn (Hậu Giang) được nhiều người biết đến bởi mô hình nuôi ba ba trong ao đất, mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng. Trong mỗi ao nuôi ba ba, ông Lườn thả thêm khoảng 100 con cá vồ. Theo ông, cá vồ dễ nuôi, phát triển nhanh, ít bệnh lại tiêu thụ lượng thức ăn lớn. Việc nuôi chung sẽ tạo được nguồn thức ăn cho cá từ chất thải và thức ăn thừa của ba ba, góp phần làm sạch môi trường nước và tiết kiệm chi phí. Thời gian nuôi ba ba để thu hoạch thường kéo dài nên việc thả xen cá vồ giúp người nuôi tận dụng được diện tích mặt nước và tăng thêm thu nhập.

VTV1 ngày 24/11/2018 đưa tin tỉnh Lâm Đồng đã tái canh cây cà phê, thay thế các vườn cà phê già cỗi tiến tưới phát triển bền vững. Kết quả bước đầu các vườn cà phê xanh tốt, cho hạt to, chất lượng tốt, tạo điều kiện xuất khẩu. Hiện tỉnh đang tiếp tục xúc tiến công việc tìm thị trường cho cà phê. Cũng tại tỉnh Lâm Đồng đang xúc tiến trồng cà chua thân gỗ với giá 1 triệu đồng/kg lại không cần trồng trong nhà kính, chất lượng quả tốt, giàu vitamin. Hiện tỉnh đang quan tâm việc mở rộng và cung cấp giống cho nông dân, quan tâm đến vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Các biện pháp tổng thể để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững [1]

1. Phát triển nông nghiệp bền vững là yêu cầu cấp bách đặt ra cho toàn bộ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai nông thôn, nông nghiệp nước ta; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng không phá vỡ cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường, mọi chính sách, mọi đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

2. Cần có chính sách bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân. Giúp nông dân tránh bớt được rủi ro trong cơ chế thị trường và khi gặp thiên tai thì có thể tháo gỡ được, làm cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, có như vậy người dân mới yêu mảnh đất, mảnh vườn của mình; sản xuất hôm nay nhưng vẫn nghĩ đến tương lai lâu dài, chăm lo cải tạo và không ngừng tăng độ phì nhiêu của đất, nghĩa là phát triển sẽ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Nếu làm được như vậy thì những hàng rào ngăn cản sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội mới được tháo gỡ, tạo ra động lực thu hút đầu tư và tự đầu tư trong dân. Bên cạnh đó cũng phải có chính sách phù hợp thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, không ngừng tăng chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

3. Nâng cao nhận thức của xã hội, các ngành, các cấp về vị trí và vai trò phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phải xác định nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững thì toàn xã hội mới phát triển bền vững được. Hiện nay, một bộ phận trong xã hội còn lầm tưởng rằng phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư nhiều vào khu công nghiệp, tăng cường đầu tư nước ngoài… thì sẽ nhanh chóng làm giàu, nhanh chóng đưa đất nước phát triển. Chính từ nhận thức đó mà chúng ta chưa có chính sách hữu hiệu và chưa chú trọng vào đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo ra sự phát triển bền vững lâu dài. Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là để cho nông dân tự lo, tự bươn chải với thị trường mà ít tập trung tháo gỡ, định hướng và giúp đỡ nông dân để họ đi lên và đi ra được một cách vững vàng. Kết quả là nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan nhà nước chưa thực hiện được chức năng định hướng, hướng dẫn sản xuất và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; người nông dân chủ yếu vẫn chạy theo “phong trào” và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó dẫn đến phát triển tự phát, thiếu các yếu tố cần thiết cho phát triển bền vững.

4. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, nhất là đầu tư cho việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu mới nhất về công nghệ sinh học; gắn nghiên cứu với chuyển giao để giúp nông dân tiếp cận và sử dụng được những thành tựu về giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nông sản, thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm sạch, cho tiêu dùng và nguyên liệu cho công nghiệp, cũng như sản phẩm cho xuất khẩu có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Làm tốt công tác quy hoạch phát triển các làng nghề trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái các khu dân cư, có chính sách để huy động sự đóng góp chung của hộ sản xuất và bảo vệ môi trường, môi trường trong làng, xã. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, kể cả tư vấn, để các làng nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ sạch.

5. Chú trọng tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến của các hình thức kinh tế hợp tác và các loại hình hợp tác xã, trên cơ sở đó huy động và khuyến khích mọi thành phần, mọi lực lượng xã hội tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thực hiện dân chủ hóa (theo quy chế dân chủ cơ sở) trong nông thôn.

6. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nông dân ý thức được hiệu quả của việc “đổi điền dồn thửa” vươn lên sản xuất hàng hóa lớn và giảm chi phí sản xuất. Như trên đã nói: Không tích tụ được ruộng đất, không thể tiến hành CNC trong sản xuất nông nghiệp.

7. Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương cũng phải thể hiện được những nội dung của chính sách xã hội. Từ việc thu hút vốn đầutư cho đến kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể phải kết hợp chặt chẽ với các phương án nâng cao mức sống chung và xóa đói giảm nghèo. Tạo điều kiện cho dân cư nông thôn làm giàu, xóa dần sự các biệt về thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị. Có biện pháp thiết thực hướng dẫn và hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo tạo địa phương để họ một mặt được thụ hưởng một cách hiệu quả sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội, mặt khác, phát huy được tinh thần tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo bằng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Phát triển nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới” - NXB Nông nghiệp, 2017.
2. Báo TN ngày 14/10/2016, “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
3. Báo HNM ngày 24/2/2017, “Ruộng đất manh mún khó thu hút công nghệ cao”
4. Báo HNM ngày 23/11/2018, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều việc phải làm”.
5. Báo Tiền phong ngày 21/11/2018, “Nông dân Việt sẽ đổi đời”.

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp Việt Nam phải áp dụng công nghệ cao và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.